Không nhớ đã thực hiện bao nhiêu nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển
Tối 4/6 tại Hà Nội đã diễn ra Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 18 năm 2023 với chủ đề "Ý chí Việt Nam". Chương trình năm nay lấy chủ đề "Ý chí Việt Nam", lựa chọn và vinh danh các tập thể, cá nhân có ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy triệt để sức mạnh của chính mình, không ỷ lại vào sự giúp đỡ bên ngoài, từ đó đứng vững trong thách thức chung và tìm cách vươn lên dẫn đầu, truyền cảm hứng cho cộng đồng xã hội.
Ban tổ chức đã lựa chọn các nhân vật có thành tích xuất sắc, nổi trội, nhiều nhân vật, tổ chức đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang; nhận nhiều Huân chương cao quý...
Là 1 trong số 11 cá nhân được tôn vinh, anh Trần Văn Khôi, Thuyền phó tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 412, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, chia sẻ: "Dù chỉ là công việc, nhiệm vụ hàng ngày của mình nhưng tôi thực sự cảm thấy rất xúc động khi những việc làm của mình được ghi nhận và tôn vinh. Vinh dự này không chỉ với cá nhân tôi còn của cả gia đình tôi".
Gắn bó với công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã hơn 15 năm, cho đến nay anh Trần Văn Khôi không thể nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển. Nhiệm vụ của anh đa phần là tìm kiếm, cứu nạn, ứng cứu, hỗ trợ y tế cho bà con ngư dẫn trên các tàu cá.
Điển hình, như vụ hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn máy bay Su30 và máy bay KASA 212 ở Vịnh Bắc bộ, tìm kiếm cứu nạn thuyền viên hàng loạt tàu hàng bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn do bão số 12, tìm kiếm cứu nạn thuyền viên bị chìm tàu tại cửa Gianh - Quảng Bình...
Bằng trách nhiệm và những hành động quả cảm, tháng 7/2021, Thuyền phó tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 412 Trần Văn Khôi đã vinh dự được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) trao tặng Giải thưởng "Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển". Đây là lần đầu tiên thuyền viên Việt Nam được IMO tôn vinh vì lòng dũng cảm, ý chí và sức chịu đựng phi thường.
"Mỗi cơn sóng phủ qua xong là một lần chúng tôi biết mình vẫn còn sống"
Theo anh Trần Văn Khôi, một trong những lần làm nhiệm vụ khiến anh nhớ mãi là vụ việc tham gia cứu nạn thuyền viên tàu VIETSHIP 01 ở Quảng Trị đầu tháng 10/2020.
Khi đó là sáng 8/10/2020, tàu VIETSHIP 01 neo đậu ở khu vực cảng Cửa Việt thì bị nước lũ cuốn trôi ra biển và mắc cạn. Trên tàu VIETSHIP 01 lúc đó có 9 người, trong khi trôi dạt đã cứu vớt 3 thuyền viên của tàu VIETSHIP TK 12 bị chìm trước đó.
Ngày 9/10/2020, 4 thuyền viên đã bơi được vào bờ, 8 thuyền viên còn lại bám vào phần nổi của chiếc tàu, đang cố gắng cầm cự.
Sáng 10/10/2020, lực lượng cứu nạn gồm 4 ngư dân dày dạn kinh nghiệm đi trên tàu cá, vượt sóng dữ cố gắng tiếp cận tàu bị nạn. Khi tiếp cận tàu VIETSHIP 01, do sóng to tàu cá bị lật chìm, 3 thuyền viên bám leo lên tàu còn 1 người bơi được về bờ. Lúc này trên tàu còn 11 người bao gồm 8 thuyền viên và 3 ngư dân.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ huy tiền phương được thành lập tại hiện trường, các lực lượng tìm mọi phương án, tìm mọi cách để cứu người bị nạn.
Lúc 15h15 ngày 10/10/2020, lực lượng cứu nạn tiếp tục đưa tàu cá cùng 4 người, trong đó có thuyền viên Trần Văn Khôi của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tham gia chỉ huy trên tàu đã dũng cảm vượt sóng ra tiếp cận tàu VIETSHIP 01. Đến 15h45 chiều cùng ngày, lực lượng cứu nạn đã đưa được 2 người về bờ thành công. Lúc này trên tàu VIETSHIP 01 còn 9 người, gồm 8 thuyền viên và 1 ngư dân.
