Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tham dự tọa đàm về khắc phục thảm họa động đất, sóng thần tại miền Đông Nhật Bản

Giao thông 24h 13/03/2013 17:09

Sáng ngày 13/03/2013, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, GTVT và Du lịch Nhật Bản (MLIT), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cục Hàng hải Việt Nam (VINAMARINE) phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm về khắc phục thảm họa động đất, sóng thần tại miền Đông Nhật Bản. Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công; Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản Hideo Suzuki; Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Tsuno Motonori; Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu và đại diện các Bộ, ngành liên quan.


Trận động đất với cường độ 9.0 xảy ra vào ngày 11/03/2011 đã làm 15.829 người chết, 3.724 người mất tích, gây tổn thất riêng đối với các công trình thiết bị cảng và cầu cảng khoảng 412 tỷ Yên (4,1 tỷ USD). Chiều cao sóng thần xảy ra lớn hơn nhiều so với chiều cao sóng đã thiết kế cho các đê chắn sóng và chắn triều, do vậy mà các công trình, thiết bị và vùng đất gần bờ đã phải chịu những tổn thất vô cùng nặng nề.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại buổi tạo đàm, nhiều bài tham luận đã được trình bày, đem đến bức tranh cụ thể về những thiệt hại do động đất sóng thần gây ra, qua đó các tác giả đã giới thiệu tương đối đầy đủ biện pháp khắc phục, gia cố và hướng dẫn thiết kế đê chắn sóng để đối phó với thảm họa thiên tai. Tại cảng Kamaishi, Ofunato, người ta áp dụng phương thức phòng hộ nhiều tầng kết hợp hiệu quả giữa đê chắn sóng của cảng và đê chắn thủy triều để ứng phó với sóng thần dự tính. Để nâng cấp đê chắn sóng cửa cảng, người ta áp dụng kết cấu sao cho có thể phát huy hiệu quả bền chắc của đê đối với sóng thần cấp lớn  nhất.

Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản Hideo Suzuki

Tại cảng Hachinohe, để khôi phục đê chắn sóng, người ta tận dụng vỏ bê tông của các thùng chắn hỏng, 180.000 m3 đất cát tương đương 70% lượng đất cát trầm tích do sóng thần bồi lên tại thành phố Hachinohe để làm cốt liệu cho thùng chắn. Tại cảng Kamaishi, dự kiến sẽ tận dụng vỏ bê tông của thùng chắn hỏng làm vật liệu ụ móng (vật liệu gia cố giúp tăng cường độ cho đê)…

Về Phương pháp gia cố đê chắn sóng đối phó với đại sóng thần, kỹ sư trưởng Hiroshi Matsushita, Công ty Nikken-Kougaku cho biết: Đây là giải pháp cấu tạo làm tăng độ bền bỉ đê chắn sóng chống lại tác động của sóng thần, tăng cao độ ổn định bằng cách lắp đặt các khối SubPleo Frame ở chân hạ lưu của các đê chắn sóng mới hoặc đã có như là các khối gia tăng đối trọng…

Buổi tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia, kỹ sư Nhật Bản

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản trong hoạt động khắc phục hậu quả động đất sóng thần năm 2011. Hầu hết các công trình cảng biển, cơ sở vật chất đã được khôi phục và đưa vào hoạt động bình thường trở lại. Đây là nỗ lực tuyệt vời của đất nước và nhân dân Nhật Bản.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Bộ GTVT đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Nhật Bản, cụ thể là từ phía JICA thông qua các công trình: Phía Bắc có cảng Cái Lân, cảng Hải Phòng; miền Trung có cảng Đà Nẵng, cảng Cái Mép Thị Vải… Qua buổi tọa đàm, Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác với Nhật Bản về vấn đề nâng cao khả năng dự báo động đất, sóng thần đối với vùng biển, bờ biển, đất liền Việt Nam, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng chống lại sự tàn phá của thảm họa thiên tai và các phương diện hợp tác khác.

Việt Cường

Ý kiến của bạn

Bình luận