Thủ tướng: 'Đã gãi đúng chỗ, không phải ngứa trên đầu gãi dưới chân'

Doanh nhân 18/05/2017 09:30

Kết luận tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 17-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chỉ thị số 20 sẽ được ký hôm nay với nội dung không thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng.

 

Đã gãi đúng chỗ, không phải ngứa trên đầu gãi dưới

Thủ tướng và các phó thủ tướng chủ trì cuộc đối thoại với doanh nghiệp - ảnh: Lê Thanh

Hội nghị diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp".

13h30 chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận, đầu tiên là tinh thần chuyển lời nói thành hành động. "Hôm nay chúng ta nói rất nhiều về kiểm tra chồng chéo, do đó, tôi yêu cầu ra ngay chỉ thị không được kiểm tra quá 1 lần. Chỉ thị số 20 sẽ được ký trong ngày hôm nay với nội dung không kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ kiến tạo không chỉ có tự do kinh doanh sáng tạo mà còn cả an toàn, tài sản vốn đầu tư, không chỉ có chi phí thấp mà rủi ro thấp, để đảm bảo kiểm tra lành mạnh công bằng.

Khuyến khích hỗ trợ và bảo vệ trên mọi mặt cuộc sống, để mọi người yên tâm đầu tư dài hạn, không ngừng phát triển.

2 Đã gãi đúng chỗ, không phải ngứa trên đầu gãi dư
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị - Ảnh: chinhphu.vn

“Trong 1 năm qua, chính phủ và các địa phương đã gãi đúng chỗ, các giải pháp ban ra gần như đã gãi đúng chỗ ngứa, không phải ngứa trên đầu mà lại gãi dưới chân" - Thủ tướng nói.

Đánh giá về bức tranh kinh tế, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã có nhiều điểm sáng như doanh nghiệp các nước Mỹ, Nhật.. vẫn không ngừng mở rộng đầu tư vào nước ta. Việt Nam đang phấu đấu nhóm đầu ASEAN về đầu tư môi trường kinh doanh. Những kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng chúng ta vẫn còn nhìn thấy nhiều rào cản phát triển doanh nghiệp, chúng ta đã nhận diện được vấn đề này.

Sáng 17/5, mở đầu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đứng trước cộng đồng doanh nghiệp hôm nay ông bồi hồi nhớ lại không khí cách đây hơn một năm, sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Hội trường Thống nhất TP.HCM. Hội nghị đó không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp mà cả chính phủ, chính quyền địa phương trong bối cảnh mọi thứ còn mới mẻ.

Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đây thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Còn nhiều rào cản với doanh nghiệp tư nhân

Thủ tướng cũng thừa nhận vẫn còn nhiều rào cản, ngăn trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. 

Hội nghị lần này sẽ tập trung đánh giá nghị quyết 35 của Chính phủ cũng như giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp năm 2017 và những năm tiếp theo. Vì vậy, Thủ tướng mong muốn cuộc gặp gỡ để cùng bàn với nhau chương trình hành động một thẳng thắn nhất.

3 Đã gãi đúng chỗ, không phải ngứa trên đầu gãi dư
Quang cảnh tại đầu cầu TPHCM trong buổi hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 sáng 17-5 - Ảnh: Quang Định

Hội nghị đối thoại năm nay diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt khác khi hội nghị trung ương 5 vừa kết thúc với thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân.

Thủ tướng cũng nhắc đến những tấm gương doanh nhân đã làm rạng danh Việt Nam, những chiến sĩ, nhà yêu nước nhà khởi nghiệp đã thành công nhờ biết cung cấp cái người ta đang thiếu, đang cần và kịp thời.  

“Với tư nhân, thời gian là tiền bạc, tôi rất trân trọng sự hiện diện của các doanh nghiệp hôm nay và đề nghị các bộ ngành phát biểu ngắn gọn để doanh nhân có điều kiện phát biểu ý kiến”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chậm cải thiện do trên bảo dưới không nghe 

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI) nói Nghị quyết 35 là nghị quyết đầu tiên đưa ba thông điệp căn bản: Doanh nghiệp là động lực của sự phát triển, chính phủ vai trò kiến tạo, khởi nghiệp là sự nghiệp của nhân dân. Tinh thần đột phá của nghị quyết đã đem lại nhiều hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Theo ông Lộc, kể từ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp được tổ chức ngày 29-4-2016, đến hết tháng 1-2017, VCCI đã tập hợp được 421 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước.

Trong đó 320 kiến nghị được VCCI tập hợp và gửi tới các bộ, ngành trả lời trước và sau hội nghị. Điều đáng mừng là hơn 90% kiến nghị đã được các bộ, ngành địa phương chủ động xử lý.

Ngoài ra từ tháng 2-2017 VCCI cũng tập hợp thêm 188 kiến nghị mới và hy vọng các kiến nghị này sẽ được lắng nghe, xử lý trong dịp này.

