Lực lượng cứu nạn thuộc tàu SAR 413 (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III) cứu thành công 5 thuyền viên tàu cá BTh 96297, gặp nạn ngày 1/10/2017 |
Nồi bánh chưng nấu dở
9h45 sáng 27 Tết Kỷ Hợi 2019. Thuyền trưởng Lưu Xuân Thắng cùng anh em thường trực trên tàu SAR 27-01 và khối văn phòng thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực IV (Nha Trang) đang canh nồi bánh chưng, trang trí cây mai chuẩn bị đón xuân thì nhận được tin báo khẩn cấp: tàu container VANCOUVER quốc tịch Singapore bị cháy trong hầm hàng khi đang di chuyển từ vùng biển Khánh Hòa qua Ninh Thuận. Vị trí này cách gần 70 hải lý, tính từ cảng Nha Trang.
Lệnh báo động vang lên, trên tàu có 15 thuyền viên. Trước đó, đơn vị đã giải quyết cho một số anh em ngoài Bắc được về quê và 2 người vừa lên máy bay nên không thể quay lại được. Còn lại những người bay chuyến chiều, theo yêu cầu của Thuyền trưởng đều phải huỷ chuyến, quay về tàu để lên đường đi cứu nạn.
Thuyền trưởng Lưu Xuân Thắng (tàu SAR 27-01) hỗ trợ cứu nạn hành khách bị đột quỵ trên du thuyền OCEAN DREAM |
“Trên tàu SAR 27-01 lúc đó, anh em cũng đã chuẩn bị nào mai, nào đào nhưng đành phải bỏ lại hết ở cầu cảng vì với sức gió ngoài biển sẽ không giữ được cây, nói gì đến hoa. Nhiệm vụ cấp bách, mọi người không kịp mang thêm thực phẩm ngày Tết. Bánh chưng thì chưa luộc xong, cây giò cũng chưa chín, anh em lên đường với cơ bản là số đồ khô dự trữ thường trực”, Thuyền trưởng Thắng nhớ lại.
Rất may, anh Thắng và các thuyền viên tàu SAR 27-01 ra kịp thời, phối hợp với các lực lượng cứu nạn trên biển như hải quân, cảnh sát biển nhanh chóng phun nước, khống chế không để đám cháy lan rộng, không làm ảnh hưởng đến môi trường vịnh Ninh Thuận. Quan trọng nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho toàn bộ hơn 20 thuyền viên tàu VANCOUVER.
“Sau khi chuyến cứu nạn kết thúc, lãnh đạo Trung tâm IV mới giải quyết cho anh em đón xuân muộn trong không khí đầm ấm. Khi tàu tàu SAR 27-01 về đến Nha Trang cũng đã là chiều mùng 7 Tết...”, anh Thắng xúc động.
Thuyền trưởng Lưu Xuân Thắng tham gia chuyến huấn luyện tìm kiếm cứu nạn cùng lực lượng hải quân Mỹ trên tàu bệnh viện USNS Mercy, tháng 5/2018 |
Một vụ việc khác cũng khiến anh Thắng nhớ mãi. Đó là sáng 30 Tết Bính Thân 2016, anh cùng các thuyền viên đang chuẩn bị bữa cơm tất niên thì nhận được tin một ghe cá của ngư dân hỏng chân vịt, bị gió lớn cuốn đi rồi chìm. Anh em tức tốc lên đường, 3 tiếng sau phát hiện được vị trí ghe cá gặp nạn cách cảng Nha Trang 20 hải lý. 2 ngư dân chới với giữa biển khơi sau đó đã được cứu sống.
“Chiếc ghe là tài sản lớn nhất nên khi thấy chúng tôi, họ khẩn thiết nhờ cứu ghe nhưng quả thực tình thế lúc đó chỉ có thể cứu được người. Khi đưa 2 ngư dân về đến bờ, anh em đứng ra quyên góp được một ít tiền để ra Tết họ sắm ngư cụ, tiếp tục mưu sinh”, Thuyền trưởng tàu SAR 27-01 nhớ lại.
Quê ở mãi tận Hải Phòng, anh Thắng rong ruổi theo những chuyến tàu cứu nạn, lập gia đình rồi định cư luôn tại Nha Trang để tiện công tác. 10 năm làm công tác trên tàu cứu nạn, anh chưa một lần đón Tết ở nhà. Chị Nguyễn Thị Hà Giang (vợ anh Thắng) là giáo viên, khi cùng chồng vào Nha Trang đã phải nghỉ dạy ở nhà chăm lo con cái, gia đình bởi chồng suốt ngày đi trực.
“Ngày Tết, vợ toàn phải một mình dắt con ra Bắc đón Tết với ông bà...”, giọng anh có chút bùi ngùi.
“Xông đất” cứu nạn sáng mùng 1 Tết
Thuyền trưởng tàu SAR 412 Trần Văn Thanh |
Trong câu chuyện với PV Tạp chí GTVT, anh Trần Văn Thanh, Thuyền trưởng tàu SAR 412 bảo rằng, đến bây giờ anh em thuyền viên vẫn kể lại cho nhau nghe về chuyến cứu nạn sáng mùng 1 Tết Canh Tý 2020.
“Khi đó là 13h18, tàu đang nằm tại cảng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải II ở Đà Nẵng thì nhận được tin một thuyền viên tàu Nordana Malee bất ngờ gặp tai biến. Tình thế nguy cấp, tàu đi hết tốc lực theo hướng vùng biển phía Bắc Hoàng Sa, cách Đà Nẵng gần 200 hải lý", anh Thanh nhớ lại chuyến đi.
"Sau khi tiếp nhận nạn nhân, chúng tôi lại tăng tốc quay về Đà Nẵng. Tàu cập bờ khoảng 14h ngày mùng 2 Tết. Anh em đưa thuyền viên người nước ngoài vào bệnh viện cấp cứu, giúp người này dần ổn định sức khoẻ và bình phục nhanh chóng sau đó”, Thuyền trưởng 54 tuổi kể.
Với 20 năm theo nghề cứu nạn, Tết năm nào anh Thanh cũng trực ở tàu. Anh bảo: “Tụi tôi làm nghề này không có Tết. Xác định ngay từ đầu rồi nên gia đình cũng hiểu và thông cảm. Chưa kể bản thân là thuyền trưởng nên còn phải động viên các anh em trẻ nữa chứ”.
Tiếp cận và triển khai công tác lặn tìm kiếm cứu nạn tại vị trí nghi chìm tàu HP 90364, tháng 5/2017 |
Ở tuổi 43, từng theo tàu viễn dương rồi đi dạy học ở Đại học Hàng hải và giờ là Thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR 413, anh Đinh Xuân Trường bảo rằng: “nghề chọn mình”.
Gia đình ở Vũng Tàu, anh “đầu quân” vào lực lượng cứu nạn đã được 8 năm. Hỏi về cơ duyên, anh bộc bạch: “Khi đó tôi có một vài anh em, bạn bè làm tìm kiếm cứu nạn. Trước đó, trong quá trình đi tàu viễn dương, tôi đã chứng kiến những lần lực lượng cứu nạn cứu giúp thuyền viên gặp nạn. Thấy công việc rất ý nghĩa nên tôi tìm hiểu và tham gia vào lực lượng này”.
Cũng như anh Thắng, anh Thanh, Tết năm nào anh Trường cũng trực trên tàu cứu nạn. Chị Phạm Thu Trang (vợ anh Trường) dù biết công việc của chồng vất vả, nguy hiểm nhưng vẫn động viên để anh yên tâm công tác.
Trong hành trình chở hàng trên biển, ngày 20/11/2019, tàu Đại Phát Hải 17 bị mắc cạn và chìm trên biển Vũng Tàu, 11 người trên tàu được tàu SAR 413 ứng cứu, chuyển vào bờ an toàn |
“Vợ của thuyền viên tàu SAR gặp nhiều thiệt thòi. Có khi đang chở vợ đi chơi, nhận được lệnh là chồng phải lên đường, vợ phải tự về một mình thôi”, anh cười.
Kể về chuyến đi đáng nhớ dịp Tết, anh trầm tư: "Đó là chiều 29 Tết Mậu Tuất 2018. Khi anh em thuyền viên đang chuẩn bị các công việc để đón Tết thì nhận được tin tàu cá BV98791TS đang chạy về đất liền, khi cách Côn Đảo hơn 10 hải lý thì bị lật".
“Ra đến hiện trường, sau khi cứu được 8 người, lực lượng cứu nạn đưa toàn bộ số người này (trong đó có 2 người sức khoẻ yếu) về Bà Rịa – Vũng Tàu chăm sóc, cứu chữa, đồng thời điều tàu SAR 272 ra tiếp tục tìm kiếm người mất tích. Tàu SAR 272 rời Vũng Tàu sáng 30 Tết hỗ trợ tìm kiếm thì mùng 3 Tết mới về...”, anh Trường nhớ lại.
Để những chuyến cứu nạn hiệu quả hơn
Ông Vũ Việt Hùng, Phó TGĐ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN |
Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN, trong năm 2021, có 39 lượt điều động phương tiện SAR hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển, tổng số người được cứu và hỗ trợ là 568 người (trong đó có 32 người nước ngoài) cùng 37 phương tiện.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm vẫn duy trì công tác huấn luyện thường xuyên nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển cho sỹ quan, thuyền viên tàu tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời phát huy tốt vai trò là cơ quan đầu mối phối hợp quốc tế và trực tiếp thực hiện các hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Nhưng một trong những điều khiến những người làm công tác cứu nạn trên biển trăn trở là trang thiết bị còn thiếu và yếu. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN hiện có 4 trung tâm khu vực, đảm nhận công tác tìm kiếm cứu nạn trên diện tích vùng nước, cảng biển tới hơn 1 triệu km2.
Trong khi đó, biên chế đội tàu SAR chỉ với 7 chiếc, phần nhiều được sản xuất từ những năm 2004 – 2005, tầm hoạt động dưới 300 hải lý và chỉ đi được trong điều kiện sức gió đến cấp 7 – 8. Điều này hạn chế đáng kể công tác tìm kiếm, cứu nạn.
“Trung tâm kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải VN và các cơ quan cấp trên tiếp tục hỗ trợ đóng các tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng có khả năng hoạt động xa bờ bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn viện trợ nước ngoài để trang bị tàu tìm kiếm cứu nạn mới, đáp ứng nhu cầu hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển trong thời gian tới”, ông Vũ Việt Hùng, Phó TGĐ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN đề nghị.
Video: Xuồng của lực lượng tìm kiếm cứu nạn đưa người bị nạn từ tàu cá về tàu SAR
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN cũng đề nghị Cục Hàng hải VN, Bộ GTVT tiếp tục hỗ trợ Trung tâm triển khai công tác hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn: triển khai tiếp nhận nguồn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản thuộc Phi dự án trang thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu nạn; triển khai đề xuất nguồn viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản (thông qua Đại sứ quán Nhật Bản và Tổ chức hợp tác quốc tế JICA) để đóng tàu tìm kiếm cứu nạn. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.