Lãnh đạo Bộ Quốc phòng thông báo về kết quả hoạt quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội 6 tháng đầu năm 2017 và hoạt động kinh tế của quân đội - Ảnh: THUẬN THẮNG (Tuổi trẻ) |
Sáng 13/7, Bộ Quốc phòng đã tổ chức họp báo về kết quả hoạt động quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội 6 tháng đầu năm 2017.
Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng Võ Hồng Thắng trả lời thẳng thắn câu hỏi của báo chí liên quan quân đội làm kinh tế, bình luận trước ý kiến liệu “quân đội làm kinh tế có lợi ích nhóm không?”.
“Tôi trả lời ngay là không có lợi ích nhóm gì hết, quân đội làm kinh tế cũng chưa phải mà quân đội thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất kinh tế thì mới đúng. Đây là nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho quân đội chứ không phải quân đội muốn làm thế nào hay do ai thích làm thì làm”, ông Thắng khẳng định.
Cục trưởng Kinh tế quốc phòng cho biết thực nhiệm vụ này cũng là để đóng góp phát triển đất nước, nhất là nơi biên cương, hải đảo những doanh nghiệp, đơn vị khác không làm được.
Ông Thắng khẳng định, những nội dung hoạt động kinh tế gắn chặt với quốc phòng.
“Các doanh nghiệp quân đội gắn chặt với nhiệm vụ quốc phòng không phải do xuất phát từ lợi ích nhóm hay lợi ích riêng của quân đội”, ông nói.
Hình thức ưu tiên nhưng thực chất không ưu tiên
Báo Pháp Luật T P.HCM đặt câu hỏi: Quân đội làm kinh tế có rất nhiều lợi thế so với các DN dân doanh, và rất khó để bên ngoài giám sát. Vậy làm sao để đảm bảo công bằng và minh bạch?
Cục trưởng Kinh tế quốc phòng cho rằng, DN quân đội có đặc thù về nhiệm vụ quân sự quốc phòng nên trước đây có sự ưu tiên như được cấp một số xe biển đỏ, điều cán bộ sĩ quan cho DN.
“Nhưng nhìn chung hoạt động của DN quân đội theo đúng quy định của pháp luật, trong hoạt động không có ưu tiên gì. Hình thức nhìn là có ưu tiên nhưng thực chất thì không phải như vậy”- ông Thắng nói.
Cục trưởng Kinh tế quốc phòng dẫn chứng, vừa qua, Bộ Quốc phòng thực hiện đề án tái cơ cấu đã thu hồi các xe biển đỏ trang bị cho DN quân đội, trên 1.000 xe. Với DN quân đội 100% vốn Nhà nước thì được phân 2 xe biển đỏ để các lãnh đạo đi làm nhiệm vụ. Còn lại các DN khác chỉ được cấp xe biển trắng như thông thường.
Ông Thắng khẳng định, khi sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân đội giao sản phẩm quốc phòng thì cũng hạch toán đầy đủ theo chế độ của DN, cung ứng sản phẩm ra thị trường cũng bình đẳng theo thị trường, không có ưu tiên gì. Hàng năm cũng tiếp đoàn thanh tra, kiểm toán của Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Thắng nói DN quân đội có ưu thế thuận lợi là đi sản xuất kinh doanh cung ứng ra thị trường, sản phẩm của quân đội được dân tin tưởng, DN khác muốn cạnh tranh phải xây dựng thương hiệu, chất lượng giá cả phù hợp.
Sai phạm nghiêm trọng xử lý hình sự
Trả lời câu hỏi về việc xử lý sai phạm của các DN cho bên ngoài thuê đất, ông Thắng cho hay, các DN, đơn vị quân đội sử dụng đất quốc phòng sai mục đích đều bị kiêm tra xử lý thu hồi.
Quân ủy TƯ đã chỉ đạo kiểm tra rà soát lại toàn bộ, nếu làm không đúng quy định thì thu hồi, cán bộ làm sai sẽ xử ký trách nhiệm, sai phạm nghiêm trọng thì sẽ xử lý trách nhiệm hình sự.
Cục trưởng Kinh tế quốc phòng cũng khẳng định, một số nhà xưởng, đất đai quốc phòng chuyển đổi sang làm kinh tế đều phải được Thủ tướng đồng ý trên cơ sở ý kiến đánh giá của các địa phương, tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT.
“Thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ Quốc phòng không tự tiện được. Chúng tôi thực hiện theo đúng quy trình pháp luật”, ông Thắng nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.