Thực trạng công tác đào tạo, sát hạch lái xe: (Bài 3)"Ứng dụng công nghệ số nâng chất lượng"

Vận tải 23/05/2023 10:10

Xây dựng thương hiệu bằng uy tín, chất lượng, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đào tạo, sát hạch lái xe đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều cơ sở đào tạo, sát hạch cấp GPLX.

Đây là hướng đi mới đang được nhiều địa phương áp dụng, góp phần minh bạch hóa thông tin dữ liệu, đặc biệt là trang bị cho người học những kỹ năng tốt nhất khi ngồi sau tay lái.  

Ứng dụng công nghệ số nâng chất lượng đào tạo, sát hạch - Ảnh 1.

Hơn 60% học viên đến đăng ký học lái xe ở Trường Tiến Bộ là qua hình thức "truyền miệng"

Ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo

Với những quy định chặt chẽ trong đào tạo, sát hạch lái xe đã giúp cho các trung tâm thay đổi mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN). Đơn cử như tại tỉnh Sơn La, các cơ sở đào tạo đã hoàn thành việc ứng dụng công nghệ nhận dạng, theo dõi thời gian học lý thuyết môn học Pháp luật giao thông đường bộ để giám sát quá trình học của học viên. Đồng thời, 100% xe tập lái phục vụ công tác đào tạo lái xe trên đường đã được đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe. Ngoài ra, tại các đơn vị này đã hoàn thiện lắp camera giám sát tại phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Cục ĐBVN để quản lý, giám sát, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với Sở GTVT từ ngày 01/01/2020, đảm bảo quá trình công khai, minh bạch kỳ sát hạch.

Ông Nguyễn Anh Cương - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT tỉnh Sơn La) cho biết, với việc ứng dụng công nghệ giúp các cơ sở đào tạo trên địa bàn nâng cao chất lượng và học viên sau khi cầm tấm "bằng" nghề có thể tự tin thi sát hạch để cấp GPLX. Sau khi các khóa thi sát hạch kết thúc, căn cứ vào bài thi không đạt, các cơ sở đào tạo sẽ rà soát các lỗi người học lái xe còn yếu, thường xuyên mắc phải để có kế hoạch và phương pháp khắc phục, giảng dạy hiệu quả hơn...

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Gia - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho hay, để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và tạo thuận lợi cho học viên trong thực hiện thủ tục hồ sơ, chúng tôi yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, triển khai xây dựng phần mềm ứng dụng trên internet để người dân đăng ký học lái xe qua mạng và thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

"Việc chuyển đổi số áp dụng vào lĩnh vực đào tạo lái xe là một bước đi rất mới. Công việc kinh doanh của tôi khá bận rộn, giờ đây tôi không cần phải đến trực tiếp trung tâm để đăng ký học lái xe nữa mà tất cả chỉ cần ngồi bên chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh là tôi có thể làm các thủ tục đăng ký nhập học", chị Vũ Thị Lý - một người đang làm thủ tục đăng ký tham gia khóa học lái xe trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ số nâng chất lượng đào tạo, sát hạch - Ảnh 2.

Các học viên tập luyện tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Sát hạch lái xe Lập Phương Thành

Không có khái niệm "bổ túc tay lái"

Trải qua hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Giao thông Tiến Bộ (Trường Tiến Bộ) cho biết: "Hiện nay, những ai có nhu cầu thực, cần bằng lái xe để hành nghề thì mới đi học, chứ không còn tình trạng học rồi để đó, bởi người học bị khống chế về thời gian. Những năm qua, Trường Tiến Bộ luôn đi đầu trong việc triển khai các quy định trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe thông qua việc đầu tư, nâng cấp sân bãi, phòng học, phương tiện, thiết bị... để đáp ứng nhu cầu của học viên, như gần đây nhất là triển khai lắp đặt DAT, máy tính học mô phỏng, ca-bin điện tử... Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là luôn chia sẻ với người học nên trường vẫn cố gắng "gồng gánh", không tăng học phí, duy trì ở mức mặt bằng chung hạng B2 là 20.900.000 đồng, hạng C là 21.900.0000 đồng".

Theo ông Dũng, từ trước đến nay, Trường Tiến Bộ không triển khai đăng quảng cáo bằng các chương trình giảm giá, khuyến mãi trên các trang mạng xã hội để thu hút học viên. Thay vào đó, chúng tôi lựa chọn tuyển sinh theo phương thức chăm sóc khách hàng thường xuyên và bền vững bằng cách xây dựng uy tín, thương hiệu để người học tự cảm nhận được chất lượng trong suốt quá trình học đến khi có bằng lái. Thành công của chúng tôi là có đội ngũ giáo viên dạy thực hành với bề dầy kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm tốt, luôn lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của học viên để truyền đạt những kiến thức nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tỉ lệ đậu sát hạch lái xe. Nhà trường quán triệt tuyệt đối không có hiện tượng giáo viên vòi vĩnh, thu tiền phát sinh ngoài mức học phí đã đóng.

"Trường Tiến Bộ không có khái niệm học viên kết thúc khóa học còn phải đăng ký bổ túc tay lái mà khi cầm bằng trên tay là tự tin lái xe để tham gia giao thông. Vì vậy, trải qua hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo sát hạch lái xe, chúng tôi tự tin hơn 60% học viên đến đăng ký học bằng lái xe ở Trường Tiến Bộ là qua hình thức "truyền miệng" từ những người học trước giới thiệu cho người thân, bạn bè. Đặc biệt, sau thời gian học tập và sát hạch cấp GPLX, học viên có nhu cầu hành nghề sẽ được Nhà trường tạo điều kiện giới thiệu đến các doanh nghiệp lớn uy tín để thi tuyển lái xe", ông Dũng tâm sự.

Đang tham gia khóa học B2 tại Trường Tiến Bộ, anh Nguyễn Văn Nam chia sẻ: "Do có nhu cầu học bằng lái xe B2 với mong muốn mua xe chạy dịch vụ, vì vậy khi được bạn bè giới thiệu là tôi tin tưởng đến đăng ký học. Khi tham gia khóa học, tôi mới cảm nhận được mức học phí phù hợp với chất lượng đào tạo. Phòng học lý thuyết sạch đẹp, thoải mái, nhà trường cung cấp tài liệu và có các khung giờ học lý thuyết rất linh động để học viên sắp xếp tham gia. Đặc biệt, xe học thực hành đời mới kết hợp với thầy giáo hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình nên học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu. Đến nay, tôi đã tự tin vững tay lái để chuẩn bị bước vào kỳ thi sát hạch lấy bằng lái xe".

"Việc áp dụng quy định gắn thiết bị DAT là cần thiết để quản lý giờ học lái xe của học viên. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng nên xem xét giảm 810 km đường trường xuống còn 650 km là phù hợp và có thể tăng thêm số km học thực hành, như vậy sẽ thiết thực và nâng cao tay lái cho học viên. Ngoài ra, thời gian học trên ca-bin điện tử hiện nay đang áp dụng 3 giờ trong một khóa đào tạo nên xem xét có thể giảm xuống còn 1 giờ", ông Dũng kiến nghị.