Ùn tắc giao thông luôn được đánh giá là một trong những vấn đề bức xúc khó giải quyết nhất tại các đô thị lớn ở nước ta như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên lặp lại, thậm chí với mức độ trầm trọng hơn. Riêng tại Hà Nội, hạ tầng đô thị và giao thông của thủ đô đang phải chịu sức ép quá tải từ việc gia tăng dân số, nhu cầu đi lại, số lượng phương tiện công cộng và phương tiện cá nhân.
Đặc biệt, vấn đề này đang diễn ra nghiêm trọng tại các điểm đấu nối với trục Quốc lộ 5, nơi thường xuyên tập trung số lượng phương tiện và dân cư lớn, trong khi cơ sở hạ tầng không đủ điều kiện đáp ứng. Việc thường xuyên phải chịu cảnh ùn tắc khi tham gia giao thông khiến người dân sinh sống tại các khu vực này vô cùng bức xúc.
Ông Phạm Văn Dũng, một người dân sống ở khu vực gần gầm cầu Thanh Trì cho biết: Các nút giao thông ngày nào cũng ùn tắc, có khi ùn tắc cả tiếng đồng hồ từ ngã tư Trâu Quỳ đến ngã tư đường rẽ Lạng Sơn. Cũng khó khăn vì bây giờ tất cả lượng giao thông đều dồn vào nút này, lượng xe càng ngày càng lớn thì ùn tắc ngày càng cao, đó là khó khăn chung. Xảy ra va chạm, va quệt hàng ngày cũng nhiều, tai nạn chết người cũng có.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình hình giao thông phức tạp tại các nút giao quốc lộ 5 trên địa bàn thủ đô Hà Nội, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, bên cạnh sự chủ quan xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông thì tình hình này còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan khác mới nảy sinh trong giai đoạn hiện nay.
Điển hình là hiện tại, khu vực này đang triển khai hàng loạt các dự án, như: dự án đường 5 kéo dài, nút giao cầu Chui do Ban Quản lý Dự án hạ tầng Tả ngạn làm chủ đầu tư; dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng do Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư; Dự án cải tạo hoàn thiện các nhánh rẽ tại nút giao vành đai III – Quốc lộ 5 đi Hải Phòng do Ban QLDA Thăng Long – bộ GTVT làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang làm chủ đầu tư. Đây đều là những dự án lớn được thi công trong thời gian dài, làm cản trở giao thông và gia tăng áp lực rất lớn đến người và phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển chung của thủ đô, quận Long Biên và huyện Gia Lâm là hai địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, hàng loạt các khu đô thị mới được mọc lên như: khu đô thị Việt Hưng, khu đô thị Đặng Xá, khiến nhu cầu đi lại của người dân tăng rất nhanh trong khi hệ thống hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được. Ngoài ra, một nguyên nhân khác không thể không kể đến, đó là đặc thù khu vực có tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng chạy song song với đường bộ, trong khi tất cả các nút giao cắt giữa đường bộ với đường sắt trên tuyến này đều không có khả năng mở rộng nút giao.
Tất cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan nêu trên đã góp phần dẫn đến thực trạng ùn tắc giao thông xảy ra nghiêm trọng tại nhiều khu vực trong giờ cao điểm, đặc biệt là các nút giao đường bộ – đường sắt khi có đoàn tàu chạy qua; hay tại nút giao vành đai III – Quốc lộ 5 do chưa được hoàn thiện các nhánh rẽ.
Bên cạnh đó, trao đổi với phóng viên kênh VOV Giao thông Quốc gia, ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, một vấn đề không thể không chỉ ra, đó là việc chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể theo từng chu kỳ một, dẫn đến vỡ trận khi mật độ giao thông phát triển nhanh chóng.
Ví dụ như câu chuyện quy hoạch luồng tuyến, hiện nay phương tiện vận tải hành khách lưu thông trên Quốc lộ 5 chủ yếu là xe Hải Phòng về Hà Nội và ngược lại, bình quân 3 phút lại có một chuyến chạy trên đường. Với mật độ lớn như vậy, khi gặp các tuyến đường kết nối, ví dụ gặp đường Quốc lộ 1 đi Lạng Sơn, hay đường đi cầu Vĩnh Tuy, Cầu Chương Dương thì tất yếu xảy ra ùn tắc.
