Thông xe cầu Bạch Đằng 2 nối tỉnh Bình Dương và Đồng Nai

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 23/09/2024 14:55

Sau gần 3 năm xây dựng, đến nay cầu Bạch Đằng 2 đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, giúp việc kết nối TP. Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) thuận lợi và dễ dàng hơn.

Thông xe cầu Bạch Đằng 2 nối tỉnh Bình Dương và Đồng Nai- Ảnh 1.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại lễ khánh thành

Sáng 23/9, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ thông xe cầu Bạch Đằng 2.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhấn mạnh, cầu Bạch Đằng 2 sẽ thúc đẩy giao thương, tạo ra không gian phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ cho hai tỉnh và cả khu vực Đông Nam bộ.

Sau khi cầu Bạch Đằng 2 khánh thành, hai bến phà phục vụ người dân 2 tỉnh sẽ kết thúc sứ mệnh sau hàng chục năm vận hành, thời gian di chuyển giữa các tỉnh Đông Nam bộ cũng sẽ được rút ngắn.

Thông xe cầu Bạch Đằng 2 nối tỉnh Bình Dương và Đồng Nai- Ảnh 2.

Cầu Bạch Đằng 2 được các đơn vị dồn lực thi công để sớm phục vụ người dân lưu thông, giao thương

Bên cạnh đó, cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai nối liền TP. Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh, liên vùng trong khu vực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời mở thêm không gian phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ giữa hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Đặc biệt, cầu Bạch Đằng 2 giúp kết nối với các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia như tuyến Vành đai 3, Vành đai 4..., đặc biệt là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Thông xe cầu Bạch Đằng 2 nối tỉnh Bình Dương và Đồng Nai- Ảnh 3.

Lãnh đạo các địa phương thực hiện nghi thức khánh thành cầu Bạch Đằng 2

Được biết, dự án cầu Bạch Đằng 2 được khởi công vào cuối năm 2021 do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.

Cầu Bạch Đằng 2 cùng phần đường dẫn 2 đầu cầu có chiều dài gần 3 km, trong đó phần cầu dài hơn 400 m, rộng 17 m, bao gồm 4 làn xe, tĩnh không 7 m. Cầu có 4 trụ ở sông và 2 trụ ở bờ. Tổng mức đầu tư dự án gần 500 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Nguồn vốn thực hiện dự án được phân chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng góp 50% kinh phí đối với phần cầu chính và mỗi địa phương tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.