Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN phát biểu tại buổi Lễ thông xe |
Tới dự buổi Lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa; đại diện lãnh đạo Tổng cục ĐBVN, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và tỉnh Sơn La.
Tại buổi Lễ, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, Dự án VRAMP được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3068/QĐ-BGTVT ngày 04/10/2013 với tổng mức đầu tư là 301 triệu USD, tương đương 6.305 tỷ đồng. Trong đó,, vốn vay Ngân hàng thế giới là 251 triệu USD và vốn đối ứng là 50 triệu USD. Cơ quan chủ quản dự án là Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN làm chủ đầu tư và Ban QLDA 3 là đơn vị trực tiếp quản lý dự án. Các gói thầu xây lắp của dự án tập trung vào nâng cấp, bảo trì một số tuyến đường như QL2, QL6, QL38, QL38B, QL39 và QL48.
Mục tiêu đầu tư xây dựng của Dự án VRAMP: Thiết lập cơ sở, phương pháp luận để thực hiện công tác bảo trì, nâng cấp và quản lý tài sản mạng lưới đường bộ khoa học, hiệu quả; đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế xã hội khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Mục tiêu trước mắt nhằm nâng cấp, bảo trì một số tuyến đường có tính chất liên kết mạng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc; áp dụng kết hợp các loại hình hợp đồng xây dựng mới trong quản lý bảo trì mạng lưới đường bộ; hỗ trợ các công cụ, phương pháp thu thập dữ liệu, lưu trữ và phân tích về tình trạng mạng lưới đường bộ để đánh giá, xác định nhu cầu, lập kế hoạch quản lý bảo trì ĐBVN hiệu quả, bền vững.
Tuyến QL6 từ Km193 – Km303, đoạn Mộc Châu - TP. Sơn La trên địa bàn tỉnh Sơn La thuộc Hợp phần Bảo trì tài sản đường bộ - Dự án VRAMP sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới có tổng chiều dài bảo trì là 110km với tổng giá trị khoảng 537 tỷ đồng. Công tác bảo trì được chia thành 3 hợp đồng, tổ chức triển khai thi công từ tháng 11/2016. Thời gian thực hiện hợp đồng PBC là 04 năm (kết thúc vào 23/11/2020), trong đó công tác khôi phục ban đầu là 10 tháng (kết thúc vào 23/9/2017).
Đại biểu tham dự buổi Lễ thông xe |
Về quy mô xây dựng: Giữ nguyên như quy mô đường hiện tại, sửa chữa, tăng cường mặt đường đảm bảo mô đun đàn hồi yêu cầu. Tận dụng hệ thống báo hiệu đường bộ, công trình thoát nước, công trình phòng hộ hiện hữu, kết hợp sửa chữa, thay thế, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế và Quy chuẩn kỹ thuật. Quản lý và bảo trì nền, mặt đường, các công trình trên đoạn tuyến từ Km193-Km303 trong thời gian hợp đồng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Về giải pháp thiết kế: Tim tuyến trùng hoàn toàn tim tuyến hiện hữu. Thiết kế cao độ đảm bảo chiều dày tăng cường áo đường. Tại các vị trí cầu, vuốt nối đến sát vị trí khe co giãn. Chiều rộng nền, mặt đường: Giữ nguyên quy mô như hiện hữu, chiều rộng lề tối thiểu là 0,5m. Đối với các đoạn thảm trực tiếp, thay đổi theo độ dốc ngang hiện hữu để giảm thiểu khối lượng bù vênh BTN. Riêng đối với các mặt cắt ngang trong đường cong nằm có yêu cầu bố trí siêu cao, thiết kế theo đúng quy định. Về kết cấu lề đường: bóc bỏ lớp hữu cơ bề mặt, đắp lại bằng đất đảm bảo độ chặt bằng cao độ mặt đường. Bề rộng lề đường 1m; các đoạn có bề rộng lề tối thiểu 0,5m và có rãnh gia cố, gia cố lề đường bằng BTXM.
Về kết cấu mặt đường: Sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường, hoàn trả đến cao độ mặt đường hiện hữu đối với các đoạn thảm trực tiếp 01 lớp BTN, các đoạn thảm trực tiếp 2 lớp; các đoạn cào bóc toàn bộ lớp BTN hư hỏng (các đoạn hư hỏng liên tục trên đoạn thảm 2 lớp) và các đoạn cào bóc tái sinh mặt đường. Cùng với đó, thiết kế tăng cường kết cấu mặt đường cũ phải đảm bảo thiết kế yêu cầu Eyc≥140Mpa.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa và lãnh đạo tỉnh Sơn La và các bộ ngành cắt băng thông xe QL6. |
Về nút giao, đường giao: Giữ nguyên quy mô, kích thước nút giao như hiện tại, vuốt nối nút giao theo hiện trạng, đảm bảo êm thuận, kết cấu vuốt nối như kết cấu mặt đường tuyến chính. Tổ chức giao thông bằng vạch sơn và biển báo.
Về hệ thống thoát nước, hệ thống ATGT: Giữ nguyên hiện trạng các cầu hiện có; nạo vét và khơi thông các cống đồng thời có xây dựng các cống bổ sung, thay thế cống cũ. Tận dụng hệ thống các công trình phòng hộ hiện hữu, sửa chữa các vị trí mái dốc taluy gia cố, tường chắn đã hư hỏng theo kết cấu hiện hữu. Tận dụng hệ thống báo hiệu đường bộ hiện hữu, sửa chữa, thay thế, bổ sung để đảm bảo theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT.
Công tác bảo trì theo hình thức hợp đồng PBC - là hình thức hợp đồng dựa trên chất lượng thực hiện trong công tác bảo trì đường bộ trong thời gian 4 năm được thực hiện theo đúng Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 07:2013/TCĐBVN ban hành kèm theo Quyết định số 1682/QĐ-TCĐBVN ngày 07/10/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tuyến QL6 là tuyến đường huyết mạch nối vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội. Sau khi hoàn thành, tuyến QL6 đoạn Km193+000-Km303+000nói riêng và toàn bộ dự án nói chung sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ Hòa Bình đi Sơn La và ngược lại, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, cải thiện điều kiện khai thác và giảm ùn tắc, TNGT trên QL6 đoạn Hòa Bình – Sơn La. Đồng thời, kết nối thông suốt, tạo động lực mãnh mẽ để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho Khu vực Tây Bắc nói riêng và toàn miền Bắc nói chung.
Ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cam kết sẽ khai thác công trình hiệu quả |
Ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, việc nâng cấp tuyến QL6 đoạn Km193+000 - Km303+000 từ Mộc Châu đến thành phố Sơn La và từ thành phố Sơn La về Hà Nội đã rút ngắn thời gian lưu thông gần 1 tiếng, giúp người tham gia giao thông đi lại thuận lợi và tốt hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. “Chúng tôi cam kết sẽ khai thác công trình hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Cầm Ngọc Minh cam kết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.