Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan) mở phiên tòa vào tháng 10-2016. Ảnh: Greenpeace |
Ngày 18-4 (giờ địa phương), bà Françoise Tulkens - chủ tọa tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan), đã công bố kiến nghị tham vấn dày 60 trang kết luận tập đoàn Monsanto đã vi phạm nhân quyền.
Monsanto kinh doanh các sản phẩm độc hại làm hàng ngàn người thiệt mạng như hoạt chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup hay hóa chất 2,4,5-trichlorophenoxyacetic acid trong chất độc da cam được máy bay quân đội Mỹ rải trong chiến tranh Việt Nam.
Tòa án quốc tế về Monsanto là phiên tòa công dân nhằm đánh động dư luận và thúc đẩy thực thi pháp luật. Trong phiên tòa từ ngày 16-10 đến 18-10-2016, năm thẩm phán chuyên nghiệp từ Argentina, Bỉ, Canada, Mexico và Senegal đã lắng nghe khoảng 30 nhân chứng, chuyên gia, luật sư và các nạn nhân.
Sáu vấn đề đã được đặt ra tại phiên tòa. Đối với bốn vấn đề về tôn trọng các quyền về môi trường lành mạnh, lương thực, y tế và tự do nghiên cứu khoa học, kiến nghị tham vấn công bố hôm 18-4 đánh giá Monsanto đã vi phạm các quy định và xâm phạm các quyền cơ bản.
Các thẩm phán đánh giá rằng Monsanto đã tiến hành các hoạt động gây tác hại đến môi trường, ảnh hưởng đến các quyền của các dân tộc bản địa và các cộng đồng địa phương.
Đặc biệt là hoạt động thương mại đối với giống biến đổi gien gây ảnh hưởng đến các quyền về lương thực và y tế vì đã ép buộc nông dân phải chấp nhận các phương thức canh tác không tôn trọng lối canh tác truyền thống.
Hoạt động của Monsanto cũng làm phương hại các quyền tự do nghiên cứu khoa học, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin.
Đối với hai vấn đề còn lại, kiến nghị tham vấn tỏ thái độ dè dặt. Về hành vi đồng phạm gây tội ác chiến tranh của Monsanto, các thẩm phán nhận xét không đủ khả năng đưa ra kết luận.
Dù vậy, các thẩm phán xác nhận Monsanto đã hủy diệt môi trường và gây thiệt hại cho người dân Việt Nam.
Các thẩm phán giả định Monsanto đã cung cấp phương tiện để tham chiến ở Việt Nam, Monsanto đã biết về việc sử dụng sản phẩm độc hại và có thông tin về tác hại của sản phẩm độc hại đối với sức khỏe và môi trường.
Về vấn đề này, kiến nghị tham vấn đề nghị có thể xúc tiến quy trình tố tụng dân sự và theo đó, các thẩm phán có thể cho ý kiến về hoạt động hủy diệt sinh thái ở Việt Nam căn cứ Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế.
Cuối cùng, đối với tội ác hủy diệt môi trường, kiến nghị tham vấn kết luận Monsanto phải chịu trách nhiệm.
Các thẩm phán đánh giá đã đến lúc đề nghị thiết lập một khái niệm pháp lý mới về tội ác hủy diệt môi trường và sửa đổi vấn đề này trong Quy chế Rome. Đó là quy trách nhiệm cho chủ thể doanh nghiệp (pháp nhân) trong tội ác hủy diệt môi trường vì lâu nay chỉ có cá nhân được xem là chủ thể chịu trách nhiệm (thể nhân).
Kiến nghị tham vấn công bố ngày 18-4 được xem như kết luận cuối cùng của tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye. Do đây là phiên tòa công dân nên về mặt pháp lý, kiến nghị tham vấn không có giá trị ràng buộc.
Hồi tháng 10-2016, Monsanto tuyên bố tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên Monsanto không thừa nhận kết luận phiên tòa.
Chủ tọa phiên tòa Françoise Tulkens, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân quyền châu Âu, đánh giá rằng cho dù Monsanto từ chối đến dự phiên tòa theo lời mời của bà, kiến nghị tham vấn vừa công bố vẫn giữ nguyên giá trị.
"Tôi hy vọng kiến nghị tham vấn này sẽ thúc đẩy công lý quốc tế." Chủ tọa phiên tòa Françoise Tulkens |
Trao đổi với báo Le Monde, bà giải thích: “Đây là bản án về pháp luật, không có phiên tòa với hai bên đối đầu nhau, tuy nhiên chúng tôi đã đưa ra kết luận dựa theo nhiều báo cáo và chứng cứ được thừa nhận”.
Bà nhận xét kiến nghị tham vấn đã đưa ra khái niệm mới về tội ác hủy diệt môi trường và sẽ giúp các nước tôn trọng các quyền cơ bản tốt hơn nữa. Ngoài ra, các nạn nhân của Monsanto cũng có thể sử dụng các luận điểm pháp lý trong kiến nghị tham vấn để kiện Monsanto. Kiến nghị tham vấn sẽ được chuyển đến LHQ, Tòa án Hình sự quốc tế, Ủy ban Nhân quyền LHQ và Monsanto.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.