Thực trạng đường cao tốc Việt Nam - Kỳ 2: Cận cảnh tổ chức giao thông

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 31/07/2024 07:13

Trong quá trình khai thác, vì nhiều lý do, một số tuyến cao tốc còn những bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông cần được được khắc phục thời gian tới.

Thực trạng đường cao tốc Việt Nam - Kỳ 2: Cận cảnh tổ chức giao thông- Ảnh 1.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào sử dụng hơn 1 năm nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ

Chưa có dải phân cách giữa

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98 km, được đưa vào khai thác từ ngày 1/1/2023, với phần đường các đoạn tuyến thông thường (giai đoạn phân kỳ) đoạn Cam Lộ - La Sơn được đầu tư quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12 m. Riêng các đoạn vượt xe được thiết kế quy mô theo giai đoạn hoàn chỉnh được đầu tư quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 23,25 m.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (địa phận 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến La Sơn - Hòa Liên (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng) dài 66 km với quy mô đường cấp III đồng bằng có 2 làn xe cơ giới (tương lai sẽ hoàn chỉnh theo quy mô đường cao tốc với 4 làn xe cơ giới) được đưa vào khai thác năm 2022. Trong tương lai, các tuyến đường này sẽ tạo thành tuyến cao tốc dài hơn 175 km và gắn kết với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tạo trục giao thông động lực xuyên miền Trung.

Điểm chung của 2 tuyến Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Hòa Liên là tuyến đường mới đưa vào khai thác nên tình trạng mặt đường tốt, tuyến đường không cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, tạo cho giao thông cơ bản thông thoáng, thuận lợi. Tuy nhiên, trên tuyến có nhiều đoạn đường có địa hình phức tạp, dốc cao, dài, vực sâu và đường chỉ có 2 làn xe lưu thông ngược chiều (không có dải phân cách giữa) nên khi các phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu không kiểm soát được tốc độ, dễ xảy ra tai nạn đối đầu hoặc lao xuống vực sâu, đâm vách núi.

So với tuyến Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, tại địa bàn miền Trung, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài hơn 139 km, đi qua địa phận 3 tỉnh và thành phố, đưa vào khai thác từ tháng 8/2017) được thiết kế và thi công cơ bản hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn đường cao tốc. Theo ông Vương Duy Tú, Giám đốc Trung tâm Khai thác vận hành cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, kể từ khi tuyến này được đưa vào khai thác đến nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức khai thác của Bộ GTVT. Mặc dù vậy, một số công trình trên tuyến vẫn chưa hoàn thiện gồm: Nút giao Dung Quất và hệ thống nhà trạm dừng nghỉ trên tuyến, hệ thống ITS, trạm cân kiểm tra tải trọng xe... Việc chưa hoàn thiện này cũng ảnh hưởng đến vận hành khai thác tuyến đường.

Ngoài ra, khi đưa dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào khai thác, hệ thống đường kết nối địa phương chưa đảm bảo dẫn đến các phương tiện gặp khó khăn trong việc tiếp cận đường cao tốc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến lưu lượng giao thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa cao.

8c0ded67-dc2c-4965-afba-223bba64f41c-1682728015403663153445.webp

Hầm Tam Điệp trên tuyến Mai Sơn - QL45

Một đoạn tuyến 4 loại tốc độ

Đó là thực trạng trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cao Bồ - Mai Sơn - QL45. Trong đó, đoạn tuyến từ Km182 - Km212 (nút giao Pháp Vân đến nút giao Đại Xuyên) cho phép tốc độ 60 - 100 km/h; từ Km212 - Km259 (nút giao Đại Xuyên đến nút giao Cao Bồ) cho phép tốc độ 60 - 120 km/h; từ Km259 - Km274 (nút giao Cao Bồ đến nút giao Mai Sơn) cho phép tốc độ 60 - 80 km/h; từ Km274 - Km351 (nút giao Mai Sơn đến nút giao QL45) cho phép tốc độ 60 - 90 km/h.

Về làn đường, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện có 6 làn hoàn chỉnh (mỗi bên có 1 làn dừng khẩn cấp); đoạn Cầu Giẽ - Cao Bồ có 4 làn hoàn chỉnh. Trong khi đó, đoạn Cao Bồ - QL45 mới chỉ đầu tư 4 làn hạn chế (chưa có làn dừng khẩn cấp). Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn do khổ đường nên hiện chỉ cắm tiêu phản quang thay vì dựng dải phân cách bằng bê tông. Ngoài ra, đoạn Mai Sơn - QL45 còn chưa có điện chiếu sáng.

Hiện nay, một số cầu vượt tuyến cao tốc Pháp Vân - QL45 chưa được bố trí hệ thống rào chắn để ngăn chặn tình trạng người dân đứng trên cầu ném đất, đá xuống đường cao tốc, gây mất ATGT. Đồng thời, phía dưới gầm cầu có hiện tượng phá hàng rào để người dân đón xe, nhận hàng. Ngoài ra, hàng rào thép lưới B40 cũng chưa được hoàn thiện đồng bộ và đúng theo thiết kế trên toàn tuyến để khắc phục tình trạng người đi bộ vào đường cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Tại khu vực Nam Trung bộ, sau hơn 1 năm đưa vào khai thác 2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã góp phần kết nối giao thông giữa Bình Thuận và các tỉnh, thành phía Nam, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí cho các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, hiện trên 2 tuyến cao tốc này vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Tuyến cao tốc dài gần 200 km nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ; có tình trạng tháo trộm trụ và cắt phá lưới thép gai bảo vệ, hay như việc một số người dân lắp đặt cầu thang bằng sắt tự phát để vượt hàng rào kẽm gai bảo vệ cao tốc vào các nhà vệ sinh...

Với các địa phương phía Nam, ngày 24/12/2023, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khánh thành và đưa vào sử dụng, chính thức nối thông hệ thống đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ bao gồm 3 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Theo ghi nhận của PV, đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương dài 39,8 km được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và đưa vào khai thác từ tháng 2/2010 với mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc, có bố trí làn dừng khẩn cấp. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km, được đưa vào khai thác từ tháng 8/2022, nằm trọn trên địa phận tỉnh Tiền Giang được đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT theo quy mô mặt cắt ngang 17 m, 4 làn xe, làn dừng khẩn cấp bố trí cách quãng, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch.

Đối với đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23 km có thiết kế mặt cắt ngang giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp, bố trí một số điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 - 5 km/1 điểm với bề rộng nền đường rộng 17 m, vận tốc tối đa 90 km/h.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, hiện nay hệ thống đường cao tốc là vấn đề chủ lực và quan trọng nhất để tạo đột phá về kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của các tỉnh. Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận là đoạn cực kỳ quan trọng, rất cần thiết nâng cấp, mở rộng, đặc biệt khi các tuyến cao tốc đã nối thông và lượng phương tiện ngày một đông đúc.

Theo ông Dũng, tỉnh Tiền Giang vừa tiến hành công bố quy hoạch tỉnh, trong đó chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vào hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, từ đó tạo tiền đề phát triển mạng lưới GTVT và logistics, thực hiện có hiệu quả, tối ưu định hướng phát triển quy hoạch về đường bộ, đường thủy và cảng biển. Theo đó, tỉnh sẽ xây mới 4 trung tâm logistics ở Gò Công Đông, Tân Phước, Cái Bè và TP. Mỹ Tho, do đó việc mở rộng các đoạn tuyến cao tốc đi qua địa bàn sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, qua các kiến nghị của địa phương, Bộ GTVT đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị bổ sung nút giao với đường Võ Văn Kiệt kéo dài (thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long) và đường gom dân sinh dọc tuyến đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Tháp với tổng chiều dài các đoạn khoảng 7,3 km vào cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1.

Đối với tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ GTVT khẳng định, việc nghiên cứu, đầu tư mở rộng đồng bộ 2 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu lưu thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.

Xem tiếp kỳ 3: Mang thói quen đi "đường làng" lưu thông cao tốc