Tìm cách gỡ khó các dự án BOT giao thông lỗ nặng

Sự kiện 20/08/2020 07:01

Trước khó khăn, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp BOT giao thông đang "khóc dòng" vì giảm thu đã kiến nghị Bộ GTVT, Thủ tướng gỡ khó.


 

8-0633
Trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy

Đồng loạt dự án BOT giảm thu

Theo số liệu của Bộ GTVT,  trong 60 dự án BOT đang khai thác do Bộ GTVT quản lý có 49 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính. Cá biệt có hai dự án có doanh thu chỉ đạt 13-15% (QL3 đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn và dự án xây dựng cầu Thái Hà trên QL39 nối hai tỉnh Hà Nam - Thái Bình) và 4 dự án chưa được thu phí hoặc đang tạm dừng thu phí một trạm (dự án QL10 đoạn tránh thị trấn Đông Hưng; dự án QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa; dự án QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy; dự án QL91 và 91B, TP Cần Thơ).

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP, Bộ GTVT), có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giảm doanh thu tại các dự án BOT giao thông. Thứ nhất, do thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016, Bộ GTVT và doanh nghiệp BOT thực hiện giảm giá vé cho các phương tiện lân cận trạm thu phí và giảm giá vé cho phương tiện nhóm 4, nhóm 5; nhưng lại chưa tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT.

Thứ hai, do hoàn cảnh thay đổi, không lường trước được khi lưu lượng xe qua trạm thu phí ở một số tuyến thấp hơn so với dự báo, trong đó có việc hình thành các tuyến đường song hành, đường ngang gần khu vực trạm thu phí dẫn đến các phương tiện tránh trạm thu phí; Sự gia tăng các phương tiện sử dụng vé tháng/quý/năm và các phương tiện qua trạm thu phí nhiều lần trong ngày…

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện tác động tiêu cực tới mọi mặt tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, các doanh nghiệp BOT bị ảnh hưởng trực tiếp do lưu lượng phương tiện giảm sâu, dẫn đến doanh thu giảm, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Nói cụ thể hơn về nguyên nhân dẫn đến giảm thu, Thượng tá Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 (đơn vị BOT thu phí trên QL 19 nối các tỉnh Miền Trung với Tây Nguyên) cho biết, sau 4 năm đưa vào thu phí, dự án BOT nâng cấp QL19 qua hai tỉnh Bình Định - Gia Lai đang trở thành gánh nặng cho nhà đầu tư Tổng công ty 36. Từ ngày 1/6/2016 đến hết quý I/2020, Tổng công ty 36 đã phải bù đắp thiếu hụt số tiền 91 tỷ đồng. Trong thời gian này, doanh nghiệp dự án cũng lỗ lũy kế 93 tỷ đồng do nguồn thu phí tại dự án không đủ trả lãi ngân hàng.

“Đặc biệt, thời gian từ tháng 2/2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của dự án giảm khoảng 40%. Nếu năm 2019, doanh thu bình quân của dự án khoảng 300 triệu đồng/ngày đêm thì những tháng qua, bình quân mỗi ngày dự án chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng”, ông Dũng chia sẻ.

Tương tự, ông Võ Nghệ Sỹ, Giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh cho biết, trước đây, mỗi ngày dự án thu phí được từ 950 triệu đồng đến 1,05 tỷ đồng thì nay giảm chỉ còn 630 - 680 triệu đồng/ngày. “Với số tiền này, sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp chỉ vừa đủ trả lãi vay ngân hàng chứ không thể trả vốn”, ông Sỹ nói.

Lý giải nguyên nhân, ông Sỹ cho biết, dự án buộc phải giảm phí cho các đối tượng xe loại 1 và loại 2 của 4 huyện thành thị gần trạm (từ 17/4/2017), số tiền hụt tương đương 150-200 triệu đồng/ngày. “Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xe vận tải ít hoạt động, hụt thu thêm 100 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, tăng trưởng về lưu lượng xe không được như kỳ vọng cũng khiến dự án lâm vào tình trạng khó khăn”, ông Sỹ nói.

