Thỏa thuận Brexit kéo dài khiến nước Anh chia rẽ và mệt mỏi. |
Tuy nhiên, giới quan sát chính trị nước Anh cho rằng, nhiều động thái cho thấy London “đã muốn có một thỏa thuận và rất vui mừng khi thấy sự tiến triển”. Tất nhiên, việc này cần phải thận trọng chờ xem liệu đây có phải là một bước đột phá thực sự hay không, cho dù cột mốc 31/10 đã đến rất gần. Trước đó, Thủ tướng B.Johnson từng tuyên bố “thà chết” còn hơn là trì hoãn Brexit, nước Anh vẫn sẽ dời khỏi EU kể cả không có thỏa thuận nào.
Việc hôm nay (14/10), Thủ tướng B.Johnson gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của EU để đánh giá lại tình hình trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào 2 ngày 17 và 18/10, được chính giới Anh hết sức quan tâm. Nghị viện Anh từng 3 lần “chối bỏ” cách thức và những điều khoản khi nước này dời khỏi EU. Bà Theresa May buộc phải từ chức Thủ tướng để “nhường lại” cho ông Boris Johnson cũng vì Brexit. Ông B.Johnson quyết định “treo” Quốc hội cũng vì Brexit.
Nhưng dẫu sao, hy vọng cũng đã được nhen nhóm. Những tin tức về sự tiến triển trong các cuộc đàm phán đã khiến thị trường tài chính tăng mạnh sau khi ông B.Johnson và người đồng cấp Ireland Leo Varadkar xác định được con đường dẫn đến một thỏa thuận sau nhiều tháng bất hòa. Trước đó, ông B.Johnson tuyên bố các đề xuất của ông đưa ra một biện pháp mới để tránh dẫn đến một “biên giới cứng” giữa khu vực Bắc Ireland thuộc Anh và quốc gia thành viên EU là Ireland sau khi Brexit diễn ra. Theo đề xuất này, Bắc Ireland sẽ ra khỏi Liên minh Hải quan của EU nhưng vẫn duy trì các tiêu chuẩn và quy định phù hợp với thị trường chung của Khối.
Hôm 13/10, tờ Sunday Times đưa tin rằng ông Johnson đang nỗ lực hết sức để đảm bảo có được một thỏa thuận, sau khi các quan chức an ninh cảnh báo rằng việc dời EU một cách vô trật tự có thể gây căng thẳng trở lại ở khu vực Bắc Ireland. Vấn đề đường biên giới Ireland là một nút thắt khó gỡ trong các cuộc đàm phán Brexit, đặc biệt là làm thế nào để ngăn chặn khu vực Bắc Ireland của Anh trở thành “cửa sau” vào thị trường EU mà không có các biện pháp kiểm soát biên giới.
Còn phía Ireland lo ngại việc các trạm kiểm soát đặt trên 500 km đường biên giới giữa nước này với Bắc Ireland sẽ làm suy yếu Thỏa thuận ngày “Thứ Sáu tốt lành” năm 1998, vốn đã giúp chấm dứt 3 thập kỷ xung đột chính trị và giáo phái khiến hơn 3.600 người thiệt mạng.
Trước những tín hiệu mới từ Thủ tướng Anh B.Johnson, 27 nước còn lại của EU “hình như chưa bày tỏ quan điểm”- theo Sunday Times. Giới quan sát cho rằng, “các nhà lãnh đạo EU đang nắm đằng chuôi trong cuộc đấu này, cho dù nước Anh ra đi với các thỏa thuận hay không, thì đối với họ đã không còn quá quan trọng”.
Có lẽ, động thái mạnh nhất là từ Paris. Theo Hãng tin RT, Pháp rõ ràng sẽ nói “Không” nếu Anh tìm cách trì hoãn việc dời khỏi EU thêm 3 tháng nữa sau hạn chót 31/10. Cảnh báo trên được đưa ra vài ngày say khi Hạ viện Anh thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng 10 bằng cách buộc Thủ tướng B.Johnson phải tìm cách trì hoãn kế hoạch Brexit thêm 3 tháng (tức là đến ngày 31/1/2020) nếu ngày 19/10 này hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Nói như Ngoại trưởng Pháp Jean Yves le Drian thì: “Trong trường hợp hiện nay, thì câu trả lời là không. Chúng ta không thể cứ lui 3 tháng một như thế”. Chưa hết, Ngoại trưởng Pháp còn thêm rằng: “Tình trạng hỗn loạn trong nền chính trị Anh đang diễn ra hết sức lo ngại. London cần rõ ràng hơn về chiến thuật Brexit trong tương lai. Người Anh phải nói với chúng tôi họ muốn gì”.
Cũng cần nhắc lại rằng, tiếng nói của Pháp trong EU là rất trọng lượng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.