Thời điểm đó, lực lượng cứu nạn hàng hải và các ngư dân địa phương kỳ cựu thông thuộc dòng chảy của vùng biển đó cùng nhau cố gắng tiếp cận tàu VIETSHIP 01 bằng ghe đánh cá nhưng không hiệu quả do sóng quá lớn và dòng chảy siết. Lúc này 2 thuyền viên trên tàu VIETSHIP 01 do hoảng loạn nên đã nhảy xuống biển. Nhận thấy tình huống nguy hiểm, thuyền viên Trần Văn Khôi đã liều mình lao xuống nước và bơi ra cứu được 2 thuyền viên này đưa về bờ an toàn.
Chiều muộn, thuyền viên Trần Văn Khôi tiếp tục xung phong điều khiển xuồng cứu nạn cố gắng tiếp cận vị trí tàu bị nạn. Biển động dữ dội khiến nước vào làm xuồng cứu nạn chết máy, tròng trành, nguy cơ lật bất cứ lúc nào.
Với sự nỗ lực và kinh nghiệm, thuyền viên Khôi cùng các đồng đội đã nhanh chóng khắc phục sự cố động cơ và tiếp tục vật lộn với sóng dữ để tiếp cận tàu VIETSHIP 01, tuy nhiên không thành công. Lúc này trời đã tối, toàn bộ tổ cứu nạn đã kiệt sức và được lệnh quay trở lại bờ. Hành động cuối cùng của chiến dịch cứu nạn diễn ra vào ngày 11/10/2020, sau khi trực thăng cứu hộ được triển khai đến hiện trường và những người sống sót còn lại đã được đưa đến nơi an toàn.
"Ngày hôm sau sóng gió dữ dội hơn, tham gia trực tiếp ở hiện trường 2 ngày liên tiếp nên tôi và đồng nghiệp hiểu rõ mức độ nguy hiểm của công tác cứu nạn lần này vì sống chết chỉ cách nhau tích tắc. Với tâm trạng hồi hộp, chúng tôi nổ máy xuồng cứu nạn lao ra biển, mỗi cơn sóng phủ qua xong là một lần chúng tôi biết mình vẫn còn sống. Quãng đường ra khơi đã gian nan nhưng lúc tiếp cận được gần tàu VIETSHIP 01 còn khó khăn hơn nhiều lần", thuyền viên Trần Văn Khôi nhớ lại.
Ông Vũ Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam chia sẻ: "Với nhiệm vụ được giao, các thuyền viên luôn hết mình để hoàn thành công việc mang tính nhân đạo cao cả. Mặc dù lực lượng còn mỏng, phương tiện lạc hậu, chịu sóng yếu nhưng bằng tinh thần nhiệt huyết, nỗ lực và ý chí, chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm an toàn cho người dân khi hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo đảm an toàn cho họ khi vươn khơi bám biển".
"Anh Trần Văn Khôi là một trong những tấm gương tiêu biểu của đội ngũ thuyền viên tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng thường trực hỗ trợ bà con ngư dân giúp họ an tâm mưu sinh trên biển. Trong tương lai, Trung tâm sẽ có thêm những thuyền viên dũng cảm như anh Khôi, luôn cố gắng rèn luyện để trở thành đội ngũ thuyền viên chính quy hiện đại, xứng đáng là điểm tựa của người đi biển, xứng đáng với niềm tin với của Đảng, Nhà nước và Nhân dân", ông Vũ Việt Hùng nói thêm.
Vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu km2 mặt biển, với chiều dài hơn 3.260km bờ biển. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp hoạt động nhân đạo trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện chức năng chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế trên biển.
Trong năm 2022, Trung tâm đã tiếp nhận và xử lý 288 vụ, điều động 48 lượt tàu cứu nạn chuyên dụng thực hiện tìm kiếm cứu nạn trên biển, hỗ trợ 1213 người, trong đó có 493 công dân nước ngoài; số phương tiện cứu và hỗ trợ là 47 tàu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.