Theo báo cáo tiếp thu giải trình của UBTVQH, dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội (TVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Tuy nhiên, hiện còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi (Điều 1). Theo đó, một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh này không thống nhất với quy định về độ tuổi trong các luật liên quan, như: Bộ luật hình sự, Bộ luật lao động; Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật thanh niên và sẽ làm tăng chi ngân sách Nhà nước.
Ủy ban TVQH cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ về “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác.
Theo UBTVQH, trên thực tế không phải tất cả trẻ em đều được áp dụng đồng thời các chính sách và quy định pháp luật như nhau mà được chia theo độ tuổi và các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên, về cơ bản sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không.
Thêm vào đó, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định “Trẻ em là người dưới mười tám tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”. Theo đó, tuổi trẻ em gắn với tuổi chưa thành niên do luật pháp các quốc gia quy định.
Mặt khác, Hiến pháp và các bộ luật liên quan đều quy định người từ đủ 18 tuổi (người thành niên) trở lên mới có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. Như vậy, hệ thống pháp luật nước ta đã thống nhất quy định người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên và độ tuổi này được xác định là ranh giới để phân biệt giữa người chưa trưởng thành đầy đủ (chưa thành niên) với người trưởng thành đầy đủ (thành niên).
Thường vụ Quốc hội thảo luận về các dự án luật. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Về mặt khoa học, UBTVQH cho rằng, người từ 16 đến dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, chưa hoàn thiện và chưa phát triển đầy đủ về não bộ, về thể chất, tinh thần, về nhận thức xã hội, về ý thức pháp luật, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn (người thành niên) nên cần phải được gia đình, cộng đồng, Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại, trong đó đáng quan tâm là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt từ 16 đến dưới 18 tuổi.
“Việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi sẽ không gây ảnh hưởng tới quy định của Luật thanh niên và Điều lệ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (TNCSHCM), không xung đột với độ tuổi đoàn viên thanh niên của tổ chức này, vì “trẻ em” - “người lớn” và “thanh niên” - “thiếu niên” - “nhi đồng” là hai hệ thống khái niệm độc lập”, UBTVQH cho biết.
Trước lo ngại việc tăng độ tuổi trẻ em sẽ làm tăng chi ngân sách Nhà nước, UBTVQH cho biết,theo số liệu của Tổng cục thống kê, hiện nay số người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là 4.384.472.
Do đó, khi điều chỉnh độ tuổi, 4.384.472 người này sẽ được xem là trẻ em và vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách hiện hành được quy định tại Luật thanh niên và chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt (khoảng 250.000 người) và chi phí cho công tác phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc độ tuổi này. Tuy nhiên, chi phí này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế.
Đề cập đến quyền và bổn phận của trẻ em, UBTVQH cho biết, một số ý kiến đề nghị sắp xếp lại trình tự; phân chia gọn hơn các quyền, bổn phận trẻ em; làm rõ chủ thể “Nhà nước, gia đình và xã hội” bảo đảm quyền cho trẻ em khuyết tật; chia chương II thành hai mục riêng quy định về quyền và bổn phận của trẻ em.
Ủy ban TVQH đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng kết cấu Chương II thành hai mục: Mục 1: Các quyền của trẻ em; Mục 2: Bổn phận của trẻ em và đã rà soát, chỉnh lý, sắp xếp hợp lý các quy định về quyền và bổn phận của trẻ em; bổ sung vào khoản 6 Điều 44 quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm điều kiện để trẻ em khuyết tật được giáo dục hòa nhập.
Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “bổn phận” thành cụm từ “trách nhiệm” và điều chỉnh những quy định còn chung chung về bổn phận trẻ em trong dự thảo Luật, Ủy ban TVQH cho rằng, sử dụng cụm từ “bổn phận trẻ em” là nhằm kế thừa các quy định tại Luật năm 1991, Luật năm 2004 và “bổn phận” thường là quy định mang tính định hướng để người lớn thấy được trách nhiệm của mình cần tạo điều kiện và giúp trẻ em thực hiện trong khi “trách nhiệm” thường là những quy định cứng, ràng buộc đối với người thành niên.
Theo UBTVQH, để các quy định về bổn phận trẻ em dễ thực hiện và rõ hơn trách nhiệm của người lớn, Ủy ban TVQH đã chỉnh sửa các điều luật liên quan như trong dự thảo Luật.
Nêu ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH ông Kso Phước cho rằng, cần phải giải thích rõ từ ngữ về từ “bổn phận”. Bổn phận ở đây là thế nào, nếu không làm thì có bị gì không? Về mặt quản lý nhà nước nếu các em không làm theo bộn phận này có bị gì không, gia đình, nhà trường có bị gì không? Do vậy ta phải làm rõ vì chúng ta đang luật hóa.
Theo ông Phước, bảo đảm được quyền lợi thì rất là tốt nhưng để đảm bảo các quyền đó thì không đơn giản. Do đó cần phải bổ sung, gia cố thêm trong dự thảo luật các quyền của trẻ em.
“Nhà nước không thể bao được các quyền đó nhưng nhà nước có thể ra cơ chế để hạn chế tối đa việc xâm hại quyền của trẻ em”, ông Phước nói.
Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhắc lại các nội dung đã được đặt vấn đề và thống nhất đặt tên dự thảo luật là Luật Trẻ em.
Theo Phó Chủ tịch QH, khi thảo luận, các đại biểu cũng đều thống nhất với tuổi trẻ em đến 18 tuổi và thống nhất nội dung này có thể trình ra QH. Đối với những ý kiến khác nhau thì sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện để trình ra QH tại kỳ họp tới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.