Hạng mục hầm qua núi Gói thầu số 4 là một trong 13 hạng mục lớn của Dự án |
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông biểu dương tinh thần làm việc của các nhà thầu tham gia Dự án, nhất là Tổng Công ty Sông Đà khi áp dụng công nghệ đào hầm trong đất NATM (phương pháp đào hầm kiểu mới của Áo). Công nghệ mà đã áp dụng thành công trong thi công hầm đường bộ qua đèo Hải Vân.
Thứ trưởng yêu cầu Chủ đầu tư VEC cùng các đơn vị tư vấn giám sát kiểm tra sát sao tiến độ, chất lượng các gói thầu của toàn Dự án; Nhà thầu tuân thủ an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp mỏ nguyên liệu để dự án hoàn thành sớm đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Gói thầu xây lắp số 4 (phần vốn do JICA tài trợ) được chính thức phát lệnh khởi công từ ngày 04/7/2014 với tổng chiều dài 11,1km (từ Km 21+500 đến Km 32+600); quy mô thiết kế tiêu chuẩn đường cao tốc loại A theo tiêu chuẩn TCVN5729-97; tốc độ thiết kế 100 – 120km/h đi qua địa phận huyện Duy Xuyên và Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tổng giá trị hợp đồng là 2.066.895.798.381 VNĐ (đã bao gồm các loại thuế và dự phòng); Nhà thầu thi công: Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4) – Tổng công ty Sông Đà (SĐC) – Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLG) và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (Tuấn Lộc).
Hạng mục hầm thuộc gói thầu xây lắp số 4 đi qua núi Eo (từ Km 22+485 đến Km23+041) phía Bắc thuộc xã Duy Trinh, phía Nam thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, ngày 15/01/2015 cửa hầm đầu tiên phía Bắc bên phải chính thức được mở. Hầm có thiết kế hầm đôi, gồm 2 hầm đơn: hầm đi về phía Bắc có chiều dài 556m (từ Km 22+485 đến Km 23+041), hầm đi về phía Nam có chiều dài 515m (từ Km 22+485 đến Km 23+00). Đường trong hầm có tốc độ thiết kế 120km/h; chiều rộng đường cả 2 giai đoạn khai thác đều là 12m: Giai đoạn 1: 4 làn/2làn mỗi hầm; giai đoạn 2: 6 làn/3 làn mỗi hầm; mặt đường trong hầm là mặt đường cứng, kết cấu bê tông xi măng.
Hầm được thiết kế và thi công theo phương pháp NATM – phương pháp đào hầm kiểu mới của Áo, với bán kính vòm 7,75m, chiều cao tính từ chân vòm lên đỉnh vòm là 9,097m. Hầm được chia làm 3 loại địa chất, tương ứng với 3 hệ thống chống đỡ, gồm: Dạng DIII bao gồm bê tông phun 30MPa dày 30cm, có bổ sung lưới thép CQS6, vì kèo H200, hệ thống neo vượt trước dài 3m, neo đá dài 6m và bê tông vỏ hầm dày 45cm. Dạng CII: bao gồm bê tông phun 30MPa dày 15cm có bổ sung lưới thép CQS6, vì kèo H150, neo đá dài 4m và bê tông vỏ hầm dày 40cm. Dạng CI: bao gồm bê tông phun 30MPa dày 15cm, neo đá dài 4m và bê tông vỏ hầm dày 40cm.
Theo VEC, trong quá trình thi công hầm gặp rất nhiều khó khăn do gặp phải địa chất phức tạp, Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát và Nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời đảm bảo tiến độ và an toàn tuyệt đối trong suốt quá trình thi công.
Hạng mục hầm qua núi Gói thầu số 4 là một trong 13 hạng mục lớn của Dự án. Đến nay, sau 8 tháng thi công, phần thi công đào hầm cơ bản được hoàn thành. Cùng với việc hợp long cầu Kỳ Lam, việc thông hầm qua núi Eo thuộc gói thầu xây lắp số 4 vào ngày 18/9/2015 một lần nữa đánh dấu mốc quan trọng khẳng định sự quyết tâm của Chủ đầu tư sẽ hoàn thành Dự án đúng tiến độ.
Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác kinh tế Lào – Campuchia – Việt Nam qua hành lang kinh tế Đông Tây đến các cảng biển miền Trung Việt Nam. Tuyến đường đi qua các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, tổng chiều dài tuyến 139,52km (giai đoạn I) với tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng (tương đương 1.641 triệu USD) trong đó vốn vay của JICA là 798,56 triệu USD, vốn vay của WB là 590,39 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án được chia làm 13 gói thầu xây lắp đã được triển khai thi công đồng loạt. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.