Báo cáo với Thủ tướng cùng đoàn công tác, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Giaa Lai cho biết, trong năm 2018, tỉnh dự kiến đạt và vượt cả 20/20 chỉ tiêu. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8%. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ước tính còn 10,34%, giảm 3% so với năm 2017. Trong đó, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có bước chuyển biến tích cực, trong 3 năm đã tái canh gần 10.000 ha cà phê, ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến hơn 23.000ha và xây dựng 155 điểm mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 3.000ha. Về chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2018 sẽ có 60 xã đạt chuẩn, TP. Pleiku đã về đích nông thôn mới và dự kiến đến năm 2019 tỉnh Gia Lai sẽ có 2 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ trong năm 2018 do Thủ tướng giao, ông Võ Ngọc Thành cho biết, 14 nhiệm vụ mà Thủ tướng chỉ đạo, hiện còn 3 nhiệm vụ chưa trình Trung ương gồm đề nghị đầu tư 1 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đề xuất có cơ chế mở, ưu đãi một số chính sách cho tỉnh; xây dựng cơ chế đặc thù cho Khu cửa khẩu Lệ Thanh. Đây là các nhiệm vụ có tính chất dài hạn, cần nghiên cứu kỹ và tham khảo các địa phương khác. Hiện tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành để hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2018, kinh tế xã hội Gia Lai phát triển toàn diện, tăng trường khá. Y tế giáo dục trên địa bàn có tiến bộ. Tỉnh cũng đã quan tâm lo cho gia đình chính sách, người có công; đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, bên cạnh những mặt đạt được, tỉnh còn một số mặt tồn tại như một bộ phận nhân dân còn khó khăn do thời tiết, dịch bệnh; tốc độ phát triển còn dưới tiềm năng, quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp, doanh nghiệp địa phương còn ít, tổ chức sản xuất chưa thành hàng hóa lớn; cải cách hành chính chưa thực sự hiệu quả.
Quang cảnh buổi làm việc |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, về tầm nhìn, Tây Nguyên phấn đấu xây dựng cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về đời sống văn hóa, đảm bảo Tây Nguyên phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Gia Lai tập trung vào 3 hướng chính, đó là kinh tế nông lâm, sản xuất chế biến ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ du lịch và phát triển một số ngành công nghiệp có tương lai như công nghiệp chế biến chất lượng cao, năng lượng tái tạo, nặng lượng gió, điện mặt trời. Tỉnh tiếp tục phát triển hạ tầng kinh tế để phát huy thế mạnh; cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh và các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hữu cơ, có tính chất tập trung, quy mô lớn; sản xuất gắn chế biến, liên kết chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu để nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Tỉnh Gia Lai cần mở rộng hướng mới về trồng rừng; bảo vệ, tái sinh rừng, phát triển rừng trồng để làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Hướng chiến lược của Tây Nguyên và Gia Lai là tăng độ che phủ rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, giữ gìn môi trường và bản sắc văn hóa đặc sắc của địa phương. Trong phát triển thì phải giải quyết đồng thời các bài toán về kinh tế, xã hội, môi trường và bảo vệ di sản.
Thủ tướng đề nghị Gia Lai cần đóng góp tích cực hơn nữa việc phát triển cho nền du lịch Việt Nam với tài nguyên phong phú, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đặc biệt là phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh chọn những ngành công nghiệp có chọn lọc, phát triển như một số ngành công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp năng lượng tái tạo. Muốn như vậy, tỉnh phải triển khai một số việc như tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch. Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh cần giữ gìn bảo vệ an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội, giảm nghèo bền vững. Tỉnh phải tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa đầu tư, kêu gọi đầu tư mạnh mẽ. Muốn làm thế, tỉnh phải tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh địa phương, đặc biệt là tái tạo diện tích rừng bị mất.
Tại buổi làm việc, tỉnh Gia Lai cũng đã kiến nghị Thủ tướng nhiều nội dung. Trong đó, một số kiến nghị của tỉnh đã được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu và đề xuất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.