Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trái, và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong cuộc gặp ngày 27/4. Ảnh: AFP. |
Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ngày 27/4 giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, hai bên đã liên tiếp công bố những cam kết và thỏa thuận nhằm hiện thực hóa mong muốn hòa giải và hòa bình.
Triều Tiên ngày 1/5 đã dỡ bỏ các loa phát thanh tuyên truyền dọc biên giới chống Hàn Quốc, điều mà Seoul đã thực hiện trước đó. Các hệ thống loa cỡ lớn này đã được hai bên sử dụng trong hàng chục năm qua, phát các nội dung chỉ trích lẫn nhau, một phần trong hoạt động tâm lý chiến. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố đẩy múi giờ quốc gia từ GMT+8:30 lên GMT+9 để khớp với Seoul, thể hiện tinh thần hòa hợp giữa hai quốc gia.
Triều Tiên còn dự định mời các chuyên gia của Mỹ và Hàn Quốc tới kiểm chứng việc đóng cửa điểm thử hạt nhân Punggye-ri trong tháng 5. Hai nước cũng thống nhất việc mở văn phòng liên lạc của nhau ở Seoul và Bình Nhưỡng để tăng cường giao lưu.
"Kinh nghiệm từ lịch sử trên bán đảo Triều Tiên cho thấy khi đèn đã chuyển sang màu xanh thì sẽ xuất hiện chiếc công tắc của tiến triển nhanh chóng. Nhưng vấn đề đặt ra là cả hai bên có thể duy trì nó trong vài tháng hoặc một năm hay không", chuyên gia Robert Carlin, Đại học Stanford, Mỹ, đánh giá khi trao đổi với VnExpress.
Ông Carlin cho rằng các trở ngại và bất đồng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là điều không tránh được, khiến hai bên phải đối mặt với cuộc thử nghiệm thực sự. Chuyên gia của Đại học Stanford không đánh giá tình hình hiện nay ở bán đảo Triều Tiên là lạc quan hay bi quan, khuyến cáo mọi người cần xem xét bối cảnh của từng sự kiện và thấy được xu hướng của chúng.
Cũng thể hiện sự thận trọng, ông Nah Liang Tuang, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore cho rằng ông muốn thấy Triều Tiên và Hàn Quốc có những bước đi cụ thể hơn, dù tất cả những tuyên bố mà hai bêncông bố là đáng hoan nghênh.
"Các cam kết mà hai nước đưa ra có thể dễ dàng bị đảo ngược hoặc chấm dứt nếu như quan hệ xấu đi vì bất cứ lý do gì. Chúng ta chỉ có thể thực sự lạc quan nếu có những bước đi cụ thể và không thể bị đảo ngược được thực hiện", ông Nah nêu rõ.
Theo chuyên gia của Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, những gì ông Kim Jong-un tuyên bố đến nay về phi hạt nhân hóa giống với những gì mà ông và cha ông đã tuyên bố. Thế nhưng các biện pháp phi hạt nhân hóa chưa từng được thực hiện qua ba thế hệ.
"Tôi chỉ lạc quan nếu ông Kim thực hiện các quá trình nghiêm túc như phá hủy lò phản ứng hạt nhân ở Yeongbyon hoặc các biện pháp tương tự khác", ông Nah nói.
Nhà máy hạt nhân Yongbyon ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên khoảng 90 km, là cơ sở có thể cung cấp đủ lượng plutonium để chế tạo bom hạt nhân. Đầu năm 2017, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên có thể đã tái khởi động nhà máy Yongbyon, lượng plutonium ở đây đã được dùng trong vụ thử bom hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006 cũng như các vụ thử gần đây. Hôm 7/4, Triều Tiên bị nghi khởi động việc thử lò hạt nhân mới, tiếp tục tăng năng lực của các cơ sở hạt nhân, theo Viện Khoa học và An ninh Quốc tế Mỹ (ISIS).
Theo ông Robert Carlin ở Đại học Stanford, bất cứ sự tiến triển nào trong xử lý một vấn đề có được không đơn giản chỉ dựa vào quyết định chiến lược của một bên mà dựa trên các hành động mang tính củng cố. Ông cho rằng người Triều Tiên là những người thực dụng.
"Nếu sự tiến triển đi theo cách họ nhận thấy có lợi thì họ là bên đáng tin trong việc xúc tiến. Nếu họ nghi ngờ bên kia không nghiêm túc, họ sẽ ngừng, rẽ sang hướng khác. Nếu họ là bên không nghiêm túc, sẽ có nhiều cách để chúng ta sớm nhận ra", ông Carlin nói.
Lãnh đạo Triều tiên Kim Jong-un dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Trump trong vài tuần tới. Các chuyên gia cho rằng ông Kim cần phải làm rõ hơn cam kết phi hạt nhân hóa mà ông đã nêu lên trong cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27/4.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.