Đại biểu Phạm Minh Chính. Ảnh: Quochoi |
Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến kinh phí để hoàn thành công việc nêu trên khoảng 23.000 tỷ đồng, tuy nhiên vốn để thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 mới bố trí được 5.000 tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, phương án kinh phí cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Long Thành hiện không khả thi. "Nếu làm thì Chính phủ phải giải trình lấy vốn ở đâu ra? Các cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá tác động, cân đối khả năng để thực hiện đúng tiến độ", ông nói.
Trước ý kiến nêu trên, ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban tổ chức Trung ương nói có 2 giải pháp hiệu quả để huy động vốn. Một là Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội cơ chế đặc biệt, và 2 là tiết kiệm chi thường xuyên trên cả nước.
Theo ông Chính, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, biên chế ở Việt Nam không giảm mà còn tăng, làm cho chi tiêu thường xuyên đội lên. Con số tương đối năm 2015 là 62,3%, năm 2016 là 65,7% và dự kiến năm 2017 là 64,9%; cụ thể so với năm 2015 thì năm 2016 đội lên khoảng 50.000 tỷ đồng và năm 2017 là khoảng 114.000 tỷ đồng.
Ông Chính nói, với kinh phí chi thường xuyên hiện nay, năm 2017, nếu tiết kiệm 1% là đã có trên 10.000 tỷ đồng; năm 2018, cũng tiết kiệm 1% thì có trên 10.000 tỷ đồng nữa. "Như vậy chúng ta có trên 20.000 tỷ đồng", ông nói.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, để tiết kiệm chi thường xuyên thì các cơ quan cần phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39. "Từ đó, có thể giải quyết được việc huy động vốn để giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành", ông Chính nhấn mạnh.
Bày tỏ đồng tình, đại biểu Lê Thanh Vân cho hay, tiết kiệm chi thường xuyên, giảm biên chế là một nguồn thu để giải quyết khó khăn trong lúc ngân sách nhà nước hạn hẹp.
Theo quy định hiện hành, chi thường xuyên là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.