Phát triển đô thị phải đảm bảo tính bền vững |
Lĩnh vực lập quy hoạch, chiến lược
Tổng cục ĐBVN đã chủ động thực hiện rà soát và lồng ghép đưa mục tiêu, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh bằng việc cập nhật, xây dựng mới các chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT cấp ngành, lĩnh vực, vùng thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục ĐBVN.
Lĩnh vực lập dự án đầu tư
Trong quá trình triển khai, lập dự án đầu tư, đơn vị đã tích hợp “Phát triển hệ thống GTVT có trọng điểm, kết nối với các trung tâm kinh tế và khu vực sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn, thông qua đầu tư vào hạ tầng giao thông với công nghệ, kỹ thuật hiện đại; tăng cường đầu tư hệ thống quốc lộ, đường bộ cao tốc gắn với mục tiêu tiết kiệm năng lượng, có hiệu quả kinh tế - môi trường cao, có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.
Lĩnh vực bảo trì
Nâng cao hiệu quả công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông bằng việc đẩy mạnh tái chế, sử dụng vật liệu tại chỗ, tận thu vật liệu, giảm ô nhiễm môi trường trong duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng.
Lĩnh vực vận tải đường bộ
- Thực hiện đề án phát triển dịch vụ logistics nhằm tối ưu hóa thời gian và chi phí vận tải, giảm tiêu hao nhiên liệu; phát triển hoạt động của các sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối mạng lưới vận tải; tiếp cận, ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, công nghệ vận tải xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa.
- Ban hành Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 22:2018/TCĐBVN về tiêu chí doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ xanh với mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp vận tải thực hiện tốt việc quản lý và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động vận tải; bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ các phương tiện vận tải nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, đảm bảo hoạt động hiệu quả; đầu tư, lắp đặt các công nghệ kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu và thay thế dần các phương tiện vận tải cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Lĩnh vực Khoa học công nghệ
Tổng cục triển khai áp dụng các công nghệ mới, vật liệu mới thân thiện với môi trường, giúp tăng cường khả năng chống chịu của công trình cầu đường bộ trước tác động của biến đổi khí hậu và góp phần sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cụ thể như sau:
- Dự án Khảo sát kiểm chứng hỗ trợ khu vực tư nhân phổ biến các công nghệ của Nhật Bản cho giải pháp thi công neo đất phòng trượt đất đá mái dốc thuộc công trình đường bộ do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án triển khai thí điểm công nghệ neo đất vĩnh cửu (SEEE) trên mái dốc đường dẫn cầu Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh nhằm kiểm chứng, so sánh tính khả thi của neo đất SEEE với các công nghệ và sản phẩm hiện đang được áp dụng, xây dựng tiêu chuẩn thi công phù hợp với các đặc tính của Việt Nam (môi trường tự nhiên, khí hậu, giải pháp thiết kế...), định hướng phát triển áp dụng rộng rãi neo đất SEEE trong tương lai, từ đó nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, xử lý sụt trượt, ổn định mái dốc các công trình đường bộ tại Việt Nam.
- Thử nghiệm Micro surfacing trong công tác bảo trì đường bộ theo công nghệ của Công ty Elsamex và Công ty Elsamex Maintenance Services Limited (Ấn Độ):
Tổng cục ĐBVN đã phối hợp với các chuyên gia của hai công ty nêu trên triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ Micro surfacing tại đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Hòa Bình (km455+000 - km455+850), QL1 đoạn qua tỉnh Hà Nam (km213+950 - km214+450), QL1 đoạn qua tỉnh Ninh Bình (km257+000 - km257+500). Kết quả thử nghiệm cho thấy, công nghệ Micro surfacing đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, bước đầu đã chứng minh được hiệu quả kỹ thuật khi sử dụng hỗn hợp Micro surfacing như sau:
+ Có tác dụng kéo dài tuổi thọ của mặt đường bê tông nhựa;
+ Có khả năng chống thấm nước thâm nhập vào mặt đường bê tông nhựa;
+ Có hiệu quả kinh tế cao (nếu so sánh kinh tế trong cả vòng đời của mặt đường có rải hỗn hợp Micro surfacing với mặt đường không rải hỗn hợp Micro surfacing);
+ Có nhiều lợi ích khác về khai thác và bảo vệ môi trường (do không phải cấm đường lâu, thiết bị thi công ít, cơ động);
- Dự án Nghiên cứu tối ưu hóa công nghệ bê tông nhựa ấm áp dụng vào đường bộ ở Việt Nam do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) tài trợ. Dự án nhằm nghiên cứu ứng dụng công nghệ bê tông nhựa ấm theo điều kiện ở Việt Nam để cải thiện kết cấu mặt đường cũng như công nghệ thi công mặt đường bê tông nhựa ở Việt Nam.
- Áp dụng thí điểm công nghệ cầu bê tông siêu tính năng (UHPC) trong Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP). Công nghệ cầu UHPC có ưu điểm giúp giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên tới 28%, góp phần giảm phát thải khí CO2. Do đó, việc triển khai ứng dụng thí điểm công nghệ cầu UHPC trong thiết kế, xây dựng cầu dân sinh của Dự án LRAMP sẽ góp phần làm rõ tính khả thi và hiệu quả kinh tế, môi trường của công nghệ này trong thực tiễn của Việt Nam. Kết quả thí điểm sẽ làm cơ sở để triển khai công nghệ này trong thực tế.
- Dự án thử nghiệm vận tải xanh thuộc Chương trình Môi trường trọng điểm (CEP), giai đoạn 2 (GĐII) do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ:
Kết quả triển khai thực tế của dự án đã chứng minh hiệu quả ứng dụng công nghệ xanh và kỹ năng lái xe sinh thái trong giảm phát thải khí nhà kính và tăng hiệu quả kinh tế, cụ thể:
+ Lắp lốp tiết kiệm nhiên liệu: Giảm tiêu thụ nhiên liệu từ 4 - 6%;
+ Lắp các thiết bị khí động lực (mái trượt gió): Giảm tiêu thụ nhiên liệu từ 02 - 3%;
+ Bơm thêm 01 bar hơi lốp: Giảm tiêu thụ nhiên liệu là 02%;
+ Lái xe sinh thái: Giảm tiêu thụ nhiên liệu từ 3 - 6%;
+ Kết hợp các biện pháp trên: Giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải khí nhà kính từ 10 - 13% trên mỗi xe và giảm từ 11 - 15 tấn CO2 mỗi năm
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.