Ứng biến, thay đổi về chính sách
Mở đầu chương trình, Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ chia sẻ về giải pháp cho các cung bậc, vấn đề của cộng đồng chính là thích ứng được mọi hoàn cảnh. Cũng như sáng tạo của cộng đồng. Về mặt chính sách cũng phải có sự thay đổi nhanh chóng, đã có nhiều nước họ đặt ra những quy định đặc thù, chính là luật nhưng được áp dụng ngay tại thời điểm đó, chẳng hạn như Singapore có nhiều quy định đặc thù để thích nghi với Covid trong năm qua. Việc đưa các công nghệ mới, sáng tạo mới, ứng dụng vào các hoạt động kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán tư vấn chữa trị một cách nhanh nhất chính là sự thích nghi, thay đổi. Trong giai đoạn tới, chúng ta có lướt được Covid hay không chính ở giải pháp thích ứng thật nhanh. Nhiều quy định đặc thù đã được lập ra để đáp ứng được sự chuyển mình của doanh nghiệp, startup, sáng chế không chuyên. Đây là sức mạnh mà cộng đồng đổi mới sáng tạo đã tạo ra được
“Để huy động được toàn bộ nguồn lực, chúng ta cần có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, có thể là nền tảng network, qua đó cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền có thể nêu ra nút thắt để cho các đơn vị, doanh nghiệp có tinh thần năng lượng, năng lực sáng tạo giải pháp đổi mới tham gia, đồng thời thu hút nguồn tri thức, trí tuệ từ cộng đồng để phát huy tối đa năng lượng từ sáng tạo mở. Làm sao để thiết kế sân chơi sáng tạo mở, thay đổi tư duy từ cạnh tranh sang hợp tác, chia sẻ nguồn lực dữ liệu chuyên gia thị trường, thậm chí là nguồn vốn..thì chúng ta sẽ tạo ra một sức mạnh rất lớn của dân tộc Việt Nam đứng trước đại dịch Covid 19. Chúng tôi rất mong muốn những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo sẽ cùng chung tay vì một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam.” - Ông Phạm Hồng Quất chia sẻ khi được hỏi về việc huy động được nhiều bên trong xã hội cùng tham gia ĐMST.
Từ góc độ của người làm sáng chế và sở hữu trí tuệ, Ông Trần Giang Khuê chia sẻ những nhà sáng chế không chuyên cũng cần được đẩy mạnh phát triển. Những phát minh của họ thường xuất phát từ thực tiễn đời sống mang tính ứng dụng cao và kịp thời, nhưng họ lại không nằm trong một môi trường sáng chế chuyên nghiệp. Đương nhiên để phát triển bền vững phải dựa vào những quyền được pháp luật bảo hộ ở trong nước, ngoài nước như quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền trong đó có độc quyền sáng chế. Vì vậy họ cần được đầu tư khuyến khích, hỗ trợ bằng ngân sách, cơ chế, nguồn lực... để có điều kiện phát triển mang lại giá trị cho cộng đồng.
Từ những ý tưởng, giải pháp mới cho đến hoạt động động cải tiến sáng chế, ứng dụng công nghệ, sáng chế thế giới đã được công nhận - Đứng trên vai người khổng lồ, để vận dụng vào y tế, chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, chính là biểu hiện của sự thích nghi, chuyển mình của cả cộng đồng, tránh đứt gãy kinh tế, giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn Covid -19.
Từ những sáng kiến, sáng chế nhỏ nhất như ATM Gạo, ATM oxy, đến những buồng khử khuẩn, kính che mặt hay những cái lớn hơn như vaccine, Nanocovax, kit test nhanh, hệ thống quản lý tình hình dịch bệnh Covid (bluezone, phân vùng đỏ vàng xanh ở TP HCM…) là sự chuyển mình của cộng đồng sáng tạo đổi mới.
Phương pháp ứng biến để thích nghi, đổi mới sáng tạo cùng cộng đồng “Open innovation"
Bà Hoàng Thị Bạch Dương - Trưởng làng Công nghệ y tế và giải pháp sáng tạo chăm sóc sức khỏe đã chia sẻ về những nỗi niềm, khó khăn của các bác sĩ, nhất là những câu chuyện đầy cảm xúc trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt là câu chuyện của các Bác sĩ gia đình - những người chiến sĩ 5T đi xung kích tất cả các ngõ hẻm của thành phố để kịp thời cứu chữa người bệnh. Cũng chính từ đó những sáng chế, sáng tạo tự phát của các nhóm bác sĩ, những cá nhân trước đây chưa từng nghĩ đến như ATM Oxy, các nhóm khám chữa bệnh online...để kịp thời cấp cứu, hỗ trợ, thậm chí chở oxy, đưa máy SpO2 đến tận nhà cho bệnh nhân, đánh giá, khám tại chỗ và hướng dẫn cách điều trị tại nhà cho bệnh nhân vượt qua Covid hay tìm cách đưa bệnh nhân chuyển nặng đến cơ sở chăm sóc tập trung.
