Du học sinh Việt Nam tại Nga. Ảnh minh họa |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, thời gian qua, thực hiện chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, nhiều học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí như từ ngân sách nhà nước, học bổng của Chính phủ và cơ sở đào tạo nước ngoài hay tự túc kinh phí (chủ yếu). Đây là nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển đất nước.
"Tuy nhiên, học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp chưa phát huy tốt vai trò, khả năng của mình do chưa có các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực này", văn bản nêu rõ.
Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tổng thể và đề xuất các cơ chế, giải pháp thu hút và sử dụng có hiệu quả học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp, đóng góp xây dựng đất nước. Các giải pháp phải được báo cáo Chính phủ trong phiên họp tháng 7/2016.
Những năm qua, số lượng học sinh Việt Nam đi du học ngày càng tăng. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, du học sinh Việt Nam đứng thứ 2; còn tại Mỹ, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 9 về số lượng du học sinh... Tuy nhiên, sau tốt nghiệp, số lượng du học sinh trở về nước làm việc rất ít.
Khi nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo vào tháng 4, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tranh thủ trí tuệ, nhiệt tình của chuyên gia giỏi, đầy nhiệt huyết trong và ngoài nước cho sự nghiệp giáo dục. "Tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết cho giáo dục", ông Nhạ nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.