Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra 5 yêu cầu đối với ngành GTVT

Tác giả: Dương Khánh Thành

saosaosaosaosao
Chính trị 04/01/2016 20:47

Ngày 4/1, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 4 năm thực hiện nghị quyết số 13-NQ/TW, công tác đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, tổng kết công tác năm 2015 và triển khai công tác năm 2016. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và chỉ đạo Hội nghị.


 

IMG_2040
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực của Ngành GTVT 

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 4 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Đảng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) của đất nước đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác trên cả 5 lĩnh vực như: các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; các đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân...

1451908146242
Các đại biểu dự tại đầu cầu Hà Nội

 Ngành GTVT đã thực sự có bước đột phá, tìm hướng đi mới cho phát triển KCHTGT, bằng việc thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển KCHTGT qua việc chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu đầu tư phát triển KCHTGT, Đề án Huy động các nguồn lực đột phá để đầu tư phát triển KCHTGT và các đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý khai thác KCHTGT trên các lĩnh vực, theo hình thức BOT, BT, cho thuê kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp tự đầu tư...

Cũng theo Thứ trưởng, trong giai đoạn 2011-2015, ngành đã kêu gọi đầu tư ngoài NSNN cho phát triển KCHTGT đường bộ được 186.660 tỷ đồng (trên tổng số 202.556 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay). Lĩnh vực cảng biển thu hút được 121.453 tỷ đồng (trên tổng số 157.600 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay). Hệ thống cảng, bến thủy nội địa phần lớn do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng hình thành qua nhiều năm, giá trị đầu tư khoảng 18.997 tỷ đồng. Các cảng hàng không, sân bay phần lớn được đầu tư từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, là doanh nghiệp được Nhà nước giao quản lý, khai thác hệ thống 22 cảng hàng không, sân bay dân dụng trên toàn quốc. Riêng xã hội hóa lĩnh vực đường sắt chủ yếu là hình thức cho thuê mặt bằng để kinh doanh dịch vụ.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết bên cạnh việc đầu tư hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, việc đầu tư xây dựng giao thông nông thôn ở các vùng ngoại thành Hà Nội cũng được quan tâm chú trọng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; góp phần xây dựng nông thôn mới.

Công tác đầu tư phát triển đồng bộ KCHTGT được gắn liền với công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; nâng cao một bước về năng lực quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thi công; giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; trong thi công, công tác bảo vệ môi trường cũng có những bước cải thiện đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng thì cho rằng, 4 năm thực hiện Nghị quyết 13 thì công tác chỉ đạo mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là một thành tích quan trọng của ngành, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát trên 7%, Nghị quyết đề ra làm xong cải tạo QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trong 3 năm nhưng Bộ GTVT chỉ làm trong 2 năm. Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý huy động vốn ngoài ngành bằng nguồn xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng, chúng ta đạt được thành tích đặc biệt quan trọng, ông Thể nhấn mạnh.

 Góp phần phát triển kinh tế- xã hội

IMG_1741
QL 1 A được đưa vào sử dụng đã thúc đẩy KT-XH phát triển, kéo giảm TNGT

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết đến cuối năm 2015 đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo nâng cấp 1.394 km QL1 và 419 km đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên bằng nguồn vốn NSNN kết hợp nguồn vốn xã hội hóa với tổng mức vốn đầu tư lên tới hơn 116.000 tỷ đồng (Trong đó, mức vốn huy động từ các nhà đầu tư hơn 54.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 46% tổng mức vốn đầu tư các dự án). “Việc sớm hoàn thành Dự án này đã có những tác động tích cực kích thích tăng trưởng kinh tế khu vực Dự án đi qua. Đơn cử như theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, khi dự án đường Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành, đầu tư vào Tây Nguyên đã tăng đột biến với hơn 16.000 tỷ đồng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, các dự án được đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần giảm ùn tắc giao thông trên 2 trục giao thông đường bộ quan trọng nhất của đất nước, hạn chế tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải... Theo đánh giá ban đầu sau khi các dự án được đưa vào khai thác, đối với tuyến Hà Nội - Cần Thơ đã giảm ít nhất 7-10 giờ thời gian chạy xe, đối với tuyến Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh đã giảm ít nhất 3-4 giờ thời gian chạy xe.

