Tổng cục Đường bộ chủ động phòng chống lụt bão và TKCN năm 2014

An toàn giao thông 24/09/2014 14:18

Tình hình thời tiết năm 2014 diễn biến phức tạp, bất thường, trái quy luật, áp thấp xuất hiện sớm trên Biển Đông, mưa đá, lốc xoáy đã xảy ra nhiều nơi. Để chủ động phòng, chống lụt, bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lụt, bão, thiên tai gây ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, với phương châm hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra.


Các đơn vị trong ngành đường bộ triển khai công tác PCLB&TKCN năm 2014, với phương châm “Chủ động phòng ngừa, tích cực ứng phó, khắc phục khẩn trương”; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống, khắc phục hậu quả lụt, bão đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

Xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt, tổ chức trực lụt, bão và công tác báo cáo kịp thời theo quy định.

Thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, tổ chức thường trực 24/24 giờ khi có mưa bão để có phương án khắc phục và tìm kiếm cứu nạn kịp thời. Đối với các cầu yếu, các vị trí đèo dốc, xung yếu có khả năng sụt trượt, đứt đường phải gia cường, củng cố trước khi xảy ra lũ, bão và chuẩn bị tập kết các vật tư, thiết bi dự phòng, nhân lực để sẵn sàng huy động ứng cứu khi xảy ra sự cố. Vật tư, phương tiện, thiết bị dự phòng phải được kiểm tra, bảo dưỡng và tổ chức tập duyệt để khi có lệnh huy động là sử dụng ứng cứu được ngay.

Triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão năm 2014 của đơn vị; trong đó cần lập kế hoạch quản lý, bổ sung các phương tiện, trang thiết bị trước các nguy cơ xảy ra của thiên tai.

Các đơn vị thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ phải ưu tiên nạo, vét cống, rãnh thoát, sửa chữa mặt đường êm thuận, đảm bảo giao thông luôn an toàn, thông suốt.

Đối với các công trình đặc thù như: hầm, cầu treo dây văng, dây võng phải tiến hành kiểm tra trước khi có bão và bố trí bộ phận trực để theo dõi, điều tiết giao thông trong thời gian có bão.

Yêu cầu các đơn vị quản lý các công trình nằm trên đất của đường bộ thực hiện chằng chống kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn khi có bão, giông, lốc xoáy.

Phối hợp với các cơ quan quản lý hồ thủy điện, thủy lợi trong khu vực để cập nhật thông tin mực nước và điều tiết lũ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý đường thủy, thủy lợi trong công tác phòng chống và khắc phục sự cố liên quan đến công trình thoát nước.

Tổng cục ĐBVN yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ xây dựng các phương án đảm bảo giao thông, phân luồng giao thông khi có sự cố tắc đường trên các tuyến quốc lộ huyết mạch Bắc – Nam như: QL1, đường HCM và các tuyến trọng yếu trong khu vực và các tuyến đường nối với đầu mối vận tải như cảng biển, khu công nghiệp lớn, khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung, các cửa khẩu Quốc tế.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt và các Sở GTVT của các địa phương có tuyến QL1 chạy qua trong tình huống đường sắt bị ách tắc giao thông; Phối hợp với các Sở GTVT trong khu vực trong công tác phân luồng đảm bảo giao thông.

Rà soát các phương tiện, vật tư hiện có, bổ sung để đảm bảo tốt cho công tác ứng cứu; chuẩn bị và bố trí các loại vật tư, phương tiện dự phòng như phà, phao, dầm Bailley, rọ đá … cho từng khu vực một cách hợp lý, sẵn sàng thực hiện khi có lệnh điều động của Bộ GTVT và của Tổng cục để đảm bảo giao thông cho các tuyến đường trong khu vực.

Khẩn trương và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình sửa chữa đường bộ của năm 2014, đặc biệt ưu tiên đối với các công trình thoát nước, các đoạn đường đèo dốc trên các tuyến đường độc đạo, cầu yếu trên các tuyến quốc lộ được giao quản lý.

Đối với các công trình, các gói thầu chưa bàn giao mặt bằng thi công, yêu cầu phải thực hiện gia cố các vị trí xung yếu.

Ngoài ra, các Cục QLĐB tổ chức phối hợp với các Ban Quản lý dự án kiểm tra công tác đảm bảo giao thông trên các tuyến đường đang triển khai dự án; đối với dự án đình hoãn, yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải có phương án đảm bảo giao thông cụ thể, chi tiết cho từng gói thầu.

Thực hiện nạo vét rãnh, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản làm ách tắc dòng chảy, hạn chế đến việc tiêu thoát nước. Phối hợp với Chính quyền địa phương giải tỏa các công trình lấn chiếm hàng lang thoát nước phía hạ lưu; Xây dựng bổ sung hệ thống mốc cảnh báo ngập lụt tại những khu vực xung yếu thường xuyên bị ngập lụt.

Thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn các bến phà, cầu phao, các âu dấu phà, các hệ thống chống va trôi, các cầu yếu và có biện pháp cũng như phương án đảm bảo giao thông khi sự cố xảy ra.

Các đơn vị làm việc với Lãnh đạo các Quân khu, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp, ứng cứu đảm bảo giao thông cũng như tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố cầu đường do bão lũ gây ra.

Tổng cục ĐBVN yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải thực hiện tốt công các bảo trì các tuyến quốc lộ được ủy thác quản lý và các tuyến đường địa phương; xây dựng phương án phân luồng đảm bảo giao thông cho Quốc lộ được ủy thác, các tuyến đường địa phương; phối hợp chặt chẽ với các Cục QLĐB trong công tác tổ chức phân luồng giao thông. Đối với các địa phương có đường sắt đi qua Sở GTVT lập phương án trung chuyển hành khách trong trường hợp đường sắt bị ách tắc cục bộ, dài ngày do mưa lũ gây ra.

Kịp thời phối hợp, ứng cứu các đơn vị thi công trên địa bàn trong công tác khắc phục công trình, cầu, đường, bến phà khi bị sự cố do thiên tai gây ra; đồng thời tham gia lực lượng tìm kiếm cứu hộ.

Chủ trì, phối hợp với các Sở – ngành liên quan, các quận – huyện kiểm tra phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các bến phà, bến đò trong mùa mưa, lũ; trong đó, cần phải bố trí đầy đủ phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn.

Phối hợp với các Sở – ngành liên quan, các quận – huyện xây dựng kế hoạch huy động phương tiện vận tải đường bộ phù hợp với địa hình khu vực khi xảy ra thiên tai phục vụ vận chuyển dân đi sơ tán.

Phối hợp với Chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn tại các vị trí vượt sông trọng yếu. Không tổ chức vận chuyển hành khách sang sông trong điều kiện thời tiết xấu: giông, bão, lũ lớn.

Các Ban quản lý dự án yêu cầu nhà thầu đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công; khi có lụt, bão phải tổ chức ứng cứu đảm bảo giao thông.

Lập phương án đảm bảo giao thông cụ thể, chi tiết cho các dự án đình hoãn, giãn tiến độ; đặc biệt quan tâm đến các tuyến đường trọng yếu có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao.

Phối hợp cùng các đơn vị trong và ngoài ngành ứng cứu đảm bảo giao thông trên các tuyến đường trong khu vực đang triển khai dự án.

Các Trường kỹ thuật nghiệp vụ phải có phương án phòng, chống lụt, bão bảo vệ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của đơn vị.

Tổng cục ĐBVN yêu cầu các Cục QLĐB, Sở GTVT, Ban Quản lý dự án, Trường kỹ thuật nghiệp vụ chủ động tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão năm 2014 và thực hiện chế độ báo cáo về Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất.

PV

Ý kiến của bạn

Bình luận