Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga |
Thí sinh tốt nghiệp có thể giảm
Thưa Thứ trưởng, thông tin sơ bộ từ các cụm thi cho thấy điểm thi đã được hoàn tất và gửi về Bộ GD-ĐT. Thứ trưởng có thể khái quát về kết quả điểm đạt được của thí sinh năm nay?
Ngày 20/7 tất cả các cụm thi đã gửi kết quả thi về Bộ. Trong một vài ngày tới tổ kỹ thuật sẽ xử lý, hoàn tất cơ sở dữ liệu bao gồm kết quả thi và tất cả các thông tin cần thiết khác của thí sinh để chuyển về các sở GDĐT thực hiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Do chưa tổng hợp hết dữ liệu nên chưa nói được chính xác kết quả thi của thí sinh. Tuy nhiên, với cấu trúc đề thi nhằm 2 mục đích như năm nay, có thể nói một cách khái quát điểm thi của thí sinh sẽ thấp hơn điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng cao hơn điểm thi tuyển sinh ĐH năm ngoái.
Mức độ cao thấp thế nào Bộ sẽ công bố sau khi tổng hợp và phân tích dữ liệu.
Nhận định từ các cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì, kết quả điểm thi không cao, thậm chí có nhiều bài thi điểm liệt. Thực tế này được nhìn nhận thế nào khi nhiều lãnh đạo cụm thi dự đoán, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ không cao đồng nghĩa nhiều thí sinh trượt tốt nghiệp?
Hiện nay chưa có số liệu để so sánh kết quả thi của thí sinh ở các cụm thi. Cũng cần nói thêm rằng khác với mọi năm, năm nay học sinh hệ bổ túc văn hóa thi cùng đề thi với học sinh phổ thông. Vì vậy học sinh hệ bổ túc văn hóa gặp ít nhiều khó khăn nhất định.
Những cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì thường có nhiều thí sinh hệ bổ túc văn hóa nên có thể kết quả thi sẽ thấp hơn các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) đặc biệt là các môn tự luận thì ở cụm thi nào cũng có.
Thí sinh bị điểm liệt 1 môn thì đương nhiên trượt tốt nghiệp, đồng nghĩa với việc không được tham gia xét tuyển ĐH, CĐ. Ngoài điểm liệt, thí sinh còn có thể trượt tốt nghiệp do tổng điểm thi và điểm quá trình học tập không đạt yêu cầu.
Do có những thay đổi trong qui chế thi tốt nghiệp THPT nhằm nâng cao chất lượng như vậy nên tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp năm nay có thể giảm đi ít nhiều so với năm ngoái.
Điểm xét tuyển ĐH tốp giữa có thể tăng
Ngược lại, ở các cụm thi do các trường ĐH chủ trì lại cho bức tranh điểm thi khả quan, thậm chí được nhận định điểm thi đạt cao. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến việc xác định ngưỡng điểm tối thiểu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ - thưa Thứ trưởng?
Điểm xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phụ thuộc vào phân bố phổ điểm kết quả thi của thí sinh. Năm nay dự báo kết quả thi của thí sinh sẽ tập trung cao ở vùng điểm 5-6 điểm nhưng vùng điểm cao 9-10 điểm có thể ít.
Do đó điểm xét tuyển vào các trường tốp giữa có thể tăng nhưng những trường tốp trên có thể không thay đổi nhiều so với những năm trước.
Để tạo thuận lợi cho thí sinh, về phía các trường cũng cần có trách nhiệm phân tích, dự báo kết quả để công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển phù hợp. Các trường có sức hút thí sinh cao mà công bố ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển thấp (để đảm bảo an toàn nguồn tuyển cho trường mình) sẽ khiến nhiều thí sinh nộp hồ sơ rồi phải rút ra, gây khó khăn, vất vả cho thí sinh, đặc biệt đối với những thí sinh ở xa.
Việc công bố ngưỡng xét tuyển phù hợp, một mặt khẳng định được uy tín của nhà trường và mặt khác thể hiện tinh thần trách nhiệm của nhà trường đối với thí sinh và xã hội.
Đề thi THPT quốc gia năm được các chuyên gia đánh giá đảm bảo mục tiêu "2 trong 1": vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, so sánh với cấu trúc đề thi tuyển sinh những năm trước - nhiều ý kiến cho rằng đề thi năm nay chưa đánh giá đúng năng lực để tuyển chọn vào các trường ĐH. Thứ trưởng đã nhận được những nhận xét tương tự và quan điểm của Thứ trưởng?
