Tìm giải pháp nâng cao chất lượng công trình giao thông

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 20/12/2019 02:46

Sáng 19/12, Bộ GTVT tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng công trình giao thông. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày và thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng công tác khảo sát thiết kế các dự án giao thông; Giải pháp nâng cao chất lượng Tư vấn giám sát, Tư vấn kiểm định các dự án giao thông; Nguyên nhân và giải pháp khắc phục hư hỏng hằn lún vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa; Một số vấn đề kỹ thuật và chất lượng cần được quan tâm khi triển khai xây dựng một dự án đường cao tốc...


MJM_4365
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong thời gian qua sự phát triển của ngành gắn liền với các công trình giao thông, nhiều công trình giao thông được hoàn thành mang dấu ấn riêng. Những công trình này đưa vào khai thác hiệu quả không chỉ giúp nâng thứ hạng của ngành trong phát triển kết cấu hạ tầng mà còn đáp ứng được kết nối các vùng miền, rút ngắn thời gian đi lại, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Thời gian tới, nhiều công trình trọng diểm được triển khai thi công như Cảng hàng không Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, cảng Lạch Huyện... đặt ra nhiều thách thức đối với ngành GTVT. Do đó để có công trình đảm bảo chất lượng bên cạnh việc các cơ quan đơn vị quản lý nhà nước thực hiện đúng vai trò trách nhiệm của mình theo đúng quy định của pháp luật còn đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng các khâu từ thiết kế, chuẩn bị dự án đến công tác thi công. Tại Hội thảo này, Thứ trưởng mong các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ cùng với Bộ đưa ra các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng các công trình giao thông. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Hội thảo, tổng hợp và tham mưu cho lãnh đạo Bộ có những cải cách để nâng cao chất lượng xây dựng các công trình giao thông.

Theo ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, từ năm 2015 đến nay, ngành GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng khoảng 218 công trình, dự án; trong đó có 172 công trình (chiếm 79% số lượng công trình) là công trình cầu, đường bộ. Các công trình đưa vào khai thác đều cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế, an toàn công trình. Số lượng các công trình quy mô lớn đạt chất lượng cao ngày càng nhiều hơn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, hầm đường bộ Đèo Cả, cầu Cao Lãnh… Kết quả đạt được và kinh nghiệm đúc rút từ khối lượng lớn các dự án cầu, đường bộ đã thực hiện được trong thời gian qua chính là cơ sở, nền tảng để triển khai các dự án tiếp theo, trong đó có Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng thực hiện các dự án, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu chấn chỉnh, phê bình các đơn vị có vi phạm về tiến độ, chất lượng công trình giao thông. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, Bộ đã phê bình 138 trường hợp do có vi phạm về tiến độ, chất lượng công trình giao thông, trong đó 64 trường hợp nhà thầu thi công, 25 trường hợp tư vấn thiết kế, 28 trường hợp các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà đầu tư.

MJM_4361
Toàn cảnh Hội thảo

“Song song với các giải pháp kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, Bộ GTVT đã khuyến khích các đơn vị mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật - công nghệ tiên tiến nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng, tiết kiệm nguyên liệu góp phần giảm giá thành xây dựng. Nhiều công nghệ tiên tiến đã được sử dụng như công nghệ thi công và kiểm tra chất lượng cọc khoan nhồi đường kính lớn; công nghệ cào bóc tái chế mặt đường bê tông nhựa bằng bitum bọt và xi măng”, ông Lê Kim Thành nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng nhìn nhận hiện nay chất lượng một số công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn còn tồn tại một số hạn chế như một số công trình khi mới đưa vào khai thác sử dụng đã xuất hiện những hư hỏng cục bộ, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công tác bảo hành công trình giao thông hạn chế do một số nhà thầu còn chậm trễ trong việc thực hiện trách nhiệm bảo hành hay một số công trình trong quá trình thi công có xảy ra tình trạng  khiếm khuyết khó xử lý như nứt dầm ngang, nứt tại một số trụ, bản mặt phần cầu cạn.

Về công tác khảo sát, thiết kế các dự án giao thông, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - CTCP (TEDI) Phạm Hữu Sơn cho rằng Việt Nam là một trong 5 nước được dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu do đó mỗi công trình xây dựng thực hiện thời điểm này không chỉ cần đáp ứng những nhu cầu của hiện tại mà phải đáp ứng như cầu của mai sau, trước hết là phải đảm bảo chất lượng, cần có tầm nhìn xa hơn và nếu chưa đủ nguồn tài chính thì dừng làm còn hơn làm công trình có tuổi thọ ngắn và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong suốt quá trình khai thác, vận hành sau này.

Theo TEDI, Nhà nước cần ban hành các chính sách khuyến khích tổ chức thực hiện và có chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO ở tất cả các khâu. Các cơ quan, đơn vị cần thay đổi tư duy quản lý và tư duy thiết kế để hướng đến những giải pháp thiết kế công trình giao thông theo hướng bền vững. Đó là có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển: Tối ưu về giải pháp kinh tế - kỹ thuật; Khai thác hiệu quả công năng sử dụng công trình; Thân thiện và bảo vệ môi trường.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng để nâng cao chất lượng xây dựng công trình giao thông bên cạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến chất lượng, tiến độ công trình giao thông cần rà soát hệ thống tiêu chuẩn thiết kế, thi công và nghiệm thu, ban hành kịp thời các định mức còn thiếu về công tác thí nghiệm, định mức xây dựng cho các công nghệ mới. Ngoài ra các đại biểu cũng kiến nghị đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật - công nghệ tiến tiến nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu góp phân giảm giá thành xây dựng.  Đối với các công trình giao thông ở địa hình vùng đồi núi, ngập lụt và có tính chất kỹ thuật phức tạp cần sử dụng các giải pháp thiết kế xây dựng đột phá. Khuyến khích tổ chức thực hiện và có chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO ở tất cả các khâu từ quản lý văn phòng đến thực địa; đẩy mạnh việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chí ISO 9001-2015 tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Tăng cường công tác đấu thầu các hợp đồng tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định qua mạng; sử dụng phương pháp chấm điểm kết hợp giữa điểm kỹ thuật và giá, thay cho chọn phương pháp giá thấp nhất để đánh giá lựa chọn nhà thầu. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra công tác tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định tại các dự án, đặc biệt là các phòng thí nghiệm, các thiết bị thí nghiệm sử dụng cho công tác kiểm định. Tăng cường triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng từ thiết kế, thẩm tra, thẩm định đến triển khai xây dựng tại các dự án xây dựng công trình giao thông.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày và thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng công tác khảo sát thiết kế các dự án giao thông; Giải pháp nâng cao chất lượng Tư vấn giám sát, Tư vấn kiểm định các dự án giao thông; Nguyên nhân và giải pháp khắc phục hư hỏng hằn lún vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa; Một số vấn đề kỹ thuật và chất lượng cần được quan tâm khi triển khai xây dựng một dự án đường cao tốc; Vấn đề kỹ thuật còn tồn tại và giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng xây dựng đường cao tốc; Giải pháp tăng cường năng lực các chủ đầu tư/Ban QLDA trong quản lý dự án xây dựng công trình giao thông do Bộ GTVT quản lý...

Ý kiến của bạn

Bình luận