Các tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long |
Sáng 13/12, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ GTVT đã có buổi làm việc với UBND Tỉnh Vĩnh Long. Đến dự buổi làm việc có ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long và đại diện các sở GTVT, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường...
Ông Trần Hoàng Tựu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu, không có biển, chưa có đường hàng không, cũng như đường sắt, đường cao tốc. Đường bộ: toàn tỉnh có 5 tuyến Quốc lộ 144km; 10 tuyến tỉnh lộ 295km; đường huyện 422km; đường đô thị 141km; đường chuyên dùng và đường khác 118km; hiện 100% xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã. Đường thủy: Tổng chiều dài 1.331km, 03 cảng hàng hóa với công suất 900.000 tấn/năm.
Những năm qua mạng lưới đường bộ ở Vĩnh Long không ngừng được xây dựng mới và cải tạo nâng cấp, bằng nhiều nguồn vốn, nhiều hình thức đầu tư, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh từng bước được xây dựng, cải tạo, sửa chữa, đã hình thành hệ thống giao thông liên hoàn, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, phù hợp với quy hoạch chung phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
Nhìn chung, các đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện, cảng được đầu tư có sự kết nối, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải các nội dung như:
Quan tâm chỉ đạo việc sửa chữa các tuyến Quốc lộ qua địa bàn tỉnh để đảm bảo lưu thông, an toàn giao thông; sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng QL.53, QL.54 qua địa bàn tỉnh và các cầu yếu trên QL.53 (cầu Ngã Tư, cầu Ông Me) nhằm khắc phục tình trạng thắt nút cổ chai trên các tuyến Quốc lộ này, góp phần phục vụ lưu thông hàng hóa và an toàn cho người tham gia giao thông. Đồng thời, xử lý các điểm ngập trên quốc lộ 1A.
Đoạn Quốc lộ 53 từ Km0+000 đến Km15+458 (từ đầu tuyến đến ngã 3 Cái Nhum) đề nghị Bộ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ chấp thuận tiếp nhận quản lý theo hiện trạng, sau đó ủy thác cho tỉnh quản lý, bảo trì, để kịp thời sửa chữa, tạo thuận lợi cho giao thông trên tuyến. Vì đoạn đường này đã thi công hoàn thành từ năm 2011 nhưng đến nay, vẫn chưa bàn giao quản lý, mặt đường đang xuống cấp, gây mất an toàn giao thông. Xem xét, cho đấu nối nút giao giữa đường cao tốc với đường Võ Văn Kiệt theo nút hoa thị kết nối các hướng với cao tốc theo quy hoạch chung của thành phố.
Kiến nghị Bộ xem xét chấp thuận chủ trương di dời cảng Vĩnh Long ra khỏi trung tâm thành phố Vĩnh Long, tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải tổ chức khảo sát, thống nhất di dời đến vị trí phù hợp và trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Năm 2018, tỉnh được bố trí 25,796 tỷ đồng từ 35% nguồn thu phí sử dụng đường bộ, để bảo trì đường bộ, nhưng được phân bổ đợt 1 là 9,886 tỷ đồng, hiện nay các dự án duy tu sửa chữa sử dụng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ năm 2018 đã cơ bản hoàn thành. Kiến nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Tài chính thống nhất phân bổ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ đợt 2 năm 2018 cho tỉnh, để thanh toán khối lượng hoàn thành. Kiến nghị Bộ xem xét chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án đường cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ và đường sắt tốc độ cao thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, nhằm giảm áp lực giao thông trên tuyến Quốc lộ 1.
Trước những kiến nghị của địa phương, Vụ kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết Bộ đã báo cáo Chính phủ về hai dự án cầu này. Hiện nay chúng ta không thể sử dụng vốn trái phiếu chính phủ để đầu tư. Nên Bộ sẽ rà soát cân đối và báo cáo thủ tướng, bố trí nguồn vốn ODA. Hiện nay tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đã phê duyệt nhằm giảm áp lực cho địa phương Vĩnh Long cũng như các tỉnh lân cận. Vấn đề ngập lụt và triều cường, Bộ đã nghiên cứu và đánh giá sơ bộ tình trạng này.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết thêm: Hiện các tuyến quốc lộ mà đơn vị đang quản lý có 6 quốc lộ với 37 điểm bị ngập. Trong đó, Quốc lộ 1 có 25 điểm (riêng Vĩnh Long có 8 điểm), Quốc lộ 53 có 8 điểm, Quốc lộ 54 có 1 điểm, QL63, QL91.... do triều cường và lũ hàng năm. Giải pháp tạm thời trước mắt, Cục IV đã tiến hành cắm cọc thủy chí trung bình 200 m/cọc bên phải mép đường bị ngập nước. Đặt biển cảnh báo phía trước đoạn ngập, bố trí nhân công điều tiết giao thông và giúp đỡ các phương tiện bị chết máy trong vùng ngập. Phối hợp với địa phương tuyên truyền thời điểm ngập trong ngày và ngày ngập trong tháng để người dân chủ động xắp xếp thời gian tham gia giao thông qua các đoạn ngập được an toàn, thuận lợi.
Cục IV cũng đã báo cáo lên Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT và giải pháp ban đầu là nâng cao độ. Nguồn vốn để xử lý tình trạng này khoảng 23 tỷ. Trong đó ưu tiên xử lý các điểm ngập nặng nhất tại Vĩnh Long với chiều cao nâng là 60cm trở lên. Cục cũng đã chủ động đánh giá các điểm ngập và phối hợp với địa phương Vĩnh Long để thực hiện. Về các điểm ùn tắc giao thông tại Phà Đình Khao, lý do chính là do lưu lượng tăng nhanh, phương tiện phà không đủ. Dự kiến khi cầu Vàm Cống xây dựng xong, sẽ điều phà 2.000 tấn sang để gánh lưu lượng cho phà này. Hiện tại mỗi ngày có đến 9.000 lượt xe đi qua, trong đó có đến 8.000 lượt là xe gắn máy.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị tỉnh Vĩnh Long phải quyết liệt chỉ đạo các ban ngành để ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông |
Sau khi lắng nghe kiến nghị của địa phương, cũng như ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, mặc dù Vĩnh Long có 5 tuyến quốc lộ, nhưng hiện nay chất lượng của tuyến quốc lộ trên địa bàn ĐBSCL đều xảy ra tình trạng chất lượng kém, nhiều đoạn ngập nặng, mặt đường xuống cấp do không có điều kiện để trùng tu mà chỉ dặm vá, duy tu...là một bất cập lớn. Hai tuyến Quốc lộ 53 và 54 nhỏ hẹp, sau khi dừng dự án BOT, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục đường bộ ưu tiên bố trí vốn để duy tu, sữa chữa khắc phục hư hỏng trên tuyến.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.