Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn về Biển Đông

Tác giả: Tổng hợp

saosaosaosaosao
18/11/2015 13:35

Sáng nay (18/11), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp đăng đàn, trả lời chất vấn của các ĐBQH. Có 18 ĐBQH đặt câu hỏi cho Thủ tướng với 24 câu hỏi trực tiếp.

TTg doc bao cao 3

Mở đầu phần trả lời chất vấn của mình, Thủ tướng một lần nữa báo cáo tóm tắt trước QH về tình hình kinh tế xã hội đến tháng 11/2015. Cụ thể, trong tháng 10 và tháng 11, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng tăng 0,6-0,7 %, dư nợ tín dụng cả năm tăng 17%, mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định. Xuất khẩu 11 tháng đạt 149 tỷ USD (tăng 8,5%); vốn FDI thực hiện 13,2 tỷ USD (tăng 17%), thu ngân sách ước đạt 94,1% dự toán (tăng 8,3%) chi ngân sách 88,4% dự toán (tăng 7,4%). Khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 7 triệu lượt.

An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động (tăng 2,8%), các lĩnh vực văn hóa, môi trường, an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. 

Chính phủ cũng huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công. Nhà nước cũng tạo môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và quản lý, điều hành bằng pháp luật, kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh. Chính phủ cũng có nhiều chính sách phát triển đồng bộ văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục. Nền hành chính công cũng được thay đổi đáp ứng yêu cầu của người dân. 

Sẽ sớm ban hành chuẩn hộ nghèo đa chiều mới

Liên quan đến việc triển khai chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững, Thủ tướng cho biết trong 15 năm qua, Việt Nam đã thực hiện được nhiều mục tiêu được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là 1/6 quốc gia hoàn thành trước thời hạn về giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn 4,5% năm 2015. Riêng các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn 28%. “Nhìn lại 20 năm, nước ta có khoảng 30 triệu người thoát nghèo. Đây là thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới, được toàn xã hội và cộng đồng đánh giá cao”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Chính phủ trình, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 76 về đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững đến 2020. Trong đó, giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo chuẩn nghèo đa chiều, tiêu chí thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, 900.000 đồng/người/tháng thì tỷ lệ hộ nghèo khoảng 12%, hộ cận nghèo 6%. Dự kiến ngân sách với hộ nghèo, cận nghèo năm 2016 tăng 15.000 tỷ đồng so với năm 2015. 

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp xác định hộ nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Trong đó, quy định chuẩn nghèo bao gồm cả tiêu chí thu nhập và tiếp cận dịch vụ cơ bản: như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch. Thủ tướng sẽ sớm ban hành chuẩn nghèo đa chiều mới áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. “Trong tuần tới, chúng tôi sẽ ký quyết định ban hành”, Thủ tướng nói. 

Nhấn mạnh ba điểm quan trọng trong vấn đề chủ quyền

 Trả lời chất vấn liên quan đến tranh chấp chủ quyền, tình hình diễn biến phức tạp trên biển Đông, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày trước Quốc hội về lập trường quan điểm, chủ trương của Đảng và nhà nước là rõ ràng, nhất quán, cơ bản là phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Thủ tướng xin không nhắc lại mà chỉ nhấn mạnh ba điểm. Trước hết là chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, hiến pháp, pháp luật của nhà nước, cũng như hiến chương Liên Hợp Quốc, Luật pháp quốc tế, nhất là công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, các cam kết khu vực như DOC, tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông. 

"Đồng thời với phát triển kinh tế xã hội phải tăng cường quốc phòng an ninh, quan hệ đối ngoại, tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta; gìn giữ hòa bình, ổn định để tạo môi trường cho xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong phiên chất vấn, Thủ tướng cũng đã trả lời câu hỏi của các ĐB liên quan đến quyền lợi của người lao động khi tham gia Hiệp định TTP. Trong phần trả lời của mình, Thủ tướng khẳng định quyền lợi của người lao động luôn là ưu tiên số một và luôn được bảo đảm.

Ý kiến của bạn

Bình luận