Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN chia sẻ tại Tọa đàm |
Sức mạnh của công nghệ tiên phong
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, sự kết nối trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ công nghệ tiên phong như Blockchain, AI, 5G,... Theo khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của Statista năm 2020, Việt Nam đứng thứ 2 về về mức độ phổ biến blockchain, điều đó cho thấy khả năng tiếp cận và quan tâm tới công nghệ của thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn cạnh tranh được với quốc tế, và với sự quyết tâm, đầu tư hợp lý Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển nhiều lĩnh vực công nghệ mang tính dẫn dắt.
Để chủ động tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ thông qua các chủ trương, chính sách như Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025.
Gần đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Cùng với sự thúc đẩy từ Chính phủ, các công nghệ tiên phong còn nhận được sự đóng góp về trí tuệ, kinh nghiệm, sự dẫn dắt và truyền cảm hứng của các chuyên gia công nghệ có khả năng thiết kế những sản phẩm có tính cạnh tranh tầm thế giới. Thị trường, nguồn nhân lực chất lượng cao cùng chính sách tạo điều kiện của chính phủ, tận dụng tốt lợi thế đang có, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm công nghệ mới của khu vực.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia chia sẻ: “Việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến là chìa khóa rất quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kể cả GDP và chuyển dịch kinh tế từ những ngành có giá trị thấp đến những ngành có giá trị cao”.
“Việc ứng dụng những công nghệ mới như AI, 5G, IoT,... sẽ giúp các quốc gia chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế sáng tạo. Việt Nam là quốc gia thứ 3 mà Qualcomm lựa chọn để tổ chức chương trình giải pháp sáng tạo cho các startup trong lĩnh vực công nghệ vì chúng tôi nhìn thấy tiềm năng và năng lực của các người làm công nghệ tại Việt Nam”, ông Thiều Phương Nam khẳng định.
Đồng quan điểm này, ông Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo VinAI nhấn mạnh: “AI đã thay đổi rất nhiều trong cách thức con người giao tiếp với nhau. Tôi tin rằng với sự phát triển của Việt Nam cũng như những tiềm năng con người, tổ chức con người Việt Nam; tiềm năng của AI sẽ rất lớn trong thời gian tới”.
Ông Thức Vũ - CEO & Founder RedFOX Labs khẳng định khát vọng tạo ra sản phẩm "Made in Vietnam", đặt dấu ấn công nghệ trên bản đồ thế giới. Hiện sản phẩm robot của OhmniLabs được nhiều kỹ sư từ Việt Nam chung sức phát triển. Robot có thể giao tiếp từ xa, mọi lúc mọi nơi, trong gia đình, bệnh viện, trường học... Robot có thể di chuyển trong nhà, đưa hình ảnh đến người cần kết nối tạo ra cách liên lạc như hai người đang trò chuyện trực tiếp. Trong lĩnh vực y tế, robot kết nối bệnh nhân với bác sỹ, gia đình trong dịch Covid-19.
Đồng quan điểm, TS Hùng Trần, CEO Got It cho rằng thời điểm này chính là giai đoạn chín muồi của một số công nghệ, các công ty nên tận dụng. Muốn làm thế, doanh nghiệp cần hiểu thị trường, nắm chắc công nghệ, đầu tư lớn để biến công nghệ lõi thành sản phẩm dịch vụ. "Đại dịch Covid-19 khiến chúng ta phải làm mới nhiều thứ, đây là thời điểm thể hiện mình có khả năng hay không", ông Hùng nói.
Truyền thông thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tiên phong
Trong những năm gần đây, công tác truyền thông khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã có những bước tiến vượt bậc, ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng, góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới. Qua các kênh truyền thông, nhiều thông tin về vai trò, vị trí, đóng góp của KH,CN&ĐMST để công chúng nhận thức rõ hơn về tính chất quyết định phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả của sản phẩm, hàng hóa và của cả nền kinh tế. Truyền thông góp phần tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của toàn xã hội, biến thành hành động; đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng KH&CN vào công tác quản lý, sản xuất và đời sống.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về KH,CN&ĐMST có nhiều đổi mới, được triển khai với nhiều nội dung đa dạng, thiết thực qua nhiều hình thức phong phú, sinh động như: truyền thông số, truyền thông hội tụ,… đóng góp quan trọng vào những kết quả đạt được của Bộ và của ngành KH&CN. Đồng thời cung cấp thông tin KH&CN phục vụ quản lý nhà nước, nghiên cứu, triển khai, sản xuất và đời sống... làm cơ sở đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KH,CN&ĐMST; phát hiện, tuyên truyền rộng rãi, kịp thời những nhân tố điển hình, mô hình hiệu quả, đơn vị có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực KH&CN... Nhằm đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN- Bộ KH&CN đã và đang xây dựng Đề án “Đẩy mạnh hoạt động truyền thông khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2025” góp phần thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động này.
Nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tiên phong và hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, ngoài sự nỗ lực thúc đẩy từ Chính phủ, Bộ, ngành thì cần có sự chung tay và hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông để thúc đẩy sự lan tỏa và vinh danh sự đóng góp tích cực của các điển hình chuyên gia, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ đóng góp cho sự phát triển quốc gia.
Câu chuyện giữa truyền thông và công nghệ tiên phong đã được nhìn nhận, chia sẻ và khai thác tại Tọa đàm Phá băng với chủ đề “Ứng xử của truyền thông với công nghệ tiên phong”. Các tập đoàn công nghệ, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng chuyên gia truyền thông cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghệ mới, cơ hội thách thức của công nghệ tiên phong ở Việt Nam và chiến lược truyền thông phù hợp để truyền thông và công nghệ cùng song hành trong giai đoạn tới nhằm thu hút và vinh danh các chuyên gia công nghệ có khả năng thiết kế những sản phẩm có tính cạnh tranh tầm thế giới. Đại diện các bên cũng đề xuất cách tiếp cận, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng chiến lược truyền thông hiệu quả cho tập đoàn và startup công nghệ tiên phong trước xu thế phát triển của thị trường công nghệ mới.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 09/2/2021 nhằm mở rộng Đề án 844 và tăng cường chiều sâu hệ sinh thái. Trong mục tiêu xây dựng mạng lưới kết nối hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, truyền thông có vai trò hết sức quan trọng vừa nâng cao nhận thức, xây dựng văn hoá khởi nghiệp sáng tạo, vừa để truyền tải những thông điệp, những mô hình hay, những công nghệ mũi nhọn giúp cho thế hệ trẻ có thể tiếp thu và triển khai trong nước.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation cho rằng: Bài toán dành cho người làm truyền thông bây giờ đó chính là tìm ra giải pháp để có thể tương hỗ với người tiếp cận thông tin, từ đó dẫn dắt họ qua các hành trình trải nghiệm cụ thể, phụ thuộc vào từng nhu cầu của mỗi người, như thế người tiêu dùng mới có thể tiếp cận được. Vai trò của truyền thông không chỉ đơn giản là giới thiệu, mà quan trọng hơn là kiến tạo thị trường và môi trường để các startup có sức sống, động viên khuyến khích, đặt nền móng cho khách hàng và người dùng trong tương lai.
Ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất & phát triển nội dung số Đài truyền hình Việt Nam (VTV Digital) chia sẻ: cách tiếp cận đầu tiên của việc làm truyền thông cho công nghệ tiên phong đó là phải chỉ ra sự khác biệt và nổi trội về sản phẩm của mình. Quan trọng hơn, công nghệ ứng dụng vào đâu cũng phải phục vụ cuộc sống, phục vụ con người. Như vậy việc công nghệ giải quyết những bài toán thiết thực của xã hội, con người thì sẽ đi vào lòng người nhanh hơn. “Tôi nghĩ rằng, sự chủ động của những đơn vị về truyền thông sẽ tạo ra hiệu ứng xã hội rất quan trọng, chẳng hạn trước khi một sản phẩm công nghệ nào đó được đưa vào ứng dụng thì công chúng đã có cách thức để tiếp cận được, biết được công nghệ sẽ mang lại những gì và hào hứng chờ đợi từ đó”, ông Phạm Anh Chiến khẳng định.
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Lễ ký ghi nhớ hợp tác thúc đẩy hoạt động truyền thông hướng đến hình thành Mạng lưới truyền thông Quốc gia về khởi nghiệp sáng tạo nhằm triển khai các chương trình và dịch vụ cụ thể về truyền thông có sức lan tỏa, vinh danh cho công nghệ tiên phong và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị truyền thông cùng phối hợp xây dựng các thông điệp mang tầm quốc gia về KH,CN&ĐMST với mong muốn phát huy hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của truyền thông trong tiến trình phát triển một quốc gia có năng lực công nghệ cao, một đất nước thịnh vượng.
Lễ ký ghi nhớ hợp tác thúc đẩy hoạt động truyền thông hướng đến hình thành Mạng lưới truyền thông Quốc gia về khởi nghiệp sáng tạo |
Phiên thảo luận 1 về truyền thông cho công nghệ tiên phong dưới góc nhìn của các tập đoàn, doanh nghiệp khởi nghiệp |
Phiên thảo luận 2 về chính sách và truyền thông – thực trạng truyền thông công nghệ tiên phong Việt Nam hiện nay |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.