Tìm kiếm cứu nạn: Vị cứu tinh cho những chuyến vươn khơi

25/09/2017 06:08

Thời gian qua, tai nạn, sự cố trên biển có diễn biến phức tạp. Những người làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển luôn vượt lên những khó khăn với lòng yêu nghề, sự mẫn cán, tâm huyết, không sợ gian nguy, xả thân cứu người, coi tính mạng người dân như chính người thân của mình

 

TIM KIEM CUU NAN 1
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích trong việc cứu nạn tàu Hải Thành 26

Vượt lên sóng gió để hoàn thành nhiệm vụ

Hàng năm, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam thu nhận và xử lý từ 300 - 500 thông tin báo nạn, cứu và hỗ trợ được hàng nghìn người và hàng trăm phương tiện bị nạn trên biển. Năm 2015, Trung tâm đã cứu và hỗ trợ được 859 người bị nạn trên biển. Năm 2016, con số này là 932 người.

Điều đáng nói, trong quá trình tổ chức, điều hành hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, Trung tâm đã khẩn trương áp dụng các giải pháp tình huống cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn như tổ chức truy tìm xác tàu đắm; lặn tìm thuyền viên, người bị nạn còn mắc kẹt trong tàu; áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào thực tế hoạt động đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực vào hiệu quả hoạt động chung của Trung tâm.

Thời gian gần đây, các vụ tai nạn, sự cố hàng hải vẫn tiếp tục xảy ra, trong đó phải kể đến vụ đêm 27, rạng sáng ngày 28/3, tàu Hải Thành 26-BLC bị chìm cùng 11 thuyền viên tại vị trí 10-18N;107-45E, phía Đông mũi Vũng Tàu 45 hải lý, sóng gió cấp 6, cấp 7. Tàu Petrolimex 14 sau khi va chạm đã tiến hành tìm kiếm thuyền viên tàu Hải Thành 26-BLC, phát hiện 02 phao bè và cứu được 02 người trên phao vào lúc 7h17 ngày 28/3. Trung tâm điều động tàu SAR 413 và tàu SAR 272 rời cầu đi cứu nạn ngày 28/3/2017 đến hiện trường chỉ huy phối hợp với các lực lượng tại địa phương và một số tàu cá tìm kiếm 9 thuyền viên còn mất tích theo chương trình tìm kiếm SAROPs. Đến 9h00 ngày 01/4/2017, các tàu tại hiện trường đã tìm thấy những thi thể cuối cùng.

Gần đây nhất là vụ tàu cá HP 90364 TS cùng 4 thuyền viên bị nạn ngày 3/5/2017. Sau khi va chạm với tàu Nguyễn Nam Khánh 168 tại vị trí 20 31.660N;107-01.660E, Đông Nam Hòn Dáu, cách Hải Phòng 14 hải lý, tàu cá HP 90364 TS bị chìm sau khi va chạm, 02 thuyền viên được cứu và 02 người mất tích. Trung tâm điều động tàu SAR 273 đi cứu nạn lúc 0h30 ngày 4/5/2017 và tới hiện trường tìm kiếm lúc 3h30. Đến 3h42 tìm thấy 02 người bị nạn, thuyền viên được chăm sóc sức khỏe. Đến 19h36 ngày 4/5/2017, tàu SAR 411 tiếp tục được điều động rời cầu đi cứu nạn. Đến 16h06 ngày 5/5, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 02 thi thể thuyền viên. Tàu tìm kiếm cứu nạn đã đưa 02 thi thể cùng 02 thuyền viên sống sót về bàn giao cho các lực lượng chức năng tại cầu cảng Trung tâm lúc 18h42.

Thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp trong khi hoạt động hàng hải trên vùng biển Việt Nam ngày càng sôi động, lượng tàu thuyền hoạt động trên các tuyến vận tải quốc tế và quốc gia ngày càng lớn, các hoạt động khai thác dầu khí, du lịch dịch vụ, đánh bắt thủy sản phát triển nhanh. Đặc biệt, lực lượng tàu cá hoạt động hết sức phức tạp, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển. Trong khi đó, cơ sở vật chất, nhân lực của hệ thống tìm kiếm cứu nạn trên biển còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu thực tiễn. Trung tâm hiện có 4 trung tâm khu vực, 7 tàu tìm kiếm cứu nạn đóng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Bà Rịa - Vũng Tàu, chịu trách nhiệm phối hợp tìm kiếm cứu nạn toàn bộ vùng trách nhiệm trên biển Việt Nam với 3.260km chiều dài bờ biển, vùng biển rộng trên 01 triệu km2.

Đồng thời, cơ chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển chưa mang tính đồng bộ, thiếu sự phối hợp thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng. Ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động của Trung tâm còn hạn chế, đặc biệt là các nhiệm vụ chi như: Sửa chữa tàu tìm kiếm cứu nạn, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, đầu tư xây dựng cơ sở hậu cần.