Tram Bac Ninh
Nhiều trạm BOT vắng xe do bị ảnh hưởng bởi Covid-19

 Cách nào giải cứu?

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phương Nam, để “giải cứu” cho các nhà đầu tư BOT giao thông có thể lựa chọn 2 phương. Phương án thứ nhất là, Chính phủ cho phép tăng phí theo lộ trình quy định tại hợp đồng dự án từ năm 2021, cho phép nhà đầu tư được kéo dài thời gian thu phí và cơ cấu một phần khoản vay của dự án bằng với thời gian nhà đầu tư không được nâng giá vé như hợp đồng đã ký ban đầu. Tuy nhiên, phương án này sẽ khiến thời gian thu phí dự án kéo dài.

Phương án hai, Chính phủ nên cho phép cơ cấu lại các khoản vay giữa nhà đầu tư với ngân hàng, giảm lãi vay, không đưa nhà đầu tư vào nhóm nợ xấu do không trả được lãi và gốc cho ngân hàng. Cụ thể là cho nhà đầu tư ưu tiên được trả tiền gốc trước, trả lãi sau, đảm bảo cho nhà đầu tư trả hết khoản nợ ngân hàng khi dự án kết thúc. “Tôi cho rằng đây là phương án rất khả thi. Nhà đầu tư đảm bảo không bị nợ ngân hàng, dự án kết thúc sớm người dân được hưởng lợi và các tổ chức tài chính cũng thu được khoản tiền đã cho vay, không bị nợ xấu. Còn khi dự án đã vỡ phương án tài chính, khoản vay của nhà đầu tư trở thành nợ xấu thì các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng lớn”, ông Phương đề xuất.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp BOT, mới đây Bộ GTVT đã  báo cáo Chính phủ có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tập trung vào các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ, không chuyển các doanh nghiệp BOT sang nhóm nợ xấu. Giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2019 và 2020. Miễn, giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch bệnh Covid-19. Cùng đó, hỗ trợ, giảm lãi suất vay của các khoản vay đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; kiến nghị giảm từ 2-3%/năm so với hiện nay lãi suất vay đang dao động khoảng 10-11%/năm. Bố trí ngân sách Nhà nước để bù đắp phần doanh thu sụt giảm khi doanh nghiệp BOT thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Xem xét trưng mua một phần hoặc toàn bộ đối với các dự án có trạm thu phí chưa được tổ chức thu phí do không đảm bảo an ninh trật tự.

Để hạn chế việc giảm lưu lượng do phân lưu phương tiện qua trạm thu phí, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương trước khi đầu tư các tuyến đường giao thông ảnh hưởng đến các dự án BOT đã triển khai cần có sự thống nhất của Bộ GTVT và các nhà đầu tư BOT bị ảnh hưởng. Trường hợp tiếp tục đầu tư, cần tính toán bổ sung vào dự án kinh phí để bù đắp phần doanh thu thiếu hụt do ảnh hưởng của dự án.

Về mức thu phí, Bộ GTVT kiến nghị 2 phương án. Trong đó, phương án 1 cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí (khi cần thiết).

Phương án 2, giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022; Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bố trí kế hoạch vốn. Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần có giải pháp hỗ trợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Đồng thời, giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch Covid-19. Việc phương án tài chính bị ảnh hưởng là do chính sách giá khi điều hành kinh tế vĩ mô (miễn, giảm phí; chưa tăng phí theo lộ trình) và các yếu tố khách quan dẫn đến doanh thu thu phí thấp hơn doanh thu dự báo trong hợp đồng dự án.

Cùng đó kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT tính toán kinh phí Nhà nước cần thiết để hỗ trợ các dự án có doanh thu thực tế giảm trên 50% so với doanh thu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký và các dự án chưa được thu phí. Trường hợp cần thiết, đề xuất để Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cân đối kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025. Chấp thuận cho các doanh nghiệp BOT giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2019, 2020.

Ý kiến của bạn

Bình luận