Ngay từ ngày đầu thành lập, VATM đã được Nhà nước, Cục Hàng không giao cho trọng trách trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh giành lại quyền điều hành bay vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR/HCM) nhằm khẳng định vùng trời trách nhiệm và vị thế của Hàng không Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời xác lập một vùng trời mà trong đó VATM có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Đây là cuộc đấu tranh gian khổ, liên tục, phức tạp kéo dài từ sau năm 1975 đến tháng 12/1994, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) chính thức giao cho Việt Nam trong đó VATM trực tiếp điều hành. Cuộc đấu tranh giành lại quyền điều hành bay vùng thông báo bay Hồ Chí Minh là dấu son, mốc quan trọng đầu tiên của quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu VATM. Kể từ khi tiếp nhận FIR/HCM đến nay, VATM đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm. Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích rộng gần 1 triệu km2, phạm vi hoạt động trải rộng tại 28 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 24 đường hàng không trong nước và 34 đường hàng không quốc tế cho trên 100 hãng hàng không bay qua, bay đi và đến Việt Nam. VATM đã điều hành an toàn tuyệt đối cho trên 4,6 triệu chuyến bay trong đó có trên 3 nghìn chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. VATM là đơn vị luôn dẫn đầu ngành Hàng không dân dụng về năng suất, chất lượng và hiệu quả: Tổng thu điều hành bay đạt trên 25 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN đạt trên 13 nghìn tỷ đồng.
VATM đã đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng theo hướng hiện đại đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, phù hợp với các tiêu chuẩn của ICAO. Đổi mới công nghệ quản lý điều hành bay mang tính đột phá của VATM là từ công nghệ cổ điển, truyền thống “Nghe – nói” sang phương thức hiện đại “Nghe – nói – giám sát” và từng bước tự động hóa các khâu trong dây chuyền công nghệ cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Đến nay về cơ sở điều hành bay, VATM đã đầu tư hiện đại, đồng bộ hoàn chỉnh: 02 Trung tâm Kiểm soát đường dài (ACC/HCM và ACC/HAN), 03 Trung tâm Kiểm soát tiếp cận (APP/NBA, APP/DAD và APP/TSN), 21 đài Kiểm soát không lưu tại các cảng hàng không. Về viễn thông hàng không, VATM đã đầu tư 04 Trung tâm xử lý điện văn tự động, 10 trạm VHF liên lạc đất đối không tầm xa, 18 trạm liên lạc vệ tinh VSAT, 09 trạm Radar giám sát, 03 đài dẫn đường NDB và 19 đài dẫn đường DVOR/DME. Ngoài ra, VATM đã phối hợp với các ACC của các quốc gia kế cận đã triển khai khai thác chính thức hệ thống giám sát tự động phụ thuộc/ liên lạc không địa bằng dữ liệu (ADS/CPDLC) trong FIR/HCM, áp dụng tự động xử lý dữ liệu bay (FDP) tự động xử lý dữ liệu radar (RDP) tại ACC/HAN và ACC/HCM, tự động hóa dịch vụ thông báo tin tức hàng không (AIS). Công ty con – công ty Dịch vụ kỹ thuật Quản lý bay đã thiết kế, sản xuất, chế tạo thành công hệ thống chuyển điện văn tự động AMSS, dàn phản xạ đài dẫn đường VOR/DME, hệ thống đồng hồ thời gian chuẩn, hệ thống đèn đường băng, hệ thống ghi âm… và thương mại hóa sản phẩm, cung cấp trong ngành hàng không Việt Nam.
VATM là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực hội nhập quốc tế về tổ chức cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. VATM đã tích cực tham gia tiến trình thực hiện kế hoạch không vận của ICAO khu vực Châu Á Thái Bình Dương như: Thiết lập và điều chỉnh lại cấu trúc các đường hàng không trên khu vực biển Đông (năm 2001). Áp dụng thực hiện việc điều hành bay theo phương thức giảm phân cách trên các đường hàng không quốc tế và trong nước (năm 2002), thực hiện giám sát tự động phụ thuộc và liên lạc với người lái bằng đường truyền dữ liệu (năm 2007) và gần đây là việc sửa đổi cơ cấu phân bổ mực bay theo đặc tính dẫn đường theo yêu cầu RNP10 (năm 2008).
