Đại diện Toyota Việt Nam cho biết thời gian qua, Toyota Việt Nam đã cố gắng nâng cao tỉ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất. |
"Toyota thu hẹp dòng xe từ 5 xuống còn 4 dòng xe" - đại diện Toyota Việt Nam cho biết như trên tại cuộc họp bàn một số giải pháp phát triển ngành ô tô do Bộ Công Thương tổ chức chiều 28-2.
Đại diện Toyota Việt Nam cho biết thời gian qua, Toyota Việt Nam đã cố gắng nâng cao tỉ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất, bao gồm nội địa hóa “tự thân” và mua linh kiện, phụ tùng các nhà cung ứng trong nước.
Tuy nhiên, với những mẫu xe hiện tại thì chi phí mua những mặt hàng mới tăng sẽ làm đội chi phí các sản phẩm xe của Toyota. Để giải quyết khó khăn này, đại diện Toyota cho biết sẽ phải thu hẹp dòng xe từ 5 xuống còn 4 dòng xe.
Hiện nay với sản lượng xe hàng năm khoảng 50.000 xe, nếu giữ được mức này thì hãng xe đến từ Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì sản xuất ở VN.
“Có thể chúng tôi sẽ thu hẹp dòng xe để tập trung vào sản xuất những dòng xe có chất lượng hơn cũng như tăng sản lượng mỗi dòng xe” - vị này chia sẻ.
Theo đại diện Toyota, từ năm 2018, xe nhập khẩu từ ASEAN sẽ về 0%, là điều tốt với thị trường nhưng với góc độ sản xuất trong nước sẽ là áp lực rất lớn. Đây là vấn đề cần được giải quyết.
“Tôi tin rằng cơ quan quản lý của VN sẽ có giải pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với dòng xe lắp ráp và nhập khẩu hợp lý để thúc đẩy DN sản xuất, phát triển bền vững” - vị này nói.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương) đánh giá giá ô tô ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực; chất lượng xe mặc dù có cải tiến nhưng không bằng xe nhập khẩu. Chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản). Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
Do đó, ông Hoài cho rằng để phát triển ngành ô tô, Bộ Công Thương đề xuất các nhóm giải pháp như tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước (khuyến khích sử dụng ô tô sản xuất trong nước).
Cùng với đó, hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị cạnh tranh; điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc nhỏ hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký;
Đặc biệt, các bộ ngành cần nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỉ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối phần giá trị tạo ra trong nước).
Đây là giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước và khuyến khích các hãng xe nâng cao tỉ lệ nội địa hóa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp, chính sách hợp lý để phát triển ngành ô tô.
Ông Hải cũng dẫn chứng thông tin giá ô tô Ấn Độ chỉ 84 triệu đồng và cho rằng đây có phải là do chính sách thuế ở nước bạn hay không? “Tại sao xe nhập từ Ấn Độ lại nhiều thế. Tôi cho rằng giá thành xe ở Ấn Độ rẻ chưa hẳn là ở thuế. Đó cũng là cái để chúng ta nghiên cứu chính sách” - ông Hải nêu quan điểm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.