4 Đã gãi đúng chỗ, không phải ngứa trên đầu gãi dư
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu

“Tôi mừng khi Thủ tướng có món quà cho cộng đồng doanh nghiệp năm nay là tránh, và không được thanh tra, kiểm tra chéo. Việc môi trường kinh doanh chậm cải thiện một phần do có tình trạng trên bảo dưới không nghe. Có trên 20 quy định đã rõ là không hợp lý nhưng vẫn được đưa ra”, ông Lộc nói.

Dù nhiều cải thiện trong thông điệp chính phủ hành động, nhưng một năm qua, doanh nghiệp vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách kiểu sớm nắng chiều mưa, ông Lộc đề nghị trong ban hành chỉ thị thúc đẩy nghị quyết 35 đồng thời nêu rõ thời hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức và yêu cầu mỗi năm có một chỉ thị như vậy. 

Điều đáng tiếc dưới 30% các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, đây là điểm yếu giải thích vì sao hiệu quả năng suất kinh doanh của doanh nghiệp VN thấp.

Thủ tướng đã đưa ra yêu cầu nhưng doanh nghiệp cũng phải chủ động sáng tạo, đổi mới, có như vậy mới cải thiện được năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh.

Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy chỉ có 25% doanh nghiệp chưa nhận thấy tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ban đầu được hưởng lợi từ việc ban hành và thực hiện Nghị quyết.

Trước đó, trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề cập tình trạng doanh nghiệp bị quá tải vì kiểm tra. Có doanh nghiệp ở Đồng Nai phản ánh một tháng bị thanh, kiểm tra đến 3 lần, hay doanh nghiệp ở địa phương khác một năm bị kiểm tra tới 12 lần.

Chi phí không chính thức vẫn hoành hành 

Dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng, các ý kiến của doanh nghiệp vừa và nhỏ được đưa ra.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Nguyễn Văn Thân, chủ tịch doanh nghiệp vừa và nhỏ VN đã thẳng thắn nêu lên tình trạng doanh nghiệp đang chịu gánh nặng những chi phí chính thức và cả không chính thức.

Theo ông Thân, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn nhưng điều họ nản nhất chính là chi phí.

Dù đã có nhiều bước cải tiến môi trường kinh doanh nhưng chi phí tuân thủ kinh doanh vẫn khá cao, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều ông Thân muốn nhấn mạnh chính là chi phí không chính thức mà chủ yếu rơi vào các thủ tục liên quan đến tiếp cận đất đai, thuế, hải quan…

“Dù chi phí này đã giảm xuống từ 25% năm 2015 xuống còn 18,8% trong năm 2016 nhưng điều này đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của doanh nghiệp, vô tình đẩy giá sản phẩm lên cao, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng”, ông Thân nói.

Theo ông Thân, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng chi phí không chính thức vẫn hoành hành. Về phía công chức, dù có quy định rõ ràng nhưng do khâu thực thi kém cán bộ có “lộng hành”, cán bộ thờ ơ, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, lương bổng thấp nhưng đạo đức công vụ cũng thấp dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu.

Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp cũng chưa nhận thức đủ về nền kinh tế thị trường, một số doanh nghiệp chấp nhận chung chi để được việc.

Sau ý kiến của đại diện Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ VN, ông Trịnh Đình Dũng đề nghị cơ quan ban ngành quan tâm đến kiến nghị này.

Nhân công giá rẻ không thể là chiến lược phát triển bền vững

Ông Phạm Hồng Hải, giám đốc Ngân hàng HSBC nhấn mạnh những thách thức mà doanh nghiệp VN cần làm, trong đó cần tiếp tục cấu trúc, cải cách mọi doanh nghiệp, nâng cao tính liên kết giữa các doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.

Trong bối cảnh hội nhập, nếu doanh nghiệp VN chỉ dựa vào lợi thế công nhân giá rẻ thì khó cạnh tranh.

Ông Hải đề nghị để có thể tận dụng tốt được làn sóng FDI đầu tư vào Việt Nam, chính phủ cần hết sức quan tâm đến tác động môi trường của các dự án và việc kết nối của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Theo ông Hải, chiến lược phát triển dựa vào nhân công giá rẻ sẽ không thể là một chiến lược bền vững của một quốc gia. Việt Nam cần xác định những thế mạnh cạnh tranh bền vững của mình và cần đầu tư vào công nghệ trong các lĩnh vực này để tạo giá trị cạnh tranh tại những ngành mũi nhọn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh năng suất lao động vốn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Cải cách giáo dục mạnh mẽ bằng việc tận dụng nguồn lực tri thức từ nhiều nguồn khác nhau, áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào giáo dục để phổ cập hóa giáo dục tới nhiều vùng miền của đất nước, đưa tiếng Anh vào ngôn ngữ giảng dạy cho một số môn học và tạo môi trường giáo dục khuyến khích sự phản biện và sáng tạo sẽ đóng góp rất quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động của người Việt Nam.

“Hiện nay số phận của TPP còn chưa rõ ràng nhưng chính phủ vẫn nên tiếp tục các cải cách theo chất lượng cam kết như trong TPP. Nếu quyết tâm cải cách, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á trong tương lai”, ông Hải nói.

