Ngư dân Lê Văn Chiến với những chuyến tàu ngang dọc Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ngư dân Lê Văn Chiến (51 tuổi, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đang sở hữu "bộ sưu tập" bằng khen của Thủ tướng và 3 đời Chủ tịch Đà Nẵng vì thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi.
Bằng chất giọng hào sảng, người đàn ông với làn da rám nắng kể bắt đầu gắn đời mình với nghiệp ngư dân từ khi 15 tuổi từ việc làm thuê trên tàu cá. Những chuyến biển xa luôn đối mặt với rủi ro, nhưng nghiệp biển đã vận vào người ông. Năm 1996, ông hùn vốn cùng một người bạn đóng chung tàu trị giá 75 cây vàng lúc bấy giờ. Nhờ chịu khó, 10 năm sau ông có vốn đóng tàu lưới vây 500CV.
Có được con tàu thuộc hàng lớn nhất Đà Nẵng lúc bấy giờ, ông Chiến thuê thêm nhân công, ngày ngày ngang dọc ngư trường Hoàng Sa. Con tàu vững chãi trụ được hàng chục cơn bão. 11 lao động trên tàu cá ĐNa 90351 TS của ông Chiến có thu nhập ổn định không dưới 10 triệu đồng/tháng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, trên hành trình ngang dọc Hoàng Sa, ông Chiến nhiều lần cứu bạn tàu. Người dân phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) vẫn gọi ông là "người thép" vì sự can trường, không ngại hiểm nguy cứu người.
3h một ngày giữa năm 2007, ông Chiến bật dậy khi nghe tiếng kêu cứu giữa bốn bề là biển trời tối đen như mực. Nhìn thấy ngọn lửa bốc cháy cách tàu mình 12 hải lý, ông Chiến vội hô thuyền viên nổ máy đi cứu nạn. Đến hiện trường, thuyền trưởng Chiến lệnh cho anh em bật đèn pin soi khắp mặt nước rồi nhảy xuống biển kéo những bạn tàu đang chới với sau vụ nổ bình gas.
16 người trên tàu của ông Phạm Mi Em được tàu bạn vớt lên bờ với những chấn thương như bỏng, gãy xương... Những ánh mắt thất thần vẫn hướng về phía biển, khi còn một thuyền viên nữa mất tích. Nhưng ông Chiến quyết định phải chạy ngay về bờ cứu chữa thuyền viên, để lâu nhiều người bị nguy hiểm tính mạng.
Ông Chiến bên tàu cá từng nhiều lần cứu sống bạn tàu. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Tháng 6/2014, ông Chiến cùng nhiều tàu cá khác nhận được lời đề nghị của một tàu cá bị hỏng máy, phải thả trôi ở phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa. "Tâm lý của nhiều tàu cá lúc đó không muốn ứng cứu, vì phải bỏ dở chuyến biển mà khi cứu kéo tàu bạn về bờ lại không được nhận bất cứ tiền hỗ trợ nào", ông Chiến kể.
Sau hồi suy nghĩ "tàu gặp nạn thả trôi trên biển thì số phận 12 thuyền viên đang kêu cứu sẽ đi về đâu", ông Chiến gọi anh em trên tàu mình thu dọn lưới, nổ máy trực chỉ đến tọa độ của tàu gặp nạn để lai dắt suốt quãng đường 210 hải lý về bờ. Chuyến biển đó, ông lỗ hơn 1.000 lít dầu.
Một lần cứu tàu cá của 10 ngư dân ở Hoàng Sa bị đâm chìm, ông Chiến là người hô hào các tàu cá khác quăng thuyền thúng xuống biển cứu người, rồi trực tiếp lao xuống biển để "thăm dò" xem có thể khắc phục được "vết thương" hay không, sau đó níu dây lai dắt về đất liền.
Ngư dân Chiến (thứ 2 từ trái sang) nhận danh hiệu Công dân tiêu biểu của Đà Nẵng tại lễ kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1/1/1997-1/1/2017). Ảnh: Nguyễn Đông. |
Có nhiều chuyến biển lỗ nặng vì cứu người, nhưng ông Chiến bảo chuyện đã lâu, không muốn nhắc. Được nhiều người phong là "hiệp sĩ" trên biển, ông cười hiền với triết lý giản đơn "mình giúp người hôm nay thì mai sẽ có người khác giúp lại mình".
Biển Đông là ân nhân với ông Chiến cũng như hàng chục nghìn gia đình ngư dân miền Trung. Nếm trải đủ "vị" hiểm nguy từ biển, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ. "Ngư trường Hoàng Sa là ông cha để lại, mỗi ngư dân phải có trách nhiệm bảo bề, dù khó khăn và hiểm nguy", ông tâm sự.
Trăn trở với câu chuyện phát triển nghề biển, ông Chiến đã tính chuyện đóng những chiếc tàu lớn hơn vươn khơi xa, nhưng ngày một ít người gắn bó với nghề, nhiều nhà đóng tàu mới xong không thuê được thuyền viên. Tuy vậy, ông vẫn giữ niềm tin nhiều người bỏ biển vì những cái lợi trước mắt hay nỗi sợ hãi tức thời, sau một thời gian sẽ quay về gắn bó với nghề.
"Biển giàu và hào phóng với những ngư dân chăm chỉ, có tình yêu biển thực sự. Khát vọng của tôi là cùng anh em ngư dân đoàn kết để có sức mạnh giữ ngư trường Hoàng Sa. Mình cùng nhau nắm giữ thì còn ngư trường truyền thống, nếu buông thả sẽ mất ngư trường và con cháu đời sau sẽ mất biển", ông nói.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho rằng, những người đi biển ở Đà Nẵng đều biết đến cái tên Lê Văn Chiến, vì sự dũng cảm, can trường bám biển, tận tâm cứu người. "Anh Chiến xứng đáng với danh hiệu công dân tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng", ông Lĩnh nói và cho rằng Nhà nước nên có những chính sách thiết thực hơn để động viên, sát cánh cùng ngư dân gìn giữ chủ quyền ở Hoàng Sa - Trường Sa.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.