Để làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại, từng bước hiện đại hóa ngành Quản lý bay nhất thiết phải xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những yếu tố, động lực quan trọng hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Với việc đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo huấn luyện ,VATM đã tổ chức đào tạo, huấn luyện trong nước cho gần 27 nghìn lượt người, ngoài nước cho trên 1,6 nghìn lượt người, bay cảm giác cho hơn 1 nghìn lượt KSVKL. Hiện nay, Tổng công ty có đội ngũ 446 kiểm soát viên không lưu trực tiếp làm công tác điều hành bay, 847 cán bộ, nhân viên kỹ thuật .
Về tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp: VATM đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con với công ty mẹ là công ty TNHH một thành viên tạo cơ sở để VATM chuyển từ liên kết hành chính với cơ chế giao vốn sang liên kết bền chặt bằng cơ chế đầu tư tài chính là chủ yếu. Đây cũng là dịp để VATM tổ chức lại bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành gọn nhẹ, giảm bớt đầu mối trung gian, chủ động phân bố lại lực lượng lao động phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của các đơn vị. VATM đã tiến hành xây dựng hệ thống văn bản quản lý nội bộ, trong đó có những quy chế đã sớm được ban hành, áp dụng trong VATM và đem lại hiệu quả trong công tác quản lý.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, VATM đã trở thành doanh nghiệp nhà nước phát triển toàn diện trên các mặt, nổi bật là: Cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng được đầu tư và hiện đại hóa đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới; lực lượng lao động trực tiếp trong các dây chuyền sản xuất và cung ứng dịch vụ của VATM có khả năng tiếp thu chuyển giao công nghệ và các phương thức điều hành bay mới đảm bảo điều hành bay tuyệt đối an toàn thỏa mãn nhu cầu cho các nhà khai thác hàng không trong nước và quốc tế; sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, vững chắc, bảo toàn và phát triển nguồn vốn được Nhà nước giao, nộp ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước; đời sống, thu nhập của người lao động ổn định và không ngừng được cải thiện.
Bước vào thời kỳ mới, tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường, kinh tế đất nước vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, VATM đang thiếu vốn cho đầu tư phát triển, lưu lượng bay tăng cao, tính chất hoạt động hàng không ngày càng phức tạp, VATM với truyền thống phát triển 20 năm, nhận thức sâu sắc trách nhiệm trước Đảng, phải nỗ lực phấn đấu quyết liệt trong điều hành để hoàn thành chức năng nhiệm vụ được nhà nước giao, trong đó cần tập trung vào những giải pháp chủ yếu sau:
Triển khai thực hiện nghiêm chỉnh các giải pháp đã ban hành để thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BGTVT ngày 09/11/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT và Nghị quyết chuyên đề số 64/NQ/TVĐU ngày 27/11/2012 của Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty về tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động bay. VATM đang đẩy mạnh quản trị, điều hành chặt chẽ kế hoạch tài chính, trong đó tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp quản lý doanh thu, chi phí theo đúng chế độ tài chính kế toán; tổ chức hạch toán, thống kê đầy đủ, triển khai các biện pháp chống thất thoát lãng phí, tham nhũng, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Thực hiện công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của VATM; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và xây dựng mới các quy chế quản lý nội bộ nhằm phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức; tăng cường công tác kiểm tra (trong đó coi trọng việc tự kiểm tra, tự giám sát của cán bộ cấp cơ sở), kiểm soát nội bộ; tây dựng, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các phương án về vốn cho VATM trước mắt cũng như lâu dài, coi đây là nhiệm vụ quan trọng đảm bảo sự phát triển của VATM trong tương lai.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác tái cơ cấu VATM theo đề án đã được Bộ GTVT phê duyệt trước hết là tổ chức lại bộ máy quản lý, tái cơ cấu nguồn nhân lực. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ thông tin trong quản trị điều hành. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo đúng thiết kế được duyệt. Hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án: Đài KSKL Tân Sơn Nhất, Đài KSKL Chu Lai, trụ sở làm việc các đơn vị khu vực Gia Lâm, Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội. Khẩn trương đưa Trung tâm Huấn luyện quản lý bay vào hoạt động nhằm sớm tổ chức huấn luyện đào tạo cho lực lượng lao động trực tiếp như kiểm soát viên không lưu, nhân viên kỹ thuật, lực lượng an ninh hàng không.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận trong VATM. Xây dựng mối đoàn kết nội bộ, tiếp tục triển khai Nghị quyết TW4 khoá XI của Đảng, Chỉ thị số 03 của Bộ chính trị về về tiếp tục đẩy mạnh“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức đoàn thể trong các hoạt động của VATM và vận động cán bộ, công nhân viên hăng say lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của VATM .
ĐỖ QUANG VIỆT
Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.