Tại Thụy Điển, những tấm biển hiệu "Không chấp nhận tiền mặt" đang ngày một phổ biến ở các cửa hàng khi người dân nơi đây ngày càng ưa chuộng hình thức thanh toán trực tuyến.
Dẫu vậy, sự chán nản quá sớm với tiền mặt của người dân nước này đang khiến chính phủ lo lắng khi việc chuyển đổi sang thị trường phi tiền mặt quá nhanh sẽ tạo gánh nặng cho hệ thống hạ tầng tài chính của nước này.
Hiện Thụy Điển đang là thị trường ít sử dụng tiền mặt nhất thế giới. Hầu hết các chi nhánh ngân hàng của nước này đã dừng nghiệp vụ rút tiền mặt trong khi nhiều cửa hàng, nhà hàng, dịch vụ chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ hay trực tuyến. Tuy nhiên, thách thức với Thụy Điển hiện nay là còn khá nhiều người cao tuổi chưa tiếp cận được với loại hình thanh toán này.
Năm 2017, tổng lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường Thụy Điển rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990 và thấp hơn 40% so với mức đỉnh năm 2007.
Khảo sát của Insight Intelligence cho thấy chỉ 25% số người Thụy Điển thanh toán tiền mặt ít nhất 1 lần/tuần năm 2017, thấp hơn 63% so với cách đây 4 năm. Trong khi đó, khoảng 36% số người dân không dùng tiền mặt hoặc chỉ dùng 1-2 lần mỗi năm.
Để đáp ứng được nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân, ngân hàng trung ương Thụy Điển đang xây dựng đề án phát hành tiền điện tử riêng, hay còn gọi E-Krona. Dẫu vậy, phương án cuối cùng được cho là sẽ chỉ được đệ trình vào cuối năm sau và hệ thống tiền ảo này sẽ được vận hành song song với tiền mặt thay vì thay thế hoàn toàn.
Thống đốc ngân hàng trung ương Thụy Điển Stefan Ingves cho biết Thụy Điển nên cân nhắc việc buộc các ngân hàng thương mại cung cấp trở lại dịch vụ rút tiền mặt cho người dân. Hiện việc sử dụng ngày càng ít tiền mặt đang khiến ngân hàng trung ương nước này đặc biệt quan tâm bởi chúng có ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.