Để giải quyết được những thách thức ấy cần sự chung tay của cả tập thể, cộng đồng nhằm mục đích hỗ trợ bệnh nhân được tốt nhất. Chúng tôi đau đáu một điều là làm sao để các nhóm sáng chế không chuyên ấy được đánh giá và được công nhận, bởi chi khi được công nhận rồi mới được triển khai và ai sẽ đồng hành cùng họ để triển khai rộng rãi ra cộng đồng.
Vì vậy chúng tôi muốn thông qua Techfest năm nay, trở thành một điểm tựa, giúp kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhóm sáng chế không chuyên, các ý tưởng, giải pháp với các nguồn lực, để thúc đẩy công nghệ y tế phát triển, hỗ trợ đắc lực và giảm bớt gánh nặng cho ngành Y tế.
Đặc biệt, bà Mandy Nguyễn Nhã Quyên - Trưởng BTC cuộc thi Techfest Việt Nam 2021 chia sẻ về mô hình đổi mới sáng tạo mở. Với khẩu hiệu Impact Ecosystem – Empower tech - Tác động hệ sinh thái, trao quyền công nghệ, kết nối các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, cùng chung tay sáng tạo, giải quyết bài toán đa chiều, từ giai đoạn phòng bệnh, tăng cường sức khỏe cho đến giai đoạn phục hồi đa phương diện sau chữa trị, đến câu chuyện vaccine, điều trị … Cần sự kết hợp giữa hành trình của bệnh nhân với những thành viên ở trong hệ sinh thái về y tế để tạo nên được không gian đổi mới, sáng tạo vô cùng lớn. Từ các công ty giải pháp đầu vào cho đến các đơn vị hỗ trợ sau chữa trị...Xây dựng kế hoạch dài hạn, triển khai từng bước vững chắc để tới đích nhất là khi các bài toán đặt ra cho chúng ta ngày càng phức tạp hơn, thách thức hơn.
Bà Mandy Nguyễn đã chia sẻ những thông tin rất hữu ích về Đổi mới sáng tạo trong chăm sóc sức khoẻ, ví dụ như phương pháp chữa trị “peer to peer support” đã được ứng dụng vào công nghệ qua các app điều trị. Hay như Pfizer, hãng dược lớn của Mỹ đã áp dụng Đổi mới sáng tạo vào việc đặt bài toán cho cộng đồng về vật liệu làm nên các ống tiêm - để sử dụng hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn. Hay khi điều chế những loại thuốc cho trẻ em dưới hình thức hoàn toàn mới để dễ dàng tiếp cận với trẻ em hơn, họ cũng đã đưa ra bài toán cho để tìm kiếm ý tưởng từ cộng đồng để tìm được giải pháp.
Cách tiếp cận của các đơn vị thực hiện đổi mới sáng tạo
Trong thời đại 4.0, các doanh nghiệp không bán sản phẩm, họ bán giải pháp và để người dùng tự trải nghiệm sản phẩm theo cách riêng của họ. Sự phản hồi của khách hàng sẽ là các bài học thực tế và thiết thực để doanh nghiệp điều chỉnh và hoàn thiện sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Trần Đông đã chia sẻ về những khó khăn của Doanh nghiệp khi cần làm việc trực tuyến thay vì trực tiếp như trước đây. Làm thế nào để vẫn đảm bảo cơ sở hạ tầng kết nối, chuyển đổi thói quen của nhân sự, vẫn đảm bảo năng suất và huy động kịp thời hay phân bổ nguồn lực và vật lực của công ty. Thực sự là một bài toán thách thức với doanh nghiệp và gây nhiều trở ngại trong thời gian đầu giãn cách. Bên cạnh đó, cần linh hoạt chuyển đổi quy trình, hình thức hoạt động, phương pháp trao đổi với đối tác, khách hàng vốn là các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, là những điểm nóng trong thời gian qua. Chuyển đổi từ trực tiếp sang kết hợp giữa online và trực tiếp, nhất là trong khâu ghi nhận thông tin. Dù có những hạn chế nhất định như vậy, nhưng công ty cũng có được sự hỗ trợ tích cực từ chính khách hàng cũng là một thuận lợi và may mắn. Chính vì giãn cách xã hội và tình thế bắt buộc, các đối tác, khách hàng đã đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm của công ty, từ đó công ty nhận được rất nhiều phản hồi, góp ý giúp cải tiến nhanh chóng sản phẩm của mình.