Việc rút ngắn tiến độ hoàn thành Dự án từ 12 tháng đến 18 tháng là một trong những kỷ lục từ trước đến nay, đặc biệt là đối với một dự án hạ tầng có quy mô cực kì lớn như Dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Nhờ rút ngắn tiến độ nên quá trình đầu tư đã tiết kiệm được chi phí trượt giá, đồng thời với việc rà soát áp dụng các giải pháp thiết kế phù hợp, tiết kiệm 5% từ chỉ định thầu, quản lý giá thành chặt chẽ, GPMB nhanh gọn, toàn Dự án đã tiết giảm được 17.082 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Qua đó, tạo điều kiện để đầu tư bổ sung một số hạng mục khác để hoàn chỉnh đồng bộ các dự án, tăng cường kết nối dự án với hệ thống hạ tầng có liên quan để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Tiếp tục phát triển hơn nữa

IMG_1964
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả Ngành GTVT đạt được trong suốt 5 năm qua và đặc biệt những đột phá trong năm 2015. “Với những thành tựu to lớn mà Ngành GTVT đã đạt được trong suốt 5 năm qua, tôi hy vọng Ngành không chủ quan, hết sức nghiêm túc, đoàn kết, quyết liệt chung sức chung lòng, ra sức phát huy những thành tựu đạt được và phải làm tốt hơn nữa, ra sức khắc phục những tồn tại hạn chế, yếu kém của Ngành”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, trong giai đoạn 5 năm sắp tới, Thủ tướng đặt ra 5 yêu cầu với ngành GTVT.

Thứ nhất, Ngành tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước của ngành. Trong đó, đặc biệt tập trung vào thể chế, cơ chế, tiếp tục cải cách thể chế, cơ chế để lĩnh vực GTVT hội nhập tốt hơn, huy động được nhiều nguồn lực hơn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, Bộ GTVT phải tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực đồng thời sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ để đầu tư KCHTGT qua từng dự án cụ thể ở trung ương và địa phương. Thủ tướng đánh giá hiện nay đường hàng không của nước ta có thể sánh vai với bạn bè quốc tế tuy nhiên trong thời gian tới vẫn phải tiếp tục đầu tư phát triển. Còn đường bộ đã có một bước tiến dài, đặc biệt là đường cao tốc.

Thứ ba, Ngành GTVT cần nâng cao hiệu quả năng lực vận tải, vận tải đa phương thức. Hiện nay chi phí vận tải còn cao, cần phải hợp lý hoá để giảm giá thành vận tải hành khách cũng như hàng hoá để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực canh tranh, nâng cao năng suất hiệu quả vận tải.

Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo đảm bảo TTATGT, TNGT đã giảm đáng kể tuy nhiên vẫn còn cao do đó các cơ quan phải tiếp tục kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí. Đồng thời, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT tiếp tục tái cơ cấu với mục tiêu để các đơn vị hoạt động tốt hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công.

Cũng tại buổi lễ, thay mặt Đảng, Nhà nước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT vì có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn Hà Nội - Cần Thơ và 2 tập thể: Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Tổng công ty Hàng không VN vì có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2010-2015.

Thủ tướng đã tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 31 đơn vị ngành GTVT và 4 tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Bình Định, Đồng Tháp; 10 huyện, thị xã: Hữu Lũng, Nậm Nhùn, Lâm Thao, Thạch Hà, Tây Hòa, Châu Thành, Thoại Sơn, Tx. Ngã Bảy, Tiểu Cần, Phong Điền dẫn đầu trong phong trào thi đua xây dựng, phát triển giao thông nông thôn - miền núi năm 2015.

Cũng tại buổi Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trân trọng cám ơn sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ  và Thủ tướng đã quan tâm, tạo điều kiện để Ngành GTVT có thể phát huy được nội lực, phát triển mạnh mẽ vượt bậc. Ngành GTVT trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và và giao các cơ quan đơn vị trực tiếp triển khai.

Đồng thời Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phát động Phong trào thi đua trong toàn Ngành chỉ đạo CBCNVCLĐ ngành GTVT không được chủ quan với các thành tựu mà toàn ngành đã đạt được trong thời gian qua bởi khó khăn và các nhiệm vụ nặng nề vẫn đang ở phía trước, và bản thân Ngành GTVT cũng chưa thoả mãn với các thành tựu đã đạt được, chưa xứng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ý kiến của bạn

Bình luận