Đây là kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm sau khi kiểm tra hiện trường và làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện dự án tuyến tránh TP.Cà Mau vào chiều ngày 1/12.
Chiều ngày 1/12, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra hiện trường dự án tuyến tránh QL1 đoạn qua TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Sớm bàn giao dứt điểm mặt bằng sạch cho dự án
Đại diện Ban QLDA7 (chủ đầu tư) cho biết, hiện nay địa phương đã bàn giao mặt bằng 14,1/14,243km (đạt 99%). Tuy nhiên, tại dự án còn vướng khoảng gần 150m đoạn nút giao cuối tuyến thuộc địa bàn huyện Cái Nước. Trong đó, vướng mặt bằng 1 hộ kinh doanh và 6 hộ dân do chưa đồng ý về giá đền bù và chính sách hỗ trợ.
Hiện nay, UBND tỉnh Cà Mau đã có chủ trương giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức lập lại chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các hộ dân trên thay cho việc điều chỉnh giá để trình UBND tỉnh xem xét quyết định trong tháng 12/2022.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Trong thời gian qua, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở ngành tập trung công tác GPMB nhanh nhất có thể để dự án sớm được hoàn thành. Đối với một hộ dân kinh doanh lò bún tại điểm cuối dự án, trong tuần sau, địa phương sẽ định giá xong tài sản của người dân và thực hiện đền bù. Đối với các hộ dân còn lại, tỉnh sẽ tính toán lại mức giá và vận động tuyên truyền thêm cho người dân. Tinh thần là đến 30/12, địa phương sẽ xử lý hết các vướng mắc mặt bằng và bàn giao cho các nhà thầu triển khai thi công dự án”.
Hạn chót đến 31/3/2023 hoàn thành dự án
Báo cáo thêm, ông Lê Quốc Dũng, Phó giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, tính đến nay, sản lượng cả gói thầu vẫn chậm so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn vướng mắc về mặt bằng, đoạn qua khu công nghiệp Hòa Trung.
Hiện các đơn vị đang tập trung huy động vật tư, thiết bị đồng thời phối hợp với địa phương vận động các hộ dân tranh thủ sự đồng thuận của người dân để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tuy nhiên, nguyên nhân chậm tiến độ một phần là từ sự chủ quan một số nhà thầu chưa tập trung tối đa nguồn lực, đặc biệt là về tài chính để triển khai thi công.
Tại hiện trường, công tác huy động thiết bị xe máy và nhân sự của một số nhà thầu còn chưa đáp ứng theo kế hoạch cam kết. Một số nhà thầu có biểu hiện thiếu hụt tài chính dẫn đến công tác cung cấp vật tư còn chưa đáp ứng theo yêu cầu (Công ty Anh Giang, Công ty 624 và Công ty Hiệp Thành thuộc gói thầu XL01; Công ty 208 thuộc gói thầu XL02).
Để đảm bảo dự án hoàn thành theo kế hoạch đề ra, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT chấp nhận cho gia hạn thực hiện dự án đến ngày 30/4/2023 để có đủ thời gian thực hiện và làm các thủ tục nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng.
Ngay sau khi nghe ý kiến từ các đơn vị, Thứ trưởng Bộ GTVT nói thẳng: "Dự án phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 31/3/2023. Đây là 1 trong hai dự án thí điểm giao Ban QLDA trực tiếp làm chủ đầu tư. Do đó, lãnh đạo Ban phải quyết liệt chỉ đạo để đưa dư án về đích đúng tiến độ".
“Sau hơn 11 tháng thi công nhưng kết quả đạt được của dự án là rất thấp. Khu vực thi công có mặt bằng sạch, các yêu cầu kỹ thuật không nhiều như các dự án khác,… Nhưng kết quả thi công hiện tại là chưa tương xứng”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói và cho biết, Bộ GTVT đã tháo gỡ mọi khó khăn cho các đơn vị, tạo điều kiện để nhà thầu thi công bù tiến độ. "Thời gian tới nếu nhà thầu tiếp tục không hoàn thành thì Ban QLDA7 phải có biện pháp xử lý mạnh tay hơn", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Ban QLDA 7 làm việc lại với các đơn vị, chốt tiến độ từng mốc cụ thể; Cắt chuyển khối lượng, phạm vi thi công phải rõ ràng, tránh để một số nhà thầu muốn thi công phải phụ thuộc các nhà thầu khác.
Đặc biệt, việc thi công phải ưu tiên thông các mặt cầu để có thể vận chuyển vật tư vật liệu trên tuyến chính. “Không thể để tình trạng mạnh nhà thầu nào người ấy làm”, Thứ trưởng lưu ý.
"Ban QLDA 7 cần phải xem xét lại nguồn lực tài chính của nhà thầu, năng lực các nhà thầu có thể hoàn thành dự án hay không? Bây giờ thời gian không còn, các nhà thầu phải tập trung thi công. Nếu các nhà thầu không chủ động nguồn vật tư thì giai đoạn về đích sẽ còn gặp nhiều khó khăn và không thể hoàn thành dự án như cam kết", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo thêm.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1 đoạn qua TP.Cà Mau đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài khoảng 14,3km sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm tải cho QL1 đoạn đi qua trung tâm TP.Cà Mau, giảm thiểu ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.