Dự Lễ khởi công có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương.
Dự án đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng có điểm đầu tại Km 102 + 300 QL18, thuộc phường Đại Yên, TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh); điểm cuối tại Km 25 + 214 giao với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP. Hải Phòng.
Theo thiết kế, tuyến đường cao tốc này có tổng chiều dài khoảng 25km, gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế là 100km/h. Trong đó, phần đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng dài 19,5km (dự án đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng (Hải Phòng) và còn lại là phần cầu Bạch Đằng dài 5,45km.
Dự án đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, nguồn vốn sử dụng ngân sách của tỉnh Quảng Ninh và các nguồn vốn huy động khác với tổng số tiền trên 6.400 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành đoạn TP. Hạ Long – cầu Bạch Đằng vào năm 2016.
Phần còn lại là cầu Bạch Đằng có chiều dài 5,45km với tổng số tiền phê duyệt dự án là 7.200 tỷ sẽ do Tập đoàn SE của Nhật Bản thi công theo hình thức BOT. Dự án gồm cầu chính – cầu Bạch Đằng, đường dẫn… Cầu có kết cấu vĩnh cửu bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực; vận tốc thiết kế 100km/h, chiều dài cầu 3.054m. Dự kiến, nhà thầu sẽ khởi công xây dựng dự án vào quý I năm 2015 và hoàn thiện vào năm 2017.
Việc hoàn thiện tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Hạ Long và Hải Phòng xuống còn 25km, thay vì khoảng 70km như hiện nay. Với vận tốc thiết kế 100km/h, kết nối vào đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội sẽ rút ngắn được khoảng 60km từ Hạ Long đi Hà Nội và thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 1 giờ 30 phút. Ngoài ra, tuyến cao tốc sẽ giúp cho việc kết nối hạ tầng giao thông giữa các tuyến được đồng bộ, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển từ Quảng Ninh đi các tỉnh khu vực phía Bắc và ngược lại.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội và dành nguồn lực của ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội – một trong những đột phá chiến lược để phát triển nhanh và bền vững đất nước, để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là 1 chủ trương lớn, 1 chủ trương chiến lược mà Đại hội XI của Đảng đã xác định. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cả nước đã huy động các nguồn lực, các nguồn vốn với các hình thức đầu tư thích hợp đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng giao thông vận tải và đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình, qua đó bộ mặt của đất nước về hạ tầng kinh tế-xã hội có sự thay đổi quan trọng, nhờ có kết cấu hạ tầng đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, cải thiện đời sống nhân dân.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương tỉnh Quảng Ninh đã hết sức quyết liệt, nỗ lực, thu xếp, tính toán các nguồn lực để đầu tư dự án đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng (Hải Phòng) – dự án đường cao tốc đầu tiên mà một địa phương huy động các nguồn lực của địa phương để đầu tư xây dựng; cho rằng đây là một dự án có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng… không chỉ cho Quảng Ninh mà còn cho cả vùng và cả nước.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Quảng Ninh đã thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong công tác thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng và đến ngày khởi công, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án đã hoàn thành; đồng thời đánh giá cao hơn 900 hộ dân trong vùng dự án đã nghiêm túc chấp hành, bàn giao mặt bằng cho dự án với tinh thần vì lợi ích chung của tỉnh và cũng là lợi ích của chính mình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Quảng Ninh đặc biệt chăm lo đời sống, việc làm cho các hộ dân trong vùng dự án. Yêu cầu lãnh đạo Quảng Ninh, chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn, thiết kế, thi công thực hiện đúng các quy định của nhà nước về đầu tư xây dựng; đảm bảo tiến độ, chất lượng, toàn toàn, hiệu quả của công trình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ ngành và địa phương liên quan khẩn trương làm việc với đối tác Nhật Bản để thu xếp nguồn vốn và các điều kiện cần thiết để sớm khởi công xây dựng dự án cầu Bạch Đằng, nối liền công trình đường cao tốc từ thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Theo chinhphu.vn
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.