Toàn cảnh Diễn đàn |
Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ cho các nhà sáng chế, các nhà khoa học và các doanh nghiệp có cơ hội "trình làng" công nghệ mới với các doanh nhân, doanh nghiệp, các tập đoàn và các quỹ đầu tư.
Sự kiện do VCIC phối hợp cùng Quỹ đầu tư First Guardian Capital (Úc), Đại học New South Wales và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức.
Nhịp cầu đưa doanh nghiệp Việt kết nối thị trường quốc tế
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Giám đốc Ban quản lý VCIC - cho biết: Diễn đàn là hoạt động được Bộ Khoa học và Công nghệ và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam giao cho VCIC tổ chức thường niên, nhằm thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, với mục đích nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Giám đốc Ban quản lý VCIC phát biểu khai mạc. |
Ông Phạm Đức Nghiệm cho rằng: Ở những quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ tương tự như ở Việt Nam, bên cạnh việc Chính phủ cơ cấu lại các nguồn lực để đầu tư cho KH&CN phát triển, đặc biệt là việc chọn lựa một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên có tính chất là công nghệ nền tảng, tạo ra điều kiện phát triển lâu dài cho một số lĩnh vực, ngành hàng mũi nhọn, chủ lực của quốc gia hoặc những công nghệ gắn với các yếu tố về dân sinh, an ninh quốc phòng... còn lại cơ bản dồn lực cho việc khai thác tìm kiếm và chuyển giao nhanh các tiến bộ KH&CN của các nước tiên tiến vào điều kiện sản xuất.
“Nếu chúng ta ứng dụng các tiến bộ công nghệ mới của quốc tế vào và đàm phán được phương án khả thi về mặt công nghệ, tài chính đi kèm thì chúng ta sẽ tạo ra được đột phá về mặt tăng trưởng, không chỉ ở việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành hàng mà đặc biệt trên cơ sở hợp tác, đối tác quốc tế sẽ mở ra cơ hội về mặt thị trường. Bởi khi đối tác nước ngoài rót vốn hoặc chuyển giao công nghệ cho chúng ta sẽ kèm theo đó là bạn hàng, các kênh phân phối quốc tế mà họ đang sở hữu” - ông Phạm Đức Nghiệm nhấn mạnh.
Chương trình là cầu nối cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp cận và kết nối với các nhà đầu tư để cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế. Đồng thời, cũng là cơ hội để những phát minh, sáng chế và công nghệ mới có ích được ứng dụng vào thực tiễn đời sống, đóng góp cho người dân và cộng đồng thông qua phương thức chuyển giao công nghệ.
Đây chính là bài toán VCIC đang đảm nhiệm, tức là thiết kế tạo ra một kênh để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Điều đặc biệt ở chỗ, kênh này không chỉ dừng ở việc giới thiệu những công nghệ mới mà còn bố trí một loạt các dịch vụ đi kèm từ thẩm định công nghệ, đánh giá công nghệ cho đến việc giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thông tin công nghệ một cách chi tiết cũng như giúp các doanh nghiệp xây dựng được các phương án để đàm phán với các đối tác nước ngoài.
“Bí quyết” để doanh nghiệp thành công
Tại diễn đàn, nhiều công nghệ mới, tập trung giải quyết những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt như: Công nghệ năng lượng tái tạo thông minh, công nghệ tái chế thủy tinh - nhựa - gỗ, công nghệ tế bào gốc, công nghệ sản xuất bao bì thực phẩm có thể phân hủy sinh học từ thân cây chuối Nanocellulose đã được giới thiệu và sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp Việt.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, thực tế hiện nay cho thấy, có một rào cản rất lớn mà doanh nghiệp Việt Nam khi đi ra thị trường nước ngoài thường gặp phải đó là các thông lệ quốc tế hay các quy định chuẩn mực về luật pháp quốc tế. Do chưa được trang bị đầy đủ về điều này, dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thông tin cũng như xác minh độ chân thực, chính xác của thông tin.
Một khó khăn nữa của doanh nghiệp Việt Nam là không tiếp cận được các công nghệ sẵn sàng chuyển giao mà thường tiếp cận ở các kết quả nghiên cứu. Vì thế, khi ký hợp đồng tiếp nhận, doanh nghiệp lại mất một khoảng thời gian khá dài để hoàn thiện, nâng cấp công nghệ đó từ quy mô phòng thí nghiệm sang quy mô sản xuất công nghiệp.
“VCIC thông qua các đối tác hợp tác nước ngoài sẽ lựa chọn đánh giá những công nghệ khả thi cả về mặt kỹ thuật, tài chính. Điều đó có nghĩa công nghệ tốt chưa đủ mà cần phải phù hợp và có giá thành cạnh tranh, để sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp” - ông Phạm Đức Nghiệm nói.
