(Ảnh minh họa: Quốc Việt/TTXVN) |
Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 có 80% công trình đầu mối vận tải hành khách (bến xe khách loại 3 trở lên, trạm dừng nghỉ đường bộ, ga đường sắt, cảng bến thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không) được trang bị cơ sở vật chất, dịch vụ tiện nghi phục vụ hành khách và giao thông kết nối thông suốt, an toàn đến các khu du lịch, điểm du lịch.
100% các tuyến đường bộ cao tốc được ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý, khai thác; từng bước xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; đầu tư xây dựng mới một số bến xe khách du lịch, cảng bến hành khách thủy nội địa, cảng hành khách đường biển, cảng hàng không và các tuyến đường bộ, đường sắt trọng điểm theo quy hoạch, kế hoạch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch.
Về phát triển phương tiện vận tải khách du lịch, 100% phương tiện vận tải khách du lịch đường bộ, đường thủy nội địa phải có các trang thiết bị về chất lượng dịch vụ và an toàn kỹ thuật theo quy định; đầu tư phát triển các phương tiện vận tải khách du lịch sử dụng công nghệ mới trong bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện và bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là đầu tư xây dựng và nâng cao điều kiện bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ phát triển du lịch. Cụ thể là rà soát, nâng cấp, cải tạo các đầu mối vận tải hành khách (bến xe khách loại 3 trở lên, ga đường sắt, cảng thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không, trạm dừng nghỉ đường bộ), đảm bảo bố trí tối ưu các khu chức năng, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ tiện nghi phục vụ hành khách (gồm cả hành khách là người khuyết tật).
Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung hệ thống biển chỉ dẫn giao thông, thông tin du lịch trên các tuyến đường bộ xuyên Á, các tuyến đường bộ chính yếu dẫn đến các cửa khẩu quốc tế, các trung tâm lưu trú du lịch, khu du lịch; rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa.
Đồng thời, rà soát, cải tạo hệ thống đường ngang đường sắt; kiên quyết xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư, thuộc các khu đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao; rà soát, bố trí các điểm đón, trả khách, bến, bãi đỗ xe phục vụ phương tiện vận tải khách du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch; đảm bảo quỹ đất dành cho phát triển giao thông theo quy định, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch.
Tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến đường bộ chính yếu (cao tốc Bắc - Nam phía Đông...), các tuyến đường sắt phục vụ phát triển du lịch (tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt...); cải tạo luồng tuyến các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra các đảo phát triển du lịch (Cô Tô, Cát Bà, Phú Quốc...).
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng một số đầu mối vận tải hành khách với cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ tiện nghi kết nối thông suốt, an toàn đến các vùng du lịch như các bến xe khách du lịch có quy mô lớn tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của các vùng du lịch; các cảng, bến hành khách thủy nội địa, cảng biển hành khách quốc tế tại các địa phương phát triển du lịch như Quảng Ninh (Hạ Long), Hải Phòng (đảo Cát Bà), Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế (Chân Mây), Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang (đảo Phú Quốc)...; các trạm dừng nghỉ đường bộ trên các tuyến cao tốc, quốc lộ; cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Nhiệm vụ và giải pháp khác là nâng cao chất lượng dịch vụ và điều kiện bảo đảm an toàn kỹ thuật của phương tiện vận tải khách du lịch.
Cụ thể, tập trung đổi mới, phát triển đa dạng hóa phương tiện vận tải khách du lịch theo hướng hiện đại, tiện nghi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trong đó, với phương thức vận tải hành khách du lịch đường bộ, tập trung phát triển đa dạng loại hình phương tiện và chất lượng dịch vụ; sử dụng công nghệ mới trong đảm bảo an toàn kỹ thuật, thân thiện với môi trường, tối thiểu đạt tiêu chuẩn khí thải EURO IV; với vận tải hành khách đường sắt, tập trung nâng cao chất lượng toa xe khách, ưu tiên đầu tư mới một số toa xe chất lượng cao trên các đoạn tuyến đường sắt có lưu lượng khách du lịch lớn như Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang-Quy Nhơn... tập trung đổi mới, sử dụng các loại tàu bay được trang bị điều kiện an toàn kỹ thuật, công nghệ hiện đại; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên các tuyến bay đến địa bàn trọng điểm phát triển du lịch trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng công tác đăng ký, đăng kiểm và tăng cường quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giữa hai kỳ kiểm định đối với phương tiện vận tải khách du lịch.
Đồng thời, đảm bảo mức chi phí vận tải khách du lịch hợp lý, phù hợp với chất lượng dịch vụ cung cấp; có chính sách về giá vé, hình thức bán vé linh hoạt và đẩy mạnh ứng dụng vé thông minh kết nối đa phương thức; tăng cường cung cấp thông tin về chuyến đi và các dịch vụ hỗ trợ vận tải (tìm đường đi tối ưu, tra cứu giá cước, dịch vụ, kết nối các phương thức vận tải du lịch...) tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.