Bên cạnh các nhu cầu thiết yếu, thì hoạt động thể chất cũng rất quan trọng để nâng cao sức khoẻ và cải thiện trạng thái cảm xúc cho người dân khi cần thực hiện giãn cách ở nhà. Ông Lê Bảo Toàn - Founder - CEO của JUSTRACE - Nền tảng tổ chức chạy bộ trực tuyến cộng đồng chia sẻ: Cải thiện sức khỏe, sức đề kháng của con người thông qua các thói quen sống hàng ngày lâu dài được chú trọng hơn nữa trong thời dịch. Bộ môn thể thao lý tưởng mà ai cũng có thể tham gia, không đòi hỏi chi phí chính là chạy bộ. Với công nghệ, chúng ta có thể chạy bộ bất chấp không gian, thời gian. Những giải chạy bộ được tổ chức ngày càng nhiều tạo động lực cho cộng đồng cất bước, nâng cao tầm vóc và thể chất con người. Thông qua một nền tảng chung, sự tương tác, kết nối giữa con người với con người tạo nên một cộng đồng lớn mạnh cùng chí hướng và tạo ra các giá trị nhân văn cho cộng đồng, ví dụ như các phong trào Chạy bộ gây quỹ. Đổi mới sáng tạo cần sự tương tác trước khi có chương trình hành động cụ thể, bằng cách thức thúc đẩy cộng đồng, đây có thể là kênh kết nối các doanh nghiệp, tổ chức với cộng đồng nhằm thúc đẩy, triển khai các giải pháp đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Trần Đông chia sẻ trong Đổi mới sáng tạo Mở, các doanh nghiệp cần nắm bắt sự thay đổi nhanh chóng trong nhu cầu của người dùng, dám chấp nhận thử sai và bắt tay triển khai dự án. Khi tạo ra sản phẩm dựa trên nhu cầu và sự đóng góp mật thiết của cộng đồng, buộc doanh nghiệp phải thích nghi liên tục, chuyển mình để phù hợp với nhu cầu để tạo ra sản phẩm tối ưu nhất cho cộng đồng. Kêu gọi cộng đồng cùng chung sức, với tinh thần cầu thị sự tương tác giữa người làm sản phẩm và người sử dụng sản phẩm là đôi bên cùng có lợi.
Bài toán càng lớn thì cơ hội càng lớn. Tất cả doanh nghiệp, bất kể lớn nhỏ đều có thể đóng vai trò trong thúc đẩy Đổi mới sáng tạo mở: mở tâm lý - mở trí tuệ - mở kết nối. Những giải pháp công nghệ mới hướng tới giải quyết những nỗi đau và tạo ra lợi ích cao hơn cho con người.
Quyền sở hữu trí tuệ sẽ thuộc doanh nghiệp hay thuộc cộng đồng? Hướng tới vì cộng đồng, mở rộng quyền sở hữu trí tuệ, có những chế quyền riêng trong nước và những chế quyền quốc tế. Vậy một doanh nghiệp có tâm lý “đóng" đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường mở. Ông Trần Giang Khuê chia sẻ.
Hội nhập Đổi mới sáng tạo mở, các doanh nghiệp cần chấp nhận tâm lý, mình có thể không phải là người duy nhất và có giải pháp tốt nhất cho dự án. Ý tưởng chỉ là một phần của tảng băng chìm, biến ý tưởng thành hiện thực cần rất nhiều khía cạnh khác. Vượt qua nỗi lo ngại về độc quyền để nắm bắt cơ hội, tận dụng bên ngoài để tạo ra sản phẩm đột phá. Điều này nằm từ tư tưởng của các vị lãnh đạo đứng đầu doanh nghiệp, nâng cao năng lực kết nối các mắt xích trong hệ sinh thái, hiểu được giá trị cốt lõi của mình và các đối tác, tận dụng những thế mạnh để đôi bên cùng phát triển.
Ra mắt vòng Thử thách cộng đồng
Vòng thử thách cộng đồng khởi động với chiến dịch “21 sắc thái lướt Covid" là một điểm đặc sắc trong hoạt động chính của Làng tại Techfest Việt Nam năm nay. Chương trình dành cho các cá nhân, đơn vị có ý tưởng, có giải pháp, hoặc hơn thế nữa đã có sản phẩm công nghệ, giải pháp hỗ trợ cho Y tế & Chăm sóc sức khỏe giúp tháo gỡ các vấn đề mà cộng đồng xã hội đang quan tâm. Trưởng Làng - Bà Hoàng Thị Bạch Dương chính thức khởi động Vòng Thử Thách Cộng Đồng của Làng Công Nghệ Y Tế & Giải Pháp sáng tạo Chăm sóc sức khỏe.
Làng Công nghệ y tế và giải pháp sáng tạo chăm sóc sức khỏe xin gửi lời cảm ơn chân thành đến diễn giả và các vị khách quý đã tham dự chương trình. Chúng tôi mong rằng với sự chia sẻ nhiệt tình đầy kinh nghiệm các vị diễn giả và sự ủng hộ, tương tác tích cực của các vị khách quý đã góp phần tạo nên những ấn tượng tốt đẹp cho chương trình.
Làng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các startups trong Techfest Viet Nam 2021, cũng như mang lại nhiều nội dung đa dạng, hữu ích cho cộng đồng trong các chương trình tiếp theo.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.