Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chúng ta phải tiếp thu lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh một luật đảm bảo đất nước phát triển - Ảnh: QUANG VINH |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Những ngày qua chúng tôi đã lắng nghe rất nhiều ý kiến của trí thức, nhân dân, của đại biểu Quốc hội, các cụ lão thành, kiều bào... trong vấn đề xây dựng luật đặc khu".
Điều chỉnh thời gian thuê đất phù hợp nguyện vọng của dân
Thủ tướng cho biết trên thế giới nhiều nước đã làm đặc khu, nhiều nước đã thành công, cũng có nước không thành công. Khi đưa ra dự án luật thì đã nhận được rất nhiều ý kiến, khí thế rất sôi nổi, Chính phủ rất hoan nghênh.
"Và tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy thì không lo gì mất nước, thể hiện qua công việc này", Thủ tướng nhấn mạnh
"Chúng ta phải tiếp thu lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh một luật đảm bảo đất nước phát triển tạo môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo phát triển bền vững độc lập chủ quyền tự do của đất nước một cách lâu dài, căn bản xuyên suốt trong quá trình gìn giữ non sông đất nước".
"Chính vì vậy, tôi cũng nghĩ rằng lắng nghe ý kiến này chúng tôi phải điều chỉnh vấn đề thời gian cho thuê đất một cách hợp lý, phù hợp với nguyên vọng chính đáng mà nhân dân đã phản ánh", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Cho thuê đất ở đặc khu khác với chuyện ở Hong Kong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đã có rất nhiều người hiểu lầm, hiểu sai một cách đáng tiếc về việc cho thuê đất ở đặc khu.
"Tôi cũng xin nói rằng đây là đất thuê, và việc thuê đó theo quy trình nào thì hằng năm UBND trình HĐND giá thuê đất chứ không phải là giao vĩnh viễn như là nhượng tô, nhượng địa như Hong Kong trước đây, hoàn toàn khác nhau về bản chất. Rất tiếc là nhiều người đã hiểu lầm vấn đề này, rất tiếc là như thế!", Thủ tướng nói với báo chí.
Thủ tướng cũng khẳng định việc đón các nhà đầu tư từ các quốc gia sẽ có cơ cấu phù hợp, có tỉ lệ cần thiết chứ không phải chỉ một nước.
"An ninh quốc gia, an ninh kinh tế đi liền với nhau trong xây dựng đặc khu lâu dài để mọi người không phải lo rằng là một quốc gia nào đó đầu tư độc quyền trong vấn đề này. Quá trình thực hiện sẽ có thiết kế cụ thể, còn luật chỉ là khung để tạo ra môi trường pháp lý cần thiết", Thủ tướng khẳng định.
Chủ quyền, an ninh quốc gia trên hết
Tiếp tục trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc Việt Nam đã tham khảo mô hình các nước láng giềng như thế nào về thời hạn cho thuê đất, Thủ tướng cho biết trong khu vực Đông Nam Á thì Malaysia hay Singapore cũng đã cho thuê đất 99 năm, thậm chí Trung Quốc cũng có những khu vực cho thuê như vậy.
Theo Thủ tướng, tất cả ý kiến đều phải được lắng nghe, xem xét. Nếu có quy định 99 năm thì đó cũng là trường hợp đặc biệt, chỉ áp dụng đối với những cơ sở hạ tầng quan trọng mà phải đầu tư vốn rất lớn, phải thuê đất lâu dài.
"Ý tưởng ban đầu là như thế. Nhưng bây giờ bà con chúng ta, các cụ lão thành, trí thức, nhân dân trong và ngoài nước của chúng ta góp ý như vậy thì chúng tôi sẽ tiếp thu để có quy định một cách phù hợp với tình hình", Thủ tướng nói.
"Tiếp thu ý kiến nhân dân, chúng tôi sẽ trình ra Quốc hội, lắng nghe ý kiến của Quốc hội theo hướng điều chỉnh giảm xuống để đảm bảo nguyện vọng mà bà con kiến nghị, một cách phù hợp. Còn xuống bao nhiêu năm thì Quốc hội sẽ xem xét".
Kết luận vấn đề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Chúng ta phải tạo ra một thể chế để có môi trường đầu tư tốt, cạnh tranh được trong bối cảnh hiện nay. Những chính sách đầu tư này tạo ra một sự thuận lợi nhưng đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc là tối thượng.
Đảm bảo quốc gia trường tồn độc lập tự chủ, phát triển bền vững xứng đáng với truyền thống dân tộc Việt Nam anh hùng".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.