Mặc dù khó khăn chồng chất khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ của Trung tâm luôn đoàn kết, sẻ chia, cùng nhau phấn đấu cho sự phát triển của đơn vị. Công tác tổ chức, lao động tiền lương, tài chính kế toán, quản lý kỹ thuật phương tiện được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của đơn vị. Cơ chế tiền lương và phụ cấp ưu đãi nghề đối với lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải cùng với sự điều chỉnh tăng về mức lương tối thiểu đã tăng thêm thu nhập cho cán bộ, viên chức, thuyền viên, tạo sự yên tâm công tác cho người lao động. Do vậy trong thời gian qua, Trung tâm đã đảm bảo được đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức và thuyền viên.

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ về tổ chức, chỉ đạo và điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển của cán bộ, viên chức, thuyền viên không ngừng được nâng cao. Cán bộ, viên chức, thuyền viên luôn xác định được vai trò, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong công việc, khắc phục khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Do đó, để tiếp tục làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn trong 6 tháng cuối năm và đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới, Trung tâm tiếp tục duy trì nghiêm chế độ thường trực tìm kiếm cứu nạn 24/24h, hàng ngày thường trực xử lý thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển; duy trì tốt hoạt động huấn luyện nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển cho đội ngũ trực ban và thuyền viên. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức tốt công tác huấn luyện tìm kiếm cứu nạn trên bờ, trên biển, triển khai diễn tập phối hợp thông tin với Trung tâm tìm kiếm cứu nạn nước ngoài (như Nhật Bản và Singapore); triển khai Kế hoạch chốt chặn 2017 đã được phê duyệt, đưa phương tiện chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn đến các khu vực nhạy cảm về tai nạn, sự cố trên biển để thường trực và sẵn sàng tham gia hoạt động khi có tình huống xảy ra trong mùa mưa bão.

Lực lượng tinh nhuệ nhất, chủ công trong tìm kiếm cứu nạn trên biển

Tại buổi thăm và làm việc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao việc Trung tâm đã tham gia ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn nhiều vụ việc nghiêm trọng trên biển, được quân đội, nhân dân hết sức khen ngợi. Đó là vụ cứu nạn máy bay SU 30, sau đó là vụ rơi máy bay CASA 212 và mới đây nhất là vụ cứu nạn tàu Hải Thành 26. Chính nhờ lực lượng cứu nạn hàng hải nên công tác tìm kiếm, cứu nạn rất nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm được công sức và thời gian cũng như chi phí tìm kiếm cứu nạn.

“Nhiệm vụ của lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải mang tính nhân đạo rất cao, bên cạnh đó còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn, đó là sự khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bất cứ khi nào có thông tin cần trợ giúp, cứu nạn trên biển, dù trong điều kiện khắc nghiệt ra sao, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng phải có mặt kịp thời. Đây phải là lực lượng tinh nhuệ nhất, chủ công trong tìm kiếm cứu nạn trên biển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sự mẫn cán, tâm huyết vượt lên mọi khó khăn để cứu người

Ông Nguyễn Anh Vũ Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam

Để có được những thành công bước đầu trong công tác tìm kiếm cứu nạn thời gian qua là sự mẫn cán, tâm huyết, không sợ gian nguy, vượt lên mọi khó khăn, xả thân cứu người, coi tính mạng người dân như chính người thân của mình trong công tác tìm kiếm cứu nạn. Họ yêu nghề, tinh thần quyết liệt bởi làm công tác tìm kiếm cứu nạn mà không có tinh thần quyết liệt thì không thể thành công được. Thời gian tới đây, Trung tâm tiếp tục xây dựng, củng cố về lực lượng, phương tiện, nhân lực..., đồng thời xây dựng các phương án tác chiến nhanh và hiệu quả. Nếu có lực lượng, phương tiện tốt mà không có phương án tốt thì cũng khó thành công. Phối hợp, hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ mà Trung đặt lên hàng đầu trong thời gian tới. Bên cạnh đó là các phương án tác chiến tìm kiếm cứu nạn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ở những vùng miền đặc biệt khó khăn được chúng tôi xây dựng kế hoạch cho từng tiểu vùng địa lý để chuẩn bị rất kỹ nhằm phát huy hiệu quả tốt nhất. Phương châm của Trung tâm là thường xuyên có mặt trên biển, ứng trực 24/24h, từ đó mà cường độ làm việc của anh em tăng lên rất nhiều. Chúng tôi đã mua sắm trang thiết bị đặc chủng, phương tiện được chuẩn bị sẵn sàng, con người được đào tạo, huấn luyện rất khắt khe, các phương pháp tìm kiếm cứu nạn được cập nhật liên tục của các nước tiên tiến. Với những điều kiện đó, chúng tôi tin tưởng thời gian tới đây sẽ đáp ứng tốt nhất công tác tìm kiếm cứu nạn.

Ý kiến của bạn

Bình luận