Một đề thi thỏa mãn hoàn toàn các mục đích khác nhau là rất khó thực hiện.
Kỳ thi chung dù được tổ chức dưới bất kỳ hình thức nào cũng chỉ cung cấp được những thông tin chung nhất về trình độ của thí sinh. Vì vậy để tuyển được những thí sinh có năng lực phù hợp, ngoài kết quả kỳ thi chung, các trường còn tổ chức các cuộc sát hạch, phỏng vấn thêm. Năm nay chỉ có một số ít các trường thực hiện việc này.
Trong những năm tới để đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, chắc chắn sẽ có thêm nhiều trường thực hiện sơ tuyển hay kiểm tra thêm năng lực của thí sinh ngoài kết quả kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức chung như năm nay.
Đề thi năm nay có phần cơ bản nên phần lớn những thí sinh khá giỏi có thể làm được phần này. Tuy nhiên có những câu khó mà thí sinh phải thật giỏi mới làm được. Do đó phổ điểm sẽ phân bố nhiều ở vùng trung bình nhưng số thí sinh đạt điểm cao, nhất là điểm tuyệt đối sẽ ít đi.
Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi nộp hồ sơ
Một điểm mới được đánh giá tạo thuận lợi cho thí sinh là sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thí sinh mới đăng ký xét tuyển. Thứ trưởng có thể định hướng cho thí sinh về công tác xét tuyển mới mẻ này để không bỏ lỡ cơ hội vào trường ĐH mình yêu thích?
Theo kế hoạch thì ngày 1/8 các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt đầu tiên. Thí sinh cần lưu ý, đợt xét tuyển đầu tiên thí sinh chỉ được nộp vào một trường với 4 nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường này.
Trong thời gian xét tuyển đợt 1 thí sinh theo dõi thông tin thống kê của trường để quyết định thay đổi nguyện vọng hay rút hồ sơ để nộp sang trường khác có khả năng trúng tuyển cao hơn. Việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào ngành có thể thực hiện đơn giản nhưng việc rút hồ sơ sẽ bất tiện hơn nhiều nên thí sinh phải cân nhắc việc chọn trường thật kỹ trước khi nộp hồ sơ.
Thí sinh đã trúng tuyển vào ngành, trường nào rồi thì không còn được xét tuyển các đợt tiếp theo nên các trường cũng yên tâm với kết quả xét tuyển đợt 1.
Các đợt còn lại, thí sinh có thể nộp cùng lúc 3 giấy báo kết quả thi nên số ảo sẽ rất nhiều, cơ hội trúng tuyển của thí sinh vào ngành nghề yêu thích sẽ thấp.
Khi nào Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển để các trường áp dụng? Ngưỡng điểm năm nay có biến động thế nào so với các năm trước, thưa Thứ trưởng?
Dự kiến trong thời gian từ 20/7 - 31/7, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp thảo luận đưa ra nguyên tắc xác định ngưỡng điểm xét tuyển. Đây là ngưỡng tương đối, phụ thuộc vào mức độ khó dễ của đề thi từng năm.
Nhiều năm thi "3 chung" điểm sàn ít thay đổi do cấu trúc đề thi chỉ nhằm mục đích phân loại, có độ khó tương đương như nhau. Năm nay đề thi được thiết kế với 2 mục đích, số câu hỏi cơ bản nhiều hơn nên rõ ràng thí sinh thi đại học dễ đạt được điểm cao hơn những năm trước. Mặt khác trước đây khi tổ chức thi "3 chung" thì điểm sàn được cân nhắc để vừa đảm bảo chất lượng lại vừa đảm bảo nguồn tuyển cho tất cả các trường trong cả nước.
Năm nay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào liên quan chủ yếu đến việc xét tuyển và chỉ tiêu của những trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Đối với khoảng 200 trường ĐH, CĐ có đề án tự chủ tuyển sinh thì một phần chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, một phần dựa vào kết quả học tập của thí sinh ở bậc phổ thông với ngưỡng đảm bảo chất lượng được xác định trong đề án đã công bố.
Trên cơ sở cân nhắc những yếu tố đó, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp thảo luận đưa ra nguyên tắc xác định ngưỡng điểm xét tuyển đơn giản nhất, phù hợp nhất để các trường dễ áp dụng chung cho tất cả các tổ hợp xét tuyển của trường mình.
Cảm ơn Thứ trưởng!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.