Mô hình thu phí ETC với camera, đầu đọc... gắn trên giá long môn sẽ tạo minh bạch, chống gian lận khi xe qua trạm |
Hai năm chỉ vận hành 6 trạm
Đến giờ này là đã 2 năm kể từ ngày Bộ GTVT phát thông cáo cho biết, trên các tuyến quốc lộ quan trọng (QL1 và QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên)) sẽ chính thức áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng.
“Công nghệ này có nhiều ưu điểm so với các công nghệ khác như chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác lên tới 99,99%, dễ được chủ phương tiện giao thông chấp thuận (do thẻ RFID được cấp miễn phí)…Vì thế, công nghệ ETC không những phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của nước ta mà còn là biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam.”, Bộ GTVT khẳng định như vậy, nhưng tới thời điểm này, tiến độ của dự án nói trên vẫn bị chậm tới hơn một năm.
Thông tin từ Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (đơn vị được Bộ GTVT giao triển khai dự án) cho hay, đến nay, đơn vị này đã ký hợp đồng tổ chức dán thẻ định danh E-Tag để thu phí giao thông thông qua Cục Đăng kiểm Việt Nam và 77 Trung tâm đăng kiểm.
Ngoài ra, VETC còn ký hợp đồng với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên khắp cả nước tổ chức dán thẻ trực tiếp đến các doanh nghiệp, các khu vực gần trạm thu phí và hiện đã dán xong 6 vạn thẻ.
“Sau 2 năm thực hiện, đến nay mới có 5 trạm thu phí hoàn thành việc lắp đặt thiết bị và tiến hành thu phí thương mại, đó là các trạm Quảng Đông (Quảng Bình), Toàn Mỹ (Km1813+650, Đắk Nông), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Trạm ở K1610+800 (Đức Long Gia Lai 1), Trạm ở Km1667+470 (Đức Long Gia Lai 2). Ngày 1/3 tới , có thêm Trạm Hòa Phước trên QL1 đoạn qua Quảng Nam của Công ty Công ty CP Xây dựng công trình 545 (CECO 545) chính thức vận hành. Hơn 10 trạm còn lại việc thương thảo, lắp đặt để đi vào vận hành vẫn đang gặp không ít khó khăn”, ông Vũ Quang Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC nói.
Trao đổi với PLVN, ông Thân Hóa - Giám đốc CECO 545 khẳng định, ông ủng hộ việc thực hiện ETC tại Dự án BOT QL1 của doanh nghiệp, đồng thời cho biết sau khi vận hành thử hệ thống này, CECO 545 sẽ đàm phán với VETC về các điều khoản cụ thể để thực hiện công nghệ nói trên một cách lâu dài.
Thẻ định danh E-Tag được dán trên kính xe để nhận diện khi qua trạm thu phí ETC |
Lực cản khó “gọi tên” là gì?
Liên quan vấn đề này, Bộ GTVT nhiều lần khẳng định công nghệ ETC là “khắc tinh” của hành vi thiếu minh bạch, gian lận trong hoạt động thu phí đường bộ bởi các thiết bị hiện đại (camera, đầu đọc...) lắp đặt trên các giá long môn của các trạm thu phí sẽ cho phép hệ thống này thu nhận, xử lý hình ảnh, tính phí đường bộ một cách chi tiết và không bỏ sót bất kỳ xe nào dù cho các phương tiện cơ giới lưu thông qua trạm với tốc độ cao.
Từ thực tế đó, một số ý kiến đã nhận định: phải chăng sự chặt chẽ, chính xác này... là lý do khiến một số nhà đầu tư các Dự án BOT đường bộ “ngại” ETC dẫn tới chần chừ chưa muốn thực hiện?
Được biết, trên QL1 và QL14 có tất cả 28 trạm phí. Đến nay, đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị tại 8 trạm. Nếu không tính một số trạm ở Tây Nam bộ và miền Bắc chưa xây dựng, thì đến nay vẫn còn 13 trạm đã đủ điều kiện nhưng chưa thể lắp đặt và đàm phán để ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ dù mới đây, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đã “chốt” tới cuối tháng 4/2017, các nhà đầu tư BOT và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ETC phải hoàn thành việc ký hợp đồng và cuối tháng 6/2017 sẽ đồng loạt áp dụng công nghệ ETC tại các trạm thu phí đường bộ ở QL1 và QL14.
“Trong quá trình thực hiện, một số nhà đầu tư như BOT Toàn Mỹ (Đắk Nông), CECO 545 (Quảng Nam)... rất hợp tác, thậm chí như Toàn Mỹ - họ gần như bàn giao cả trạm cho chúng tôi thực hiện công tác lắp đặt, vận hành. Nhưng cũng có những nhà đầu tư dù đã đi lại, gặp gỡ nhiều lần, nhưng họ vẫn nhùng nhằng với các lý do - nào là sau khi ứng dụng công nghệ này vấn đề lao động của họ sẽ sử dụng ra sao rồi còn đòi giữ lại một phần chi phí để đối soát hậu kiểm... nên tới nay vẫn dứt điểm được. Nói tóm lại, mỗi khi “anh” chưa hợp tác thì “anh” viện đủ các lý do “đau đầu, đau bụng” ra để nói với đối tác thôi!”, ông Vũ Quang Lâm than phiền.
Dưới gốc độ là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GTVT mặt mặt đã khẳng định, việc triển khai Dự án thu phí ETC sẽ không ảnh hưởng tới phương án tài chính của Hợp đồng BOT đã ký giữa Bộ GTVT với các nhà đầu tư, mặt khác cũng lưu lý phía Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cần phải tính toán hợp lý để thu hút các nhà đầu tư BOT tham gia sử dụng dịch vụ này.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT còn chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất phương án thu phí tại các vị trí nhạy cảm là đầu mối, cửa ngõ giao thông ra vào các thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.
“Chúng tôi đánh giá cao việc thực hiện thu phí tự động không dừng. Vì thế, ở Trạm phí đường bộ Pháp Vân - Cầu Giẽ, chúng tôi đã chủ động cho lắp đặt hệ thống thiết bị để tới đây áp dụng. Tuy nhiên, hiện đang phải chờ một số điều kiện kỹ thuật, kết nối mạng để có thể vận hành hệ thống ổn định.”, ông Phạm Văn Khôi - Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Xây dựng giao thông Phương Thành khẳng định.
Đối với những nhà đầu tư BOT chưa thực hiện chủ trương trên, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý các dự án đối tác công - tư của Bộ khẩn trương hướng dẫn, giám sát thực hiện triệt để với quan điểm không không thể để các nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư công trình rồi muốn làm gì cũng được.
Viện đủ lý do “đau đầu, đau bụng” để nói với đối tác “Trong quá trình thực hiện, một số nhà đầu tư như BOT Toàn Mỹ (Đắk Nông), CECO 545 (Quảng Nam)... rất hợp tác, thậm chí như Toàn Mỹ - họ gần như bàn giao cả trạm cho chúng tôi thực hiện công tác lắp đặt, vận hành. Nhưng cũng có những nhà đầu tư dù đã đi lại, gặp gỡ nhiều lần, nhưng họ vẫn nhùng nhằng các lý do - nào là sau khi ứng dụng công nghệ này vấn đề lao động của họ sẽ sử dụng ra sao rồi họ còn đòi giữ lại một phần chi phí để đối soát hậu kiểm... nên tới nay vẫn dứt điểm được. Nói tóm lại, mỗi khi “anh” chưa hợp tác thì “anh” viện đủ các lý do “đau đầu, đau bụng” ra để nói với đối tác thôi!”, ông Vũ Quang Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC . |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.