Theo đó, những công nghệ được giới thiệu tại diễn đàn là những công nghệ đã sẵn sàng thương mại hóa. Và hơn nữa, không chỉ dừng ở việc “bán đứt” một công nghệ mà các đối tác nước ngoài sẽ hợp tác, đồng hành với doanh nghiệp Việt Nam để triển khai công nghệ, thậm chí có thể góp vốn hoặc huy động thêm các nguồn tài chính để cùng đầu tư nhà máy sản xuất ở Việt Nam, để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Bùi Đức Trung - Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Ban Nghiên cứu và Phát triển - Tập đoàn An Phát - cho biết: “Thông qua diễn đàn và các hoạt động của VCIC, chúng tôi có thể cập nhật được các công nghệ mới cũng như kết nối với các chuyên gia trên thế giới để sớm nâng tầm sản phẩm, thương hiệu của An Phát, đặc biệt, phát triển dòng sản phẩm nhựa phân hủy sinh học lên một tầm công nghệ cao hơn”.
"Hiện nay, chi phí nguyên vật liệu và giá thành sản xuất nhựa phân hủy sinh học cao hơn sản phẩm truyền thống từ 3-5 lần. Do đó, việc có những công nghệ mới giúp giảm giá thành sản phẩm rất cần thiết nhằm đưa dòng sản phẩm này ngày càng được sử dụng một cách rộng rãi và đại trà hơn, để tiến tới thay thế các sản phẩm nhựa truyền thống" - ông Trung cho hay.
Cũng từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Hùng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình - cho rằng: Hiện, công ty bình quân mỗi ngày xử lý hàng trăm tấn các loại chất thải, chủ yếu từ các khu công nghiệp, trong đó có khoảng 20-30% chất thải có thể tận dụng, tái chế. Công ty đang tìm tòi và mong muốn tiếp cận những công nghệ tiên tiến của thế giới để tái chế sản phẩm.
“Doanh nghiệp hiện đang gặp hai khó khăn như thiếu thông tin chính thống để tìm kiếm, nhập khẩu các thiết bị công nghệ; vốn đầu tư công nghệ. Việc tổ chức Diễn đàn Chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế sẽ góp phần vào việc hóa giải những thách thức doanh nghiệp đang gặp phải” - ông Hùng nhận định.
Chia sẻ từ phía đầu cầu Úc, GS. Veena Sahajwalla, Đại học New South Wales đã giới thiệu về công nghệ tái chế và gia tăng giá trị cho các vật liệu có thể tái chế mà các đơn vị sở hữu sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong số này có các công nghệ trong lĩnh vực sản xuất xanh với ngành công nghiệp, sử dụng chất thải và các sản phẩm cũ làm nguyên liệu thô. Các công nghệ có thể sản xuất hợp kim đen từ chất thải ô tô và hợp kim đồng gốc từ chất thải điện tử, tái chế thủy tinh, nhựa, gỗ, chất thải biển và hàng dệt bị ô nhiễm lẫn lộn để sản xuất vật liệu xây dựng hiệu suất cao...
Ở lĩnh vực công nghệ sinh học, các chuyên gia giới thiệu công nghệ về liệu pháp tế bào gốc IV - sử dụng tế bào gốc chiết xuất từ mỡ kích thích cơ chế tái tạo tế bào tự nhiên của cơ thể để đẩy nhanh và tăng cường chữa bệnh toàn thân, chống lão hóa. Công nghệ huyết tương giàu tiểu cầu để giảm đau và hồi phục chức năng do chấn thương cơ xương và thoái hóa khớp...
Hiện nay, có một số công nghệ như công nghệ polimer hóa gỗ, nâng cấp gỗ nhóm 6 lên thành nhóm 1 (các loại gỗ Thông, gỗ cao su sau khi xử lý có chất lượng như gõi lim) chịu mưa nắng, nước biển, tuổi thọ trên 20 năm đang được VCIC hỗ trợ xuất khẩu sang Úc và một số nước Bắc Âu. Đặc biệt đã có 2 công nghệ của Việt Nam gồm máy gieo hạt và công nghệ sản xuất hỗn hợp fullerene tận thu được các loại phụ phẩm nông nghiệp sẵn có với hàm lượng carbon cao như vỏ trấu, sọ dừa... đã chuyển giao thành công sang Israel.
Các doanh nghiệp khi tham gia và được lựa chọn vào Chương trình VCIC CONNECT sẽ: Được chuyên gia VCIC hỗ trợ xây dựng bản chào theo tiêu chuẩn quốc tế; Được chuyên gia của VCIC đào tạo kỹ năng thuyết phục các nhà đầu tư/kĩ năng đàm phán thương mại, thương thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ; Được hỗ trợ kinh phí tham gia chuyến thăm và làm việc với các quỹ đầu tư, tập đoàn công nghệ và các đối tác thương mại tại Úc và Hàn Quốc; và được VCIC hỗ trợ quá trình kết nối và đàm phán với các đối tác. Thời gian vừa qua Bộ KH&CN đã triển khai rất nhiều các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp, điển hình như thời gian diễn ra đại dịch Covid 19, hỗ trợ các doanh nghiệp và ký phê duyệt tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ cho công cuộc chống lại đại dịch và nhận được những kết quả vô cùng đáng tự hào. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng tổ chức nhiều hoạt động, đề án để hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước cũng như giữ mối liên kết sâu rộng với các nước phát triển mạnh về KH&CN tại các quốc gia trên thế giới như: chương trình 2075, đề án 844, dự án VCIC… |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.