Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia |
PV: Sau gần 5 năm Việt Nam triển khai thực hiện Thập kỷ hành động ATGT đường bộ toàn cầu do Liên hợp quốc phát động, xin ông cho biết những kết quả bước đầu?
Ông Khuất Việt Hùng:Hiện nay, Ủy ban ATGT Quốc gia chưa có đánh giá chính thức, nhưng qua theo dõi và tổ chức thực hiện bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT đã giảm theo các năm. Chỉ tính riêng trong năm 2014, cả nước đã xảy ra 25.000 vụ TNGT, làm chết gần 9.000 người, bị thương trên 24.000 người; so với năm 2013 giảm trên 4.000 vụ, giảm trên 370 người chết và trên 5.000 người bị thương. Tính đến hết tháng 8/2015, TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương.Đây là kết quả, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT, nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ.
Mục tiêu của Thập kỷ hành động ATGT đường bộ toàn cầu là kéo giảm TNGT đường bộ, nhưng ở Việt Nam, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 18, Quốc hội đưa mục tiêu kéo giảm TNGT vào những nội dung giám sát hàng năm, Chính phủ cử Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, cùng các bộ, ngành làm ủy viên Ủy ban. Tại các địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND làm trưởng Ban ATGT…
Điều đặc biệt là mỗi năm, chúng ta thực hiện một chủ đề như năm 2012 là “Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông”, năm 2013 là “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, năm 2014 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” và năm 2015 là “Tiếp tục siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
PV: Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Ông Khuất Việt Hùng: Gốc của vận tải là an toàn, muốn có được an toàn thì đòi hỏi phải có nhiều yếu tố từ hạ tầng giao thông tốt, biển báo, chỉ dẫn hợp lý, ý thức và kỹ năng tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện… Năm 2014 là năm đầu tiên thực hiện chủ đề này và là những bước đầu tiên các nội dung liên quan và hoàn thiện nền tảng cơ sở pháp lý, quy định pháp luật và ban hành các văn bản kinh doanh vận tải.
Năm 2015 là năm tiếp tục thực hiện chủ đề siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện và đưa lên mức độ cao hơn. Chúng ta đẩy mạnh siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa, triển khai Nghị định 86/CP, trong đó đẩy mạnh sử dụng thiết bị giám sát hành trình. Trong công tác siết chặt quản lý kinh doanh vận tải hành khách thì việc tái cấu trúc và hiện đại hóa kinh doanh vận tải hành khách đường sắt, tái cấu trúc trong vấn đề đẩy mạnh phát triển vận tải hàng không, đặc biệt là hàng không giá rẻ thì đã điều chỉnh lại toàn bộ cơ cấu thị trường để những chuyến đi dài được đảm nhận bởi những phương thức vận tải hành khách công cộng ưu việt hơn, an toàn hơn… Đồng thời, xuất hiện nhiều phương tiện vận tải mới với chất lượng phương tiện tốt hơn và không quá tải và giúp cho tình hình TTATGT, kết cấu hạ tầng được đảm bảo tốt hơn.
Nhìn vào đó có thể thấy, chúng ta kiểm tra, kiểm soát cũng như ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải, tôi có thể khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia đi tiên phong (ngoại trừ Singapore vì họ chủ yếu là đường sắt đô thị) trong khu vực Đông Nam Á trong việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ. Việc tái cơ cấu vận tải hàng hóa gắn chặt với công tác kiểm soát tải trọng xe và tạo ra cú hích để điều chỉnh lại thị trường vận tải. Hàng hóa đã được vận tải trên những tuyến vận tải ven biển, đường thủy, đường sắt tăng trưởng, qua đó giảm bớt áp lực cho vận tải đường bộ. Thực tế, việc KSTTX được đẩy mạnh đã làm tăng số lượng phương tiện vận tải, tổng sản lượng vận tải vẫn tăng trưởng, TNGT giảm. Trong 9 tháng đầu năm, công tác thanh, kiểm tra đã đi vào chiều sâu, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách và tình trạng nhồi nhét khách đã giảm rất nhiều.
PV: Trên 80% TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy song nhiều ý kiến cho rằng năm nay chúng ta tiếp tục siết chặt kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện?
Ông Khuất Việt Hùng: Vì chủ đề này tạo ra sự lan tỏa về niềm tin trong nhân dân đối với quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo TTATGT. Để thực hiện tốt chủ đề của năm, không đơn thuần là những giải pháp về mặt kỹ thuật, ứng dụng KHCN. Năm 2014, lực lượng chức năng chỉ thực hiện cân kiểm soát tải trọng xe trên đường nhưng năm nay đã đi vào tận gốc (những nơi là đầu mối hàng hóa được bốc xếp lên xe). Sự xuất hiện của các lãnh đạo cao nhất địa phương tấn công vào những đầu mối đã tạo ra sự chuyển biến tích cực cụ thể với kết quả đáng mừng. Hiện nay, xe quá tải vẫn còn nhưng đã giảm rất sâu. Kinh doanh vận tải là hoạt động với số lượng phương tiện ít nhưng mạng lưới lợi ích chằng chịt nên việc tập trung xử lý vào mục tiêu này sẽ giúp tạo niềm tin về vận tải công cộng ngày càng tốt để người dân sử dụng vận tải công cộng và giảm thiểu số lượng xe cá nhân. Ngoài ra, việc tấn công vào nhóm lợi ích sẽ thể hiện quyết tâm chống tiêu cực trong lực lượng thực thi nhiệm vụ. Khi người dân tin thì mọi thứ sẽ chuyển biến. Đó là lý do tại sao lại chọn chủ đề năm để tạo sự chuyển biến chung về TTATGT. Khi thực hiện tốt chủ đề của năm đã tạo ra sự lan tỏa trong việc thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo ATGT khác như kiểm soát nồng độ cồn, đội MBH. Ngoài việc bảo vệ và đưa hàng loạt các công trình kết cấu hạ tầng giao thông vào khai thác thì cũng triển khai quyết liệt việc điều chỉnh tổ chức giao thông, biển báo phù hợp, vạch kẻ đường phân làn hợp lý, hộ lan, cảnh báo, biển cấm xe ở những nơi có nguy cơ mất an toàn…
Lực lượng TTGT cắt thùng xe vi phạm tại Ninh Bình. Ảnh K.H |
PV: Vậy, Ủy ban ATGT Quốc gia đề ra nhiệm vụ trọng tâm gì để tiếp tục kéo giảm TNGT khi cao điểm cuối năm cận kề thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Để thực hiện tốt mục tiêu của năm, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tập trung các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật TTATGT cho học sinh, sinh viên ngay từ đầu năm học; siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải và KSTTX, xử lý nghiêm các vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải…
Các bộ, ngành khẩn trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT như sửa đổi Nghị định 107/2014/NĐ-CP, chế độ phụ cấp cho lực lượng tham gia trạm KSTTX lưu động. Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn như chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường, uống rượu bia điều khiển phương tiện; không đội mũ bảo hiểm…, tập trung kiểm tra và xử phạt đối tượng lái xe khách, xe công-ten-nơ vi phạm; học sinh chưa đủ tuổi, không có GPLX điều khiển xe mô tô, học sinh ngồi sau xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; tăng cường áp dụng biện pháp xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh thông qua hệ thống camera giám sát. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai công tác giáo dục kiến thức ATGT đối với học sinh, sinh viên ngay từ đầu năm học; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các sở Giáo dục và Đào tạo, hệ thống trường đại học, cao đẳng tổ chức cho học sinh ký và tổ chức giám sát thực hiện cam kết về nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật an toàn giao thông, học sinh ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm; học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe mô tô không được điều khiển xe…
PV: Xin cảm ơn ông!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.