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch công ty cổ phần BRG phát biểu: “Chúng tôi mong muốn phát triển bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, khi thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng gần 40% GDP”, bà Nga nói.

Ngoài ra, doanh nhân này cũng kiến nghị thủ tướng sớm có hành lang pháp lý cụ thể hóa chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, để doanh nghiệp nếu sai thì có điều kiện khắc phục, yên tâm và sẵn sàng dấn thân vào những kế hoạch, chủ động, nâng cao tư duy dám nghĩ, dám làm. 

Tránh tình trạng cái dễ Nhà nước làm, khó đẩy cho tư nhân 

Phát biểu của ông Nguyễn Hữu Đệ, chủ tịch công ty Hợp Lực nhận được nhiều tràng pháo tay tán thành khi ông nói “Ở địa phương cán bộ đi chơi quá nhiều”.

Chỉ ra tình trạng cải cách chậm vì lỗ hổng trong việc thực thi từ trung ương đến địa phương, trách nhiệm của địa phương trong việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp còn chậm trễ, ông Đệ nói muốn các chính sách nhanh đi vào cuộc sống, Chính phủ cũng cần chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

"Đối với những vấn đề y tế, cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm nữa. Phải tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và tư, tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư" - ông Đệ nói.

Khôi phục lại tập đoàn bán lẻ đa sở hữu của Việt Nam 

Bà Đinh Thị Loan, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam kiến nghị các giải pháp cấu trúc lại thị trường bán lẻ, đề nghị bổ sung ngành bán lẻ gồm tất cả các loại hình vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư, không nằm trong ngành nghề cơ sở hạ tầng như hiện tại, cho phép nghiên cứu xây dựng chương trình khuyến thương.

Bà Loan cũng đề nghị tái khởi động thành lập một Tập đoàn bán lẻ đa sở hữu của Việt Nam trên cơ sở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hàng đầu hiện tại.

Đề xuất của bà Loan trở nên được quan tâm khi gần đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA), phần hùn hạp của 4 “ông lớn” trong bán lẻ Việt Nam gồm Satra, Hapro, Saigon Co.op và Phú Thái Group vừa đưa ra tín hiệu muốn chấm dứt hoạt động sau hơn 10 năm tồn tại.

Được thành lập bởi 4 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu, tuy nhiên, sau 10 năm, VDA đã từng được xây dựng và nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ đã không thể tiếp cận được mặt bằng tại các tỉnh, chi phí quá cao, thủ tục phức tạp và những khó khăn trong khâu quản lý nên đã thất bại.

Với đề xuất này, đại diện Hiệp hội bán lẻ VN đưa ra thông điệp muốn khởi động lại dự án này nếu được mở đường, hỗ trợ cụ thể.

Ước tính nếu được xây dựng, tập đoàn này sẽ có quy mô doanh thu từ 4 đến 5 tỉ USD mỗi năm.

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đầy ngập các thương hiệu ngoại thì thị trường bán lẻ đang cần một liên minh đủ mạnh, có thể cấu trúc lại.

Hạn chế hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Đó là ý kiến ngắn gọn, súc tích nhưng mang nhiều thông điệp rõ ràng từ Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí.

Theo ông Trí, nghị quyết 35 của chính phủ là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng hỗ trợ tích cực cho người dân yên tâm làm ăn nhưng đến nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Từ nghị quyết cho thấy quyết tâm của chính phủ nhưng khi triển khai bên dưới còn chậm, chưa đồng đều. Do đó, đại diện Viện kiểm sát nhân dân đề xuất Thủ tướng tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra giám sát với cấp dưới, thậm chí xử lý trường hợp cụ thể để có tính răn đe.

“Thứ 2 là tập trung rà soát các thủ tục hành chính vốn cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta đã cải cách thủ tục hành chính nhiều năm và bây giờ phải tiếp tục cải cách, cái nào không cần thiết thì bỏ, đẩy mạnh công khai minh bạch các thủ tục hành chính, đỡ bớt phiền hà”, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao nói.

Phía viện kiểm sát không làm kinh tế nhưng thông qua hoạt động của mình, qua nhiều vụ án kinh tế, ngành kiểm sát hỗ trợ chính phủ ngăn chặn những sơ hở, vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, kiên quyết với những thủ phạm làm ăn gian dối, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đồng thời bảo vệ người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, hiệu quả và đúng pháp luật.

Nhấn mạnh ý kiến này, ông Trí nói, ngành kiểm sát hạn chế và không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính và kinh tế.

“Chúng tôi cũng có nhận thức với trách nhiệm bảo vệ cách làm sáng tạo, hiệu quả của doanh nghiệp, cần thiết kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo.

Kết thúc bài phát biểu ngắn gọn, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nói Ngành kiểm sát sẽ đồng hành với chính phủ và doanh nghiệp.

LƯớc tính khoảng 2.000 đại biểu trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…

Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu, gần 7.000 doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp địa phương. Dự kiến, tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu sẽ dự Hội nghị.

Ý kiến của bạn

Bình luận