Tổng cục đường bộ Việt Nam giới thiệu đề án Đổi mới quản lý vận tải đường bộ

Giao thông 24h 28/02/2013 09:49

“Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu TNGT” là Đề án được Tổng cục đường bộ Việt Nam giới thiệu trong buổi họp báo sáng ngày 26/02/2013 tại Hà Nội. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Quyền chủ trì cuộc họp.


Đề án gồm 7 phần, trong đó tập trung vào vấn đề hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về vận tải nhằm tạo nên hành lang pháp lý nhà nước trong cơ chế thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, góp phần đảm bảo ATGT, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại lực lượng vận tải, hướng tới cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả, hội nhập khu vực và quốc tế.

Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Quyền trả lời ý kiến của các nhà báo về Đề án

Hiện nay, số lượng phương tiện đã tăng hơn 10 lần so với trước thời kỳ đổi mới (102.654 xe khách và 620.000 xe tải các loại) với 2.681 doanh nghiệp, 586 HTX và hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể. Đa số các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phương tiện quản lý thủ công, đơn giản, khả năng chuyên môn của cán bộ quản lý, điều hành nhìn chung rất yếu kém, hiệu quả kinh doanh thấp.

Thêm vào đó, các quy định về quản lý vận tải hàng hóa, đặc biệt là đối với vận tải hàng hóa thông thường vẫn còn thiếu. Các quy định về ATGT và chất lượng dịch vụ vận tải tại các văn bản quy phạm pháp luật chưa được chi tiết, cụ thể; chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, áp dụng công nghệ tin học để phục vụ công tác quản lý. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý vận tải tại các địa phương còn hạn chế cả về số lượng và nghiệp vụ chuyên môn… Vì vậy, việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết, tạo tiền đề để thúc đẩy vận tải đường bộ phát triển theo hướng hiện đại, đạt được hiệu quả kinh tế và xã hội ngày càng cao.

Nội dung của Đề án tập trung vào 4 vấn đề chính:

Thứ nhất, Đổi mới quản lý vận tải hành khách:
Đề án đã xác định rõ nội dung cơ bản của quản lý hoạt động vận tải hành khách là quản lý chất lượng dịch vụ vận tải và quản lý ATGT. Để thực hiện được nội dung cơ bản trên, đề xuất ban hành Quy chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, theo đó, các yếu tố cấu thành chất lượng dịch vụ và đảm bảo ATGT được tăng cường, đổi mới quản lý một cách đồng bộ; lượng hóa bằng cách tính điểm để xếp loại (theo sao) chất lượng.

Thứ hai, Đổi mới quản lý vận tải hàng hóa:
Nội dung cơ bản của quản lý vận tải hàng hóa là quản lý ATGT và minh bạch thị trường vận tải, cung cấp thông tin giúp cho các đơn vị vận tải hàng hóa tổ chức vận tải khoa học, hiểu quả.

Thứ ba, Đổi mới quản lý dịch vụ hỗ trợ vận tải:
Ban hành các quy chuẩn, trước hết là quy chuẩn bến xe, tạm dừng nghỉ; ứng dụng CNTT để quản lý về dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Thứ tư, Đổi mới về công nghệ, phương pháp quản lý:
Xây dựng các biện pháp khuyến khích, lộ trình bắt buộc áp dụng công nghệ tin học trong quản lý hoạt động vận tải đường bộ. Quy định áp dụng CNTT, truyền dẫn, lưu trữ, tổng hợp, phân tích các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Coi đây là một công cụ, một biện pháp quan trọng để quản lý hiệu quả hoạt động của phương tiện trên đường nhằm vừa nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, vừa đảm bảo trật tự, ATGT.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về toàn bộ hoạt động vận tải đường bộ; áp dụng CNTT trong việc kết nối, khai thác sử dụng các dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị vận tải, bến xe, trạm dừng nghỉ đường bộ. Công khai các dữ liệu cần thiết để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tra cứu lựa chọn được lịch trình, đơn vị đáp ứng tốt nhất nhu cầu vận chuyển của mình.

Toàn cảnh buổi họp báo

Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Quyền khẳng định: “Đề án xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam, là giải pháp đồng bộ, áp dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo tính công khai, minh bạch chất lượng dịch vụ vận tải, tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng”.

Cẩm Phú

Ý kiến của bạn

Bình luận