Tổ chức Công đoàn: Nơi gửi gắm niềm tin của người lao động

Tác giả: Cao Hà

saosaosaosaosao
01/08/2019 16:12

Như một tất yếu của lịch sử, sự ra đời của Công đoàn Cách mạng Việt Nam có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời cũng là chỗ dựa vững chắc, niềm tin của người lao động.

 

194809-cong-doan-gtvt-trao-qua-benh-vien-gtvt

Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt trao quà, động viên lãnh đạo, y bác sĩ, nhân viên Bệnh viện GTVT đã nỗ lực trong chiến dịch điều trị, phòng chống dịch sốt xuất huyết

Tự hào truyền thống lịch sử

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển (28/7/1929 - 28/7/2019), được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Công đoàn luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, đồng hành với dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Truyền thống vẻ vang 90 năm thành lập và trưởng thành của Công đoàn Việt Nam không thể không ghi nhận sự đóng góp to lớn của Công đoàn GTVT Việt Nam. Với hơn 50 năm truyền thống “Đi trước mở đường”, Công đoàn GTVT Việt Nam là ngọn cờ tiên phong, tập hợp hàng vạn CNVC, lao động ngành GTVT, phát huy tinh thần xung kích đi đầu trên khắp các mặt trận, lĩnh vực, góp phần vào chiến thắng giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước.

Ôn lại lịch sử hào hùng, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt cho biết, trong thời điểm quan trọng của đất nước, để có một tổ chức mạnh, thống nhất trong toàn Ngành, ngày 18/11/1966, Ban Thư ký (nay là Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã quyết định thành lập Công đoàn GTVT Việt Nam.

Ngay sau khi ra đời, bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy GTVT Trung ương và Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn GTVT Việt Nam đã vận động đông đảo cán bộ đoàn viên, CNVC, lao động thi đua lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu với tinh thần: “Địch phá ta sửa ta đi, địch phá ta cứ đi!”, “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, “Gãy cầu như gãy xương - đứt cầu như đứt ruột”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”... 

“Dưới mưa bom bão đạn, CB, CNVC, lao động ngành GTVT cùng với các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân cả nước “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; hàng vạn đồng chí đã hy sinh trên chiến trường với những địa danh máu lửa như Hàm Rồng, Truông Bồn, Đồng Lộc, Phà Long Đại..., viết lên những bản hùng ca bất hủ góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975”, ông Đỗ Nga Việt chia sẻ.

Luôn hướng về người lao động

Trong thời chiến là vậy, đến khi đất nước thống nhất, Công đoàn GTVT Việt Nam đã kịp thời chuyển mục tiêu thi đua, động viên CNV, người lao động toàn Ngành phát huy truyền thống dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong kháng chiến, khôi phục sửa chữa lại hệ thống GTVT vốn đã lạc hậu lại bị tàn phá bởi chiến tranh và thiên tai.

Tiếp đó, Công đoàn GTVT Việt Nam đã có những chuyển biến lớn, đổi mới toàn diện về nội dung, phương pháp hoạt động phù hợp với đặc thù từng ngành, nghề trong giai đoạn đất nước hội nhập. Từ đó, các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được duy trì và trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động của Ngành, đơn vị. Nhiều Công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Phong trào lao động sáng tạo được duy trì và phát triển về chiều sâu ở các ngành nghề mũi nhọn như: Cơ khí, đóng tàu, xây dựng cầu đường và ở các viện nghiên cứu, trường đào tạo. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước được nghiên cứu và ứng dụng đã góp phần tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Ngành.

Thực tế cho thấy, những năm tới đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tác động trực tiếp tới phong trào CNVC, lao động và hoạt động của tổ chức Công đoàn, trong đó có Công đoàn GTVT Việt Nam. Đời sống, việc làm của một bộ phận người lao động còn gặp nhiều khó khăn, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ngày càng phức tạp, tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng quyết liệt, điều kiện hoạt động, mô hình tổ chức, kinh phí của tổ chức công đoàn sẽ có nhiều sự thay đổi đang là những thách thức lớn đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thực sự là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt nhìn nhận, bảo vệ, chăm lo cho người lao động là chức năng, nhiệm vụ nhưng đồng thời phải xác định đó là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Vì vậy, các chương trình hoạt động công đoàn phải hướng tới người lao động bằng các việc làm cụ thể, thiết thực, đặc biệt là hỗ trợ, chia sẻ kịp thời với người lao động lúc khó khăn.

“Nhiều đơn vị sau cổ phần hóa, thoái vốn dẫn đến việc làm khó khăn nên không đóng góp được hoặc đóng góp ít vào Quỹ Xã hội - Từ thiện, từ đó “ngại” đề nghị Quỹ hỗ trợ cho người lao động. Có đơn vị lại cho rằng, năm trước đã được hỗ trợ rồi nên năm sau không đề nghị tiếp nữa mặc dù khó khăn của người lao động vẫn còn đó. Đơn vị càng khó khăn, Công đoàn càng phải quan tâm đến người lao động bằng việc làm thiết thực. Số tiền hỗ trợ tuy nhỏ nhưng đây là tấm lòng, sự sẻ chia của CB, CNVC toàn Ngành”, ông Đỗ Nga Việt bộc bạch

Trong năm 2018, Quỹ Xã hội - Từ thiện Công đoàn GTVT Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ CNVC, lao động, cựu thanh niên xung phong mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Cụ thể, Quỹ đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 7 nhà “Mái ấm Công đoàn”; thăm, hỗ trợ, tặng quà 117 tập thể, 924 lượt CNVC, lao động trong Ngành mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; thăm công nhân lao động bị tai nạn lao động TNGT; trao học bổng và hỗ trợ cho 20 sinh viên trong Ngành có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích xuất sắc trong học tập nhân dịp năm học mới 2018 - 2019; thăm và hỗ trợ nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang... bị thiệt hại do mưa lũ với số tiền 1,1 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng 10 nhà tình nghĩa, thăm và tặng quà 641 cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp kỷ niệm ngày Lực lượng Thanh niên xung phong 15/7/2018 và ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7/2018, Tết Nguyên đán... với số tiền 925 triệu đồng. Tổng số tiền chi cho các hoạt động trên là 5,449 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận