Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp năm 2015 của Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Theo đó, để tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, đánh giá kết quả, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề và giáo dục đại học.
Hai Bộ cần phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới; phát triển hợp lý giáo dục công lập và ngoài công lập; khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển các trường chất lượng cao; giao quyền tự chủ phù hợp cho các cơ sở giáo dục đào tạo...
Sơ đồ phân luồng học sinh, sinh viên của ba hiệp hội về giáo dục |
Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục chủ trì phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân và xây dựng khung trình độ quốc gia, trình Thủ tướng.
Thủ tướng yêu cầu làm rõ những hạn chế của hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại để đề xuất hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân mới một cách phù hợp, khoa học, bảo đảm tính khả thi, liên thông và phân luồng, tạo cơ hội được học tập suốt đời của người dân. Loại hình trường Trung học phổ thông kỹ thuật cần được làm rõ, có sự khác biệt nào với trường Trung cấp nghề, trường Trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục phổ thông để tránh trùng lặp, phát sinh mô hình trường học mới gây lãng phí và không hiệu quả.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ cần xác định rõ thời gian của từng cấp học, bậc học phù hợp, lộ trình triển khai, các văn bản cần sửa đổi bổ sung. Việc hoàn thiện hệ thống cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, xu hướng hội nhập quốc tế, phù hợp với mô hình của các nước tiên tiến trên thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện khung trình độ quốc gia bảo đảm phù hợp với khung trình độ của các nước trong khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo và việc làm, về việc công nhận văn bằng giữa Việt Nam với các nước.
Việc hoàn thiện khung trình độ quốc gia cần thực hiện gắn kết mật thiết với việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, tạo nền tảng, cơ sở triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT quốc gia năm 2016
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục tổ chức hội nghị về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng để tổng kết, đánh giá một cách toàn diện những mặt được và chưa được theo các mục tiêu đã đặt ra cho kỳ thi và tuyển sinh năm 2015; tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi năm 2016 bảo đảm công bằng, tiết kiệm, giảm áp lực theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương trong việc đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá học sinh.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cần được bảo đảm chất lượng, tạo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh. Phương án thi cần được cân nhắc kỹ về số môn, thời gian, địa điểm... phù hợp; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục với các địa phương, các trường đại học trong việc tổ chức kỳ thi.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học; phát huy vai trò của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, tính liên kết, phối hợp giữa các trường đại học trong công tác tuyển sinh.
"Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tổng kết, đánh giá việc đổi mới công tác tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực năm 2015. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục xem xét mô hình, phương thức phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới để phát huy, nhân rộng", Thủ tướng chỉ đạo.
Trước đó Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng, Hội Khuyến học và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người vừa gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiến nghị về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và cơ chế phân luồng học sinh, sinh viên. Theo đó, việc phân luồng học sinh phải được thực hiện triệt để từ sau bậc THCS, trường đại học được phân theo hai hướng nghiên cứu và ứng dụng thực hành, việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phải sau khi cơ cấu mới của Hệ thống giáo dục quốc dân được phê chuẩn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.