Bởi vậy, bàn về giải pháp, ông Bùi Danh Liên cho biết: Giải pháp của nó thì trên quốc lộ 5 đợi khánh thành cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Khi hạ tầng cơ sở được hoàn thiện thì ách tách sẽ giảm đi. Cái thứ 2 là quy hoạch về phương tiện tham gia giao thông về vận tải hành khách công cộng trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng cũng phải có quy hoạch nhất định, không phải ai có phương tiện cũng vào, nó quá nhiều không phù hợp với mật độ giao thông hai nơi. Ngoài ra phải có phương án tổng thể nữa là cải tạo, nâng cấp tàu xe lửa Hà Nội – Hải Phòng để giảm căng thẳng của tuyến đường này.
Ông Bùi Danh Liên cũng nhấn mạnh, tất cả các giải pháp này cần phải được thực hiện đồng bộ, có như vậy trong vài năm nữa, việc ùn tắc giao thông tại các nút giao Quốc lộ 5 nói riêng và các khu đô thị phía Bắc, phía Đông HN nói chung mới về cơ bản được giải quyết, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.
Ý kiến của chuyên gia giao thông và người dân là như vậy, còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị này đã và đang đề xuất cũng như thực hiện các giải pháp cụ thể ra sao để giảm tải áp lực giao thông cho Quốc lộ 5. Ngay sau đây, chúng tôi sẽ cùng quý vị và các bạn trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.
PV: Thưa ông, xin ông có thể đánh giá về tình hình trật tự an toàn giao thông xung quanh các nút giao với Quốc lộ 5 trong giai đoạn hiện nay?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Các vấn đề ùn tắc giao thông tại các nút giao với quốc lộ 5 trong thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp. Thời gian gần đây, trên trục đường Quốc lộ 5 với các nút giao cắt thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và một số tuyến đường nhất định.
PV: Dạ vâng, ông đánh giá như thế nào mật độ giao thông trên tuyến đường này?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Tuyến đường huyết mạch này là tuyến đường độc đạo từ Hà Nội đi Hải Phòng, Hải Dương. Chính vì vậy, trong thời gian chờ đợi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được đưa vào hoạt động trong thời gian tới thì rõ ràng hiện nay, chúng ta trông chờ chủ yếu vào tuyến đường này. Vì vậy, mật độ lưu thông trên này có nhiều phương tiện khác nhau, đặc biệt là phương tiện vận tải hàng hóa, container vận chuyển từ Hà Nội đi Hải Phòng và các tỉnh đều phải tiếp cận con đường này.
PV: Như vậy, tuyến đường này có diễn biến tình hình giao thông rất phức tạp, cũng như có nhiều vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Vậy thì biện pháp của Sở GTVT HN để đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng như kiểm soát tải trọng phương tiện trên tuyến Quốc lộ này như thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Đứng trước tính phức tạp của tuyến đường, Sở GTVT chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với liên ngành công an thành phố và chính quyền địa phương trong công tác giải tòa UNTG trong những giờ cao điểm nhất định theo quy luật thường xuyên diễn ra, đồng thời phối hợp với đường sắt để có giờ tàu chạy hợp lý và hạn chế người dân đi ngang đường sắt gây TNGT.
Ngoài ra ,trong thời gian tới,một biện pháp chúng tôi tập trung xử lý là tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý, trong đó có xử lý xe quá tải. Chúng tôi tiếp tục phối hợp triển khai tiếp quý 2/2015 và làm quyết liệt các xe quá khổ, quá tải phải làm triệt để. Mục tiêu phấn đấu của chúng tôi là cuối tháng 4 trên địa bàn không còn xe quá khổ và đến quý 2/2015 thì hiện tượng vi phạm chở quá tải trên địa bàn sẽ chấm dứt. Đấy là mục tiêu chúng tôi phấn đấu trong thời gian tới.
PV: Vậy ông đánh giá trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có gặp khó khăn gì hay không?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Những khó khăn như tôi nêu ở trên là những khó khăn khách quan, tức là các dự án liên quan đang làm dở, đặc thù tuyến đường sắt song song, ngoài ra lượng phương tiện quá khổ quá tải lưu thông thì chúng tôi đều phải có các kế hoạch phối hợp giải quyết triệt để tình trạng này trong thời gian tới, để làm sao việc đi lại của người dân giảm tối đa việc xảy ra UTGT và TNGT. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới khu trục Quốc lộ 5 Hà Nội – Hải Phòng hoàn thành sẽ giảm tải áp lực giao thông cho tuyến này. Đó là hy vọng của chúng tôi.
Xin cảm ơn những ý kiến của ông.
Theo VOV
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.