Sáng 17/4, hàng trăm người của bộ đội biên phòng, lực lượng không quân, hải quân, đặc công, ngư dân… tích cực tìm kiếm tại vị trí hai tiêm kích Su-22 rơi xuống biển.
Đến 15h30, đặc công nước sau nhiều giờ lặn xuống đáy biển đã phát hiện một mảnh vỡ được nghi là đuôi của Su-22. “Vị trí nơi phát hiện có độ sâu chừng 33 mét, cách phía tây nam đảo Đá Bé một hải lý. Lực lượng tìm kiếm đã đánh dấu phao để tiến hành trục vớt trong sáng nay”, một lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tham gia công tác tìm kiếm cho biết.
Đến 16h02, các lực lượng tìm kiếm tiếp tục phát hiện được một động cơ máy bay và một cánh máy bay của chiếc Su -22 gặp nạn thuộc vùng biển Bình Thuận.
Sáng sớm ngày hôm nay (18/4), ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, lực lượng cứu hộ mới phát hiện thêm một ống phóng tên lửa nghi của một trong hai chiếc máy bay Su-22 đang mất tích.
Song song với việc trục vớt các mảnh vỡ tiêm kích Su-22, lực lượng chức năng đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm tung tích của hai phi công. Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, phạm vi tìm kiếm các phi công sẽ không khoanh vùng mà được mở rộng. Trong hai ngày qua, rất nhiều khả năng đã được tính đến. Trong đó, không loại trừ khả năng các phi công đã thoát khỏi máy bay khi gặp nạn, dù đã kịp bung ra và bị gió thổi ra xa, nằm ngoài khu vực tìm kiếm. Với những trang bị hiện đại của các tàu và hàng trăm tàu cá ngư dân tại hiện trường, việc này không quá khó khăn.
Mặt khác, lực lượng chức năng cũng xác định có một dòng hoàn lưu chảy từ Lý Sơn xuống đảo Hòn Hải rồi chạy ra ngoài. Vì vậy, vùng quan sát và tìm kiếm phi công sẽ được mở rộng hơn. ”Chúng ta tìm được cái gì sẽ trục vớt cái đó, song có hai phần quan trọng hi vọng sẽ tìm thấy là đầu máy bay và ghế phi công. Tìm được đầu máy bay thì sẽ có hộp đen để tìm được nguyên nhân vụ tai nạn. Còn ghế máy bay sẽ cho biết tình trạng phi công lúc bấy giờ”, lãnh đạo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn nói.
MP (T.hợp)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.