Theo tờ trình, thành phố Sầm Sơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ 44,94 km2 diện tích tự nhiên, 150.902 người và 11 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Sầm Sơn (sau khi thành lập 4 phường nói trên).
Thuyết minh sự cần thiết, Chính phủ nêu rõ, trong những năm qua, thị xã Sầm Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm giai đoạn 2014 - 2016 đạt 18,27%; tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2016 đạt 2.569 tỷ đồng.
Hiện nay nhiều dự án trọng điểm được xây dựng và đưa vào sử dụng như: đường Lý Tự Trọng, quốc lộ 47, đường Hồ Xuân Hương (giai đoạn 1), đại lộ Nam Sông Mã, đại lộ Voi - Sầm Sơn, các tuyến đường theo hướng Đông - Tây khu vực nội thị, sân golfvà khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC (giai đoạn 1)...
Đặc biệt, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn được cho là dự án đóng góp đắc lực vào tăng trưởng kinh tế của thị xã, là một trong những yếu tố chủ chốt giúp đưa Sầm Sơn lên thành phố, theo ông Ngô Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. “Phải khẳng định, nếu không có dự án FLC Sầm Sơn và sự đầu tư của Tập đoàn FLC, Sầm Sơn không thể trở thành thành phố”, ông Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh trong khuôn khổ một buổi tọa đàm diễn ra vào tháng Tư vừa qua.
Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với vùng đất xinh đẹp Sầm Sơn, dự án do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư còn kéo giá đất nền tại Sầm Sơn tăng mạnh gấp nhiều lần trong vòng hai năm trở lại đây, hiện là vài chục triệu đồng/m2, mang lợi nhuận cho các nhà đầu tư thông thái, theo thông tin Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cung cấp.
Hiện nay, thị xã đang tiếp tục thực hiện các dự án như khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC (giai đoạn 2), quốc lộ 47 kéo dài, tuyến đường bộ ven biển, dự án đê kè biển chống sạt lở, khu đô thị sinh thái hai bên bờ sông Đơ.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030 cũng đã định hướng xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch quốc gia. Thị xã Sầm Sơn cũng được quy hoạch là thành phố thuộc tỉnh đến năm 2020.
Sau khi thành lập 4 phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh, thị xã Sầm Sơn sẽ đạt đủ 4/4 tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh. Gồm quy mô dân số, loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ khẳng định, việc thành lập 4 phường và thành phố Sầm Sơn không làm tăng tổ chức, biên chế cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã do tỉnh Thanh Hóa quản lý. Ước tính nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 cho Sầm Sơn khoảng 12.819,32 tỷ đồng.
Trong đó, vốn từ ngân sách Trung ương là 332,5 tỷ đồng (chiếm 2,6%); từ ngân sách địa phương là 2.145,04 tỷ đồng (chiếm 16,72%); vốn từ doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác 10.341,78 tỷ đồng (chiếm 80,68%).
Thẩm tra đề án của Chính phủ, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với đề án và khẳng định việc thành lập 4 phường và thành phố Sầm Sơn đã đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành.
Nghị quyết thành lập 4 phường và thành phố Sầm Sơn đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày ký.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.