Mục tiêu có 5.000 km cao tốc không còn xa
Cuối tháng 6 vừa qua, 19 km cao tốc kéo dài từ QL46B đến nút giao QL8A thuộc dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã được thông xe đưa vào khai thác. Cách đó chừng hai tháng, 30 km đầu tuyến của cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt từ Diễn Châu đến QL46 cũng đã kịp hoàn thành để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Đáng chú ý, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt chính là "mảnh ghép" cuối cùng khép lại quá trình đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) với tổng chiều dài khoảng 654 km.
Thông tin với Tạp chí GTVT, đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, sau khi cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt hoàn thành toàn tuyến đã nâng tổng số đường cao tốc trong cả nước đưa vào khai thác đến thời điểm này lên tới 2.021 km. Đây là thành tích "vô tiền khoáng hậu" so với những giai đoạn trước đây. Bởi, tính từ thời điểm năm 2020 trở về trước, cả nước mới chỉ có khoảng 1.163 km đường cao tốc. Tuy nhiên, từ giai đoạn 2020 đến nay, số km đường cao tốc trong cả nước đã tăng thêm khoảng 858 km.
Các dự án cao tốc lớn hoàn thành từ năm 2020 đến nay có thể kể đến như: Vân Đồn - Móng Cái, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Tuyên Quang - Phú Thọ.
Bên cạnh các dự án đã hoàn thành, đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, hiện nay Bộ GTVT và các địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công 22 dự án cao tốc với tổng chiều dài lên tới 1.094 km, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025, điển hình là các dự án: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang...
"Về cơ bản đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.115 km đường cao tốc đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, trường hợp Chính phủ chỉ đạo mở rộng bảo đảm quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh đối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (104 km) thì tổng số cao tốc đưa vào khai thác đạt khoảng 3.011 km", đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam thông tin.
Để hiện thực hóa mục tiêu xa hơn, đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường cao tốc, hiện nay, Bộ GTVT và các địa phương đang tiếp tục triển khai đầu tư 35 dự án cao tốc với tổng chiều dài khoảng 2.074 km. Trong đó, 10 dự án đang thi công xây dựng như: Bến Lức - Long Thành, Cao Lãnh - An Hữu, Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Hữu Nghị - Chi Lăng...
Bên cạnh đó, 13 dự án cao tốc (dài 691 km) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, cân đối nguồn vốn như: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Mỹ An - Cao Lãnh, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Hòa Bình - Mộc Châu, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Ninh Bình - Hải Phòng...
Ngoài ra, còn 9 dự án đang lập chủ trương đầu tư (dài 678 km) gồm: Thái Nguyên - Chợ Mới, Cổ Tiết - Chợ Bến, Cam Lộ - Lao Bảo, Gò Dầu - Xa Mát, Quy Nhơn - Pleiku, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh... Ba dự án (dài 79 km) nâng cấp 3 tuyến đang khai thác thành cao tốc hoàn chỉnh, gồm: Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, Phủ Lý - Nam Định, Hưng Yên - Thái Bình. "Với tiến độ triển khai theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi, dự kiến sẽ có khoảng 5.189 km", đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam thông tin.
"Cú hích" lớn từ đường cao tốc
Các dự án cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác đã và đang phát huy hiệu quả to lớn trong việc rút ngắn thời gian đi lại, đảm bảo ATGT, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nơi dự án đi qua.
Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Thanh Hóa đã và đang tạo động lực quan trọng, mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội cho địa phương. Từ ngày tuyến cao tốc thông xe, đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh đã thu hút được 66 dự án (49 dự án đầu tư trong nước, 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 15.200 tỷ đồng và hơn 276 triệu USD.
Một số dự án lớn có thể kể đến như: Nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao Outdoor Gear Việt Nam tại xã Nga Trường, huyện Nga Sơn (tổng vốn đầu tư hơn 868 tỷ đồng); Dự án sân golf tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (tổng vốn đầu tư 1.616 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa (tổng vốn đầu tư 996 tỷ đồng)... Không chỉ thu hút đầu tư, hạ tầng giao thông còn đang tạo "cú hích" cho ngành du lịch xứ Thanh cất cánh.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, việc thông tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Thanh Hóa đã rút ngắn được thời gian đi lại từ các tỉnh phía Bắc, đặc biệt từ Hà Nội đến Thanh Hóa. Đây là thị trường khách chiếm thị phần lớn trong lượng khách nội địa đến tỉnh này (chiếm trên 65%).
Do giao thông kết nối thuận lợi nên du lịch Thanh Hóa liên tục tăng trưởng trong thời gian qua. Riêng quý I/2024, tổng lượt khách du lịch đến Thanh Hóa đạt hơn 2,5 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Khách quốc tế cũng tăng tới 11%. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 2.400 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.
PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, đến nay chưa có một nghiên cứu, phân tích cụ thể nào về hiệu quả của các công trình đường bộ cao tốc đối với sự phát triển của vùng, địa phương. Song, thực tế cho thấy, mỗi tuyến cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác đều đang "biến thời gian thành tiền bạc". "Trước đây, khi di chuyển trên QL1 từ Hà Nội vào Nghệ An mất khoảng 5 - 5,5 giờ đi ô tô thì nay với cao tốc, thời gian rút xuống chỉ còn 2,5 - 3 giờ. Đường đẹp hơn, tốc độ di chuyển nhanh hơn, chi phí nhiên liệu, hao mòn thấp hơn. Thời gian đi lại rút ngắn sẽ tạo động lực cho kinh tế phát triển, cơ hội thu hút đầu tư cũng sẽ được chia đều cho các địa phương trên trục cao tốc đi qua", ông Chủng chia sẻ.
Dẫn ví dụ cụ thể về tỉnh Quảng Ninh, ông Chủng cho biết, nhờ phát triển hạ tầng mạnh mẽ, giao thông kết nối từ đường bộ đến đường biển, Quảng Ninh đã rất thành công trong phát triển kinh tế, trở thành một điểm đến hấp dẫn cả về đầu tư, thương mại, du lịch... Đến nay, các tuyến cao tốc đã cho thấy rõ vai trò kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía Bắc và các sân bay quốc tế gồm: Nội Bài (Hà Nội) - Cát Bi (Hải Phòng) - Vân Đồn (Quảng Ninh).
"Khi hệ thống đường cao tốc hình thành và kết nối còn tiết giảm chi phí đầu tư các cơ sở hạ tầng khác, giúp giảm thiểu 85 - 95% số sự cố và TNGT trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ nằm gần kề đường cao tốc. Với nhiều lợi ích như vậy, việc chúng ta đang nỗ lực nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam trong thời gian ngắn nữa có ý nghĩa rất lớn", ông Chủng chia sẻ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.