Tổng kết Ngành GTVT: Nhiều điểm sáng phát triển giai đoạn 2016 - 2020

Tác giả: Nhóm Phóng viên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 24/12/2020 09:54

Sáng 24/12, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 – 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021 – 2025. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến dự và chỉ đạo Hội nghị.


TVU01724
Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu các Nghị quyết đã đặt ra cho ngành GTVT.

Phát huy tối đa nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông

Theo đó, kết cấu hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá so với các lĩnh vực khác, đảm nhận vai trò chủ yếu trong kết nối vùng miền và quốc tế, đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.

Lĩnh vực đường sắt đã có nhiều nỗ lực, duy trì tình trạng kết cấu hạ tầng để nâng cao an toàn và rút ngắn thời gian chạy tàu. Phân bổ nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt còn hạn chế tuy nhiên bước đầu hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt đã được quan tâm đầu tư, từng bước được cải tạo, nâng cấp . Hiện tại đang triển khai 04 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình đường sắt trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.

unnamed-1525
Lãnh đạo Bộ GTVT tham dự khởi công một số dự án thành phần Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Năng lực kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã được nâng cao nhờ việc tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo một số tuyến tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long , đồng thời với việc đưa vào sử dụng một số công trình chỉnh trị cửa sông, kênh, âu tàu lớn, hiện đại và một số cảng đầu mối container kết hợp cảng cạn ở Phía Nam và Phía Bắc . Năm 2020, Bộ đã tiến hành động thổ Cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ thuộc dự án WB6.

Còn hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với năng lực thông qua khoảng 570 triệu T/năm. Hai cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện đã có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000tấn (DWT) đi thẳng bờ Tây nước Mỹ, Canada và Châu Âu; các cảng hành khách tại Phú Quốc, Hạ Long có khả năng tiếp nhận tàu chở khách lớn nhất thế giới; cảng chuyên dùng tiếp nhận được tàu từ 100.000 tấn đến 320.000 tấn; từng bước phát triển hệ thống cảng cạn hỗ trợ hiệu quả cho việc khai thác cảng biển, phát triển dịch vụ logistics.

Về hàng không, các cảng hàng không quan trọng đã được nâng cấp gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và xây dựng mới gồm Phú Quốc, Vân Đồn, nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm. Công nghệ điều hành bay hiện đại đảm bảo an toàn , tăng hiệu quả khai thác hạ tầng cảng hàng không.

z2243572333014_88e5fe251f15f6c156e032693c61dedc
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các lãnh đạo Bộ GTVT chủ trì Hội nghị.

Tăng cường nâng cao chất lượng vận tải

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá trong giai đoạn vừa qua vận tải đường bộ có sự cải thiện vượt bậc, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Vận tải đường sắt từng bước được nâng cao theo hướng hiện đại, đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn; vận tải biển đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, chất lượng dịch vụ cảng biển được cải thiện rõ rệt; vận tải thủy nội địa đã tăng về thị phần sau khi đã tháo gỡ về các điểm nghẽn về hạ tầng, đưa vào khai thác các tuyến vận tải sông - biển; vận tải hàng không đã có những bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng đạt 15%/năm về hành khách và 12%/năm về hàng hóa (đến năm 2020 có 75 hãng hàng không nước ngoài và 05 hãng hàng không Việt Nam), đáp ứng kịp thời sự bùng nổ của nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn vừa qua, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ,... Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không, đường sắt.

img_20151116095240
Lực lượng thanh tra giao thông tăng cường công tác quản lý vận tải.

Sản lượng vận tải giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 7.559,621 triệu tấn hàng; đạt 20.617,8 triệu lượt hành khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 1.431,356 triệu Tấn.km; luân chuyển hành khách ước đạt 988,981 triệu HK.km.

“Tuy nhiên, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không. Tính đến hết tháng 11 tháng năm 2020, sản lượng vận tải giảm 29,7%; khối lượng luân chuyển hàng hóa giảm 7,9% và giảm 35,1% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2019”, Thứ trưởng thông tin thêm.

z2243566781487_ec10b927958a875c14ec802a76acdf33
Toàn cảnh Hội nghị.

TNGT giảm sâu, đảm bảo phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn

Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành một số văn bản có tác động tích cực đến xã hội như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP; Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hiệu quả trong quản lý kinh doanh vận tải, giảm tai nạn giao thông.

Từ năm 2016 trở lại đây, tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí. So với giai đoạn 2011-2015, số vụ tại nạn giao thông giảm 42,7%, số người chết giảm 19%, số người giảm 53,91%.

11 tháng năm 2020, số vụ TNGT giảm giảm 18,26%, số người chết giảm giảm 13,3%, số người bị thương giảm 20,52% so với 11 tháng năm 2019.

Trong giai đoạn vừa qua, công tác giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn và trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, hầu như không xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút tại hai thành phố lớn.

Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn luôn được Bộ GTVT chủ động từ công tác xây dựng kế hoạch, bảo đảm đầy đủ các nguồn lực, triển khai kịp thời công tác ứng phó, đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản; đồng thời bảo đảm giao thông thông suốt trong tất cả các lĩnh vực GTVT.

Tinh giảm, cải cách thủ tục hành chính

Bám sát vào Nghị quyết của Đảng, các Nghị quyết, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách hành chính hàng năm và giai đoạn 2011-2020, Bộ GTVT đã tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm như cải cách thể chế; xây dựng, tinh gọn bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

screen-shot-2020-10-05-at-32226-pm-1523
Giao diện trang chủ Hệ thống dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ GTVT.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT đã kiện toàn, tinh giảm 130 đầu mối trong tổng số 1.118 tổ chức; phê duyệt phương án cắt giảm 35 TTHC, đơn giản hóa 166 TTHC, cắt giảm 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh (đạt tỷ lệ 67,36%). Đã có 254 thủ tục được cung cấp ở mức độ 3, 4; hoàn thành 5/5 chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao về cung cấp dịch vụ công và tích hợp 114 TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bộ GTVT được đánh giá là một trong những bộ, ngành đi đầu trong thực hiện về công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh xây dựng các Cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện, hướng tới quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số. Đưa vào sử dụng Nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu Bộ GTVT kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương khác.

Ý kiến của bạn

Bình luận