Theo báo cáo của Thanh tra Bộ GTVT, lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản với nhiều giải pháp quyết liệt được triển khai nhằm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; đang khắc phục tồn tại về phân bổ vốn đầu tư dàn trải, hạn chế tình trạng quy mô và suất đầu tư bất hợp lý. Đã ban hành các Quy định về tiêu chí đánh giá, xếp hạng năng lực các chủ đầu tư (Ban QLDA), tổ chức tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu tham gia các dự án XDCTGT; Quy định về kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình; Quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trong quản lý chất lượng CTGT.
Công tác rà soát, điều chỉnh quy mô, thiết kế và phân kỳ đầu tư các dự án đầu tư nhằm tiết kiệm tối đa các nguồn lực, hạ giá thành công trình, phù hợp với điều kiện về vốn và tình hình thực tế. Đến nay, kinh phí giảm 21.354 tỷ đồng, trong đó: Rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật giảm là 9.931 tỷ đồng; rà soát lựa chọn các giải pháp thiết kế hợp lý giảm là 11.120 tỷ đồng; rà soát, đánh giá tình trạng khai thác của các cầu đang đang khai sử dụng để gia cường, tận dụng là 843 tỷ đồng. Quý I năm 2014, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác rà soát thiết kế cơ sở các dự án, qua đó giảm nhu cầu về vốn đầu tư 2.273 tỷ đồng.
Công tác đầu thầu là một trong nhưng khâu quan trọng, góp phần đảm bảo hiệu quả, nâng cao công tác tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Vì vậy ngay từ đầu năm 2013, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện, kết quả đã lựa chọn xong các nhà thầu cho 230 gói thầu với giá trị 29.585 tỷ đồng, giá trị trúng thầu 28.215 tỷ đồng, tiết kiệm được 1.370 tỷ đồng. Quý I năm 2014, tổng số 37 gói thầu với giá trị 12.661 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị trúng thầu là 12.555 tỷ đồng, tiết kiệm 106 tỷ đồng.
Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt các Chủ đầu tư, chủ dự án bám sát tiến độ từng công trình dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để kiện toàn và nâng cao chất lượng thi công công trình (đánh giá, công bố xếp hạng chủ đầu tư, ban quản lý dự án…).
Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trong năm 2013 và đầu năm 2014 số lượng các công trình khởi công, hoàn thành cao nhất từ trước đến nay và tăng nhanh hàng năm (so với năm 2011, số lượng các công trình hoàn thành trong các năm 2012, 2013 và dự kiến 2014 lần lượt là 1,4 lần, 1,65 lần và 2,4 lần). Nhiều công trình trọng điểm được triển khai và hoàn thành trước tiến độ tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và quốc tế. Các công trình kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) tại các đô thị lớn được đầu tư xây dựng, tạo sự chuyển biến trong phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị.
Công tác thanh tra, kiểm tra
Trong năm 2013 và Quý I năm 2014, Thanh tra Bộ GTVT đã tiến hành 43 cuộc thanh tra, kiểm tra; thanh tra Tổng cục, các Cục, sở GTVT tiến hành 125.591 cuộc thanh tra, kiểm tra; kết quả phải xử lý về kinh tế là 706 tỷ 386 triệu đồng.
- Kiến nghị xử lý vi phạm: Trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản cấm tham gia đấu thầu 4 đơn vị, thông báo chủ đầu tư lưu ý khi xem xét năng lực tham gia dự thầu của 20 đơn vị, phong tỏa tài khoản 01 đơn vị, kiến nghị thu hồi 10 chứng chỉ tư vấn giám sát, giảm trừ giá trị thanh toán tại các dự án 121,3 tỷ đồng, thu hồi ngân sách nhà nước 12,82 tỷ đồng.
Trong công tác đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe đã xử lý kỷ luật 15 cán bộ; đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái xe ô tô đối với 10 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, mô tô; đình chỉ hoạt động 01 trung tâm sát hạch lái xe loại 3; hạ lưu lượng đào tạo lái xe ô tô đối với 05 cơ sở đào tạo lái xe ô tô; thu hồi một số giấy phép đào tạo lái xe mô tô đã cấp không đúng quy định; đình chỉ 01 hội đồng sát hạch 13 cán bộ và 3 giám sát viên thuộc Sở GTVT;
Trong công tác đăng kiểm: Đình chỉ chức danh 48 đăng kiểm viên; đình chỉ hoạt động của 01 Trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ; đang xem xét đình chỉ 07 đăng kiểm viên.
Hoạt động vận tải: Thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải của 50 đơn vị; thu hồi 146 giấy phép chấp thuận khai thác tuyến; tước quyền sử dụng giấy phép cho đến khi khắc phục xong tồn tại có 85 đơn vị; thu hồi phù hiệu, sổ nhật trình của 944 phương tiện;
Trong hoạt động sản xuất cung cấp thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) xe ô tô: Chấm dứt chỉ định đối với 01 tổ chức đo, thử nghiệm TBGSHT; thu hồi Giấy chứng nhận hợp quy đối với 13 đơn vị sản xuất, cung cấp TBGSHT.
Đã kiến nghị sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm siết chặt quản lý nhà nước về giao thông vận tải và xử lý trách nhiệm, xử phạt vi phạm hành chính đối với tập thể, cá nhân vi phạm.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh: Bộ GTVT sẽ phát động phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng rộng rãi trong các đơn vị, đến toàn thể cán bộ, công nhân viên, khen thưởng kịp thời các sáng kiến chống tham nhũng, lãng phí.
Trong đầu tư xây dựng cơ bản, phải công khai, minh bạch các dự án và nguồn vốn hàng năm, tổ chức đấu thầu chặt chẽ, khoa học.
Đối với dự án ODA phải có quy chế công khai, minh bạch theo đúng trình tự và pháp luật, không ưu tiên bất kỳ một trường hợp nào để trúng thầu dù đó là nhà thầu trong nước hay nước ngoài, tạo “sân chơi” bình đẳng giữa các nhà thầu trong và ngoài nước.
Bộ GTVT đang chủ trì triển khai rất nhiều dự án XDCB, số vốn đầu tư rất lớn, được giao cho các Ban QLDA trực tiếp phụ trách điều hành. Trình độ, tư cách trong sạch của các tổng giám đốc Ban QLDA của Bộ có liên hệ trực tiếp đến chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư dự án. Chủ đề năm nay của Bộ là siết chặt chất lượng các Ban QLDA. Từng đồng chí Thứ trưởng phải chịu trách nhiệm về phẩm chất của tổng giám đốc Ban QLDA được giao phụ trách. Nếu phát hiện tổng giám đốc Ban QLDA nào “có vấn đề”, làm ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, Thứ trưởng đó phải chủ động xem xét xử lý, báo cáo với Ban cán sự, Bộ trưởng – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hoàng Thạch
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.