Tập trung tối đa bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Bộ GTVT, các tỉnh, thành phố được giao thực hiện dự án, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, địa phương, các Ban QLDA, các đơn vị tư vấn; đặc biệt là các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp triển khai; biểu dương chính quyền và nhân dân 7 tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án.
Thủ tướng nêu rõ, kết quả khởi công hôm nay là rất đáng ghi nhận tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức. Đó là phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại.
Đó là chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong cấp phép khai thác. Đó là thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết.
Do vậy, để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; Tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Trong quá trình triển khai dự án, Thủ tướng chỉ rõ 6 yêu cầu phải nghiêm túc quán triệt là: phải bảo đảm chất lượng; phải bảo đảm tiến độ; phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và xử lý sai phạm.
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: "Bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trước 31/12/2023"
Đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh và cả khu vực - là tuyến đường chiến lược "kết nối rừng với biển", nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hành lang vận tải Đông - Tây...; Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của hai tỉnh và khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên", ông Nghị nhấn mạnh.
Ông Nghị cho hay, với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao nhất, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các ban, bộ, ngành Trung ương, sự phấn khởi - đồng thuận của nhân dân hai tỉnh, đến nay công tác chuẩn bị đầu tư dự án đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo các điều kiện khởi công thực hiện dự án...
"Về trách nhiệm của mình, tỉnh Đắk Lắk xin cam kết với Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Quản lý Dự án cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh, khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch và các điều kiện cần thiết cho đơn vị thi công trước ngày 31/12/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện dự án thành phần 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật", ông Nghị cam kết.
Rút kinh nghiệm từ triển khai các dự án cao tốc giai đoạn vừa qua và phát huy những thành quả đã đạt được, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu; Chỉ đạo các nhà tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát phải tăng cường nâng cao trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí,...
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan của Trung ương cùng phối hợp với Bộ GTVT, UBND 7 tỉnh, thành phố được giao thực hiện dự án, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban QLDA và các nhà thầu thi công Dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
"UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III năm 2023. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ. Bà con nhân dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công dự án".
"Mỗi cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa với nhân dân với Tổ quốc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án thành phần đúng tiến độ với tinh thần "tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là nhiệm vụ của Bộ GTVT mà là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các địa phương, bộ, ngành vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương. Chính phủ sẽ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành 3 dự án này cũng như những dự án đầu tư phát triển hạ tầng khác đúng tiến độ, chất lượng; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Công tác chuẩn bị đầu tư được rút ngắn một nửa thời gian
Trước đó, báo cáo về 3 dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, đây là 3 dự án được áp dụng cơ chế đặc thù như: Phân cấp, phân quyền cho các các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản để gắn trách nhiệm tổ chức triển khai với lợi ích hiệu quả dự án; Nguồn kinh phí cho dự án được bố trí linh hoạt vừa sử dụng nguồn ngân sách Trung ương vừa sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tăng thu tiết kiệm chi, nguồn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; Các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh thủ tục phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng,... Kết quả thực hiện đến nay đã minh chứng các cơ chế này là một chủ trương đúng đắn, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tiết kiệm thời gian các chi phí đợi chờ.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, với tiến độ triển khai hết sức khẩn trương, quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng quy chế phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố; hỗ trợ tích cực các tỉnh, thành phố để quyết liệt thực hiện lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật với phương án tuyến tối ưu nhất, hạn chế tối đa công tác giải phóng mặt bằng; xây dựng các công trình cầu theo hướng đồng bộ, hiện đại; bố trí các nút giao hợp lý, phù hợp cho việc phát triển quỹ đất của các địa phương.
Đồng thời, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án của địa phương hoàn thành đảm bảo đúng thủ tục theo quy định. "Kết quả thực tế công tác chuẩn bị đầu tư đã rút ngắn một nửa thời gian so với quá trình triển khai các dự án quan trọng quốc gia trước đây. Đến nay, đáp ứng tiến độ khởi công các dự án theo kế hoạch của Chính phủ", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, mặc dù trong thời gian qua, các đơn vị của các tỉnh, thành phố và Bộ GTVT đã hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo đủ điều kiện tổ chức khởi công đồng loạt 3 dự án ngày hôm nay, tuy nhiên kết quả này chỉ là thành công ban đầu và nhiệm vụ tiếp theo còn rất nhiều khó khăn và thách thức.
Để hoàn thành các dự án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và không để lãng phí, tiêu cực, Bộ GTVT rất đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung, quyết liệt tổ chức thực hiện công tác GPMB. Vì tiến độ bàn giao mặt bằng quyết định đến tiến độ và hiệu quả của các dự án, đặc biệt dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và dự án Biên Hòa - Vũng Tàu vì đi qua khu vực đông dân cư và khu đô thị có rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Bộ GTVT cũng đề nghị các tỉnh, thành quan tâm và hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bố trí bãi đổ thải cho dự án; Đảm bảo công tác an ninh, trật tự, tổ chức giao thông thuận tiện, an toàn cho nhân dân trong quá trình triển khai; Quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu tổ chức thi công ngay từ những ngày đầu triển khai dự án;
"Bộ GTVT đề nghị các địa phương chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh theo đúng thẩm quyền, chỉ báo cáo cấp có thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền, tránh các hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm ảnh hưởng đến tiến độ dự án", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đối với các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị này phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, phù hợp điều kiện thực tế, thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; Tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật của Dự án, các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh: "Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được làm rất nhanh"
Đại diện chính quyền các địa phương nơi dự án đi qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: "Sự kiện khởi công ngày hôm nay đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình triển khai dự án là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc Hội, Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo các địa phương và sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ của người dân trong quá trình triển khai dự án".
Theo ông Mãi, công tác thẩm định, phê duyệt ranh giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án thiết kế kỹ thuật được thực hiện khoa học, bài bản đúng quy định với nhiều cách làm mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu tiến độ theo kế hoạch đề ra rút ngắn khoảng 1 năm so với mức trung bình 2 năm so với cách triển khai thông thường đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các bước tiếp theo.
Công tác bồi thường tái định cư triển khai nhanh, hiệu quả trở thành dự án kiểu mẫu với quyết tâm, nỗ lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều cách làm mới, sáng tạo đây là yếu tố then chốt giúp dự án có thể khởi công đúng như kỳ vọng.
"Trong tổ chức thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm và đoàn kết gắn bó của các địa phương liên quan và chủ đầu tư các dự án thành phần. Kết quả đạt được bước đầu ngày hôm nay cho thấy bằng sự quyết tâm, nỗ lực tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm cùng với phương pháp tổ chức thực hiện khoa học, bài bản đây sẽ là dự án điển hình, kiểu mẫu trong giai đoạn mới đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng khi triển khai các chương trình, dự án trọng điểm có tính chất liên vùng đã được Bộ Chính trị định hướng tại Nghị quyết số 24-NQ/TW", ông Mãi nhấn mạnh.
Theo ông Mãi, với khối lượng công việc thời gian tới là rất lớn và nhiều thách thức yêu cầu đặt ra của Quốc hội, Chính phủ phải thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án Vành đai 3 TP.HCM vào năm 2026 (Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc). Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
"Chúng tôi xin hứa với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội sẽ quyết tâm, đoàn kết, thống nhất tập trung sự ủng hộ của các Bộ, ngành trung ương để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả không để xảy ra tiêu cực, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và mong mỏi của người dân trong vùng", ông Mãi nhấn mạnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.