Thương vụ tiêm kích F-15 'tố cáo' quan hệ Mỹ - Qatar

Tác giả: vnreview

saosaosaosaosao
Sản phẩm 17/06/2017 13:02

Washington đang ủng hộ Doha và không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi chính trị, một quan chức Qatar cho biết.

f15_XBWH
Tiêm kích F-15 của Mỹ.

Một hợp đồng trị giá 12 tỷ USD để mua máy bay chiến đấu F-15 của Washington cho thấy, Qatar nhận được sự hỗ trợ sâu sắc từ Mỹ, Reuters dẫn lời một quan chức Qatar.

“Đây là bằng chứng cho thấy Mỹ đang sát cánh với chúng tôi và chúng tôi chưa bao giờ nghi ngờ điều đó. Sự ủng hộ của Washington đối với Doha có nguồn gốc sâu xa và không dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi chính trị”, vị quan chức giấu tên nhấn mạnh.

Thỏa thuận mua máy bay F-15 của Mỹ trị giá 12 tỷ USD được Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid bin Mohammed Al-Attiyah ký với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh chưa có hồi kết.

Nhận định trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và người đồng cấp Khalid al-Attiyah ký kết thỏa thuận mua bán tiêm kích hiện đại F-15 của Mỹ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh, bắt nguồn từ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar của loạt quốc gia thuộc thế giới Ả Rập.

Bản hợp đồng này cũng giải quyết mâu thuẫn trước đó khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lặp lại cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố như lý do các nước Ả Rập và vùng Vịnh đưa ra để “tẩy chay” nước này.

Doha từ lâu là đồng minh quan trọng của Washington. Mỹ đặt căn cứ không quân Al Udeid, được mệnh danh là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, với hơn 11.000 lính Mỹ và liên quân.

Hai tàu chiến Mỹ cũng đã cập cảng Hamad ở Qatar là một phần kế hoạch tập trận chung giữa lực lượng hải quân hai nước, hãng tin Qatar cho hay.

Hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã lên tiếng ủng hộ thương vụ giữa Mỹ và Qatar.

“Cũng giống như các nước khác, Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ai Cập… rất bình thường khi Qatar mua máy bay hoặc các thiết bị cần thiết để tự bảo vệ mình”, ông Cavusoglu phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp của Kuwait tại Kuwait, theo hãng tin nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ đầu, Thổ Nhĩ Kỳ luôn thống nhất quan điểm ủng hộ Qatar. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua dự luật cho phép triển khai binh lính tới căn cứ đồn trú của nước này tại Qatar, thể hiện sự ủng hộ với quốc gia vùng Vịnh giữa lúc bị cô lập, theo Middle East Eyes. Nước này cũng cung cấp lương thực cho Doha khi Qatar bị áp lệnh trừng phạt.

Cùng ngày hợp đồng F-15 được ký kết, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đến Doha trong một nỗ lực “hạ nhiệt” căng thẳng vùng Vịnh.

Sáng hôm nay (16/6), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi vua Salman của Ả Rập Saudi nên giải quyết khủng hoảng ở Qatar trước khi kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, theo đài phát thanh Bồ Đào Nha RTP.

Ông Erdogan kêu gọi, các quốc gia Hồi giáo không nên áp lệnh trừng phạt với quốc gia Hồi giáo “đồng bào”.

Ả Rập Saudi không nhân nhượng

Tại cuộc họp với các nước thành viên của Công ước Chicago về Hàng không Dân dụng ở Montreal (Canada) vào hôm qua (15/6), Bộ trưởng Giao thông Ả Rập Saudi Suleiman al-Hamdan tuyên bố, mâu thuẫn với Qatar là vấn đề chính trị lớn hơn các quyền do Công ước Chicago điều chỉnh và không thể giải quyết tại cơ quan hàng không của Liên Hợp Quốc.

Trước đó, tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), một cơ quan của Liên Hiệp Quốc đảm trách điều phối và điều chỉnh giao thông hàng không quốc tế theo Công ước Chicago (1944), cho biết đang xem xét yêu cầu của Qatar can thiệp vụ các nước láng giềng vùng Vịnh cấm các chuyến bay từ Qatar vào không phận của họ.

ICAO đã triệu tập cuộc họp với các bộ trưởng và các quan chức cấp cao từ Qatar, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ả Rập Saudi, Bahrain và Ai Cập tại trụ sở chính ở Montreal vào hôm qua để “tìm kiếm giải pháp dựa trên sự đồng thuận” nhằm giải quyết các mối quan tâm hiện tại ở vùng Vịnh.

Khác với thái độ của Ả Rập Saudi, đại diện của Kuwait, đất nước dẫn dắt các nỗ lực hòa giải ở vùng Vịnh, tuyên bố, cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh đã bắt đầu tan rã nhờ nỗ lực hòa giải từ quốc vương nước này.

Tờ Seyassah dẫn lời Sheikh Salem al-Ali al-Sabah, một thành viên hoàng gia kiêm lãnh đạo lực lượng Cảnh sát Quốc gia Kuwait, cho biết: “Tôi chắc chắn sẽ vượt qua cơn bão này vì lợi ích của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC)”.

Ý kiến